Không để 'bệnh vào từ miệng' trong mùa mưa lụt

Trong mùa mưa lụt, thời tiết và môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển; thực phẩm dễ bị ô nhiễm, hỏng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu không tuân thủ các nguyên tắc về an toàn thực phẩm thì người dân có thể mắc các bệnh truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

Đồ họa: YÊN LAN

Đồ họa: YÊN LAN

Theo ThS Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng An toàn thực phẩm (ATTP), Sở Y tế Phú Yên, trong mùa mưa lụt, ở những vùng trũng thấp, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ngưng trệ; lương thực thực phẩm dễ bị mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm.

Các giếng nước bị ngập, ô nhiễm, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Rau xanh dễ bị nhiễm vi sinh vật, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Mặt khác, mưa lụt cũng là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật phát triển. Do đó nguy cơ ngộ độc thực phẩm và mắc các bệnh truyền qua thực phẩm, như bệnh tiêu chảy do virus, tả, thương hàn, lỵ trực trùng, bệnh than... là rất cao.

Nhằm bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa, bão, lụt, Sở Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất thực phẩm ăn ngay, cơ sở kinh doanh nước giải khát, nước đá, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các trường học... nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về ATTP.

Bên cạnh đó, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường truyền thông, hướng dẫn người dân lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; người dân ở vùng trũng thấp chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm được chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc, hóa chất sát khuẩn của ngành Y tế...; phổ biến các quy định bảo đảm ATTP đến những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố, tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất…, yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu, thực phẩm đã ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

Ngoài ra, các trung tâm y tế chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng, cơ sở điều trị và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

Những khu vực bị ngập lụt, gây chia cắt cần có phương án cung cấp lương thực thực phẩm, nước uống an toàn; khuyến khích người dân sử dụng thực phẩm được chế biến sẵn như mì gói, sử dụng nước uống đóng chai, đồng thời bổ sung vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động dự trữ thuốc, hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Để bảo đảm ATTP, bảo vệ sức khỏe, ông Lê Sỹ Kim nhấn mạnh: Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây trái lạ...; thực hiện ăn chín, uống chín. Trong trường hợp các nguồn cung cấp nước như giếng khơi, giếng khoan bị ngập thì nước phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng để chế biến thực phẩm.

Người dân hãy bảo vệ mình và gia đình bằng cách tuân thủ 5 nguyên tắc về ATTP: Giữ gìn vệ sinh tốt; để riêng thực phẩm sống và thực phẩm chín; nấu kỹ, giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn, tránh vùng nhiệt độ không đảm bảo an toàn (từ 5-600C); sử dụng nước sạch và nguyên liệu an toàn.

Tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây trái lạ...; thực hiện ăn chín, uống chín. Trong trường hợp các nguồn cung cấp nước như giếng khơi, giếng khoan bị ngập thì nước phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng để chế biến thực phẩm.

ThS Lê Sỹ Kim, Trưởng phòng ATTP, Sở Y tế

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/323899/khong-de--benh-vao-tu-mieng--trong-mua-mua-lut.html
Zalo