Bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương nêu 'bí quyết' giúp cai thuốc lá thành công

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh – Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương, có 3 yếu tố giúp người hút tránh được tác hại của các loại thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới gồm: Hiểu biết, quyết tâm và sự hỗ trợ. Trong đó quyết tâm là yếu tố quan trọng nhất.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh - Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương.

Hút thuốc lá không có ngưỡng an toàn

Trao đổi về những tác hại của thuốc lá, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Anh -Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định: "Hút thuốc lá gây hại đến hầu hết các cơ quan/bộ phận trên cơ thể con người và gây hại cả cho những người xung quanh".

Đầu tiên, người hút thuốc sẽ bị ảnh hưởng vùng hầu họng, khoang miệng, răng, lợi, đường hô hấp, tim mạch. Có rất nhiều bệnh ung thư gây ra do thuốc lá, ở khu vực ung thư vòm họng, mạch vành, mạch máu não, cơ quan về tiêu hóa, chuyển hóa, bệnh lý về xương, răng, lông, tóc, móng, da… Các chất trong thuốc lá cũng ảnh hưởng đến bệnh mạn tính: hen phế quản, viêm phổi. Việc sử dụng thuốc lá ảnh hưởng lớn đến chức năng sinh sản của nam và nữ. Bố, mẹ hút thuốc thì tỷ lệ con bị đẻ non sẽ rất cao. Trong khói thuốc là có đến 7.000 chất độc hại, trong đó có 70 chất gây ung thư. Thành phần CO2 từ khói thuốc sinh ra ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ oxy trong cơ thể, gây ra các bệnh mãn tính.

Ngoài người hút trực tiếp, khói thuốc còn ảnh hưởng đến cả người hút thuốc thụ động - những người không hút thuốc làm việc trong môi trường khói thuốc. Các nghiên cứu chỉ ra, người không hút thuốc mà làm việc trong môi trường khói thuốc thì cũng ảnh hưởng tương tự như hút 5 điếu thuốc 1 ngày. Đáng chú ý, những em bé được sinh ra trong môi trường nhiều khói thuốc dễ bị các bệnh lý hen phế quản, thiếu cân, dị dạng về thai nhi...

Bên cạnh thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử cũng là một mối nguy với sức khỏe, đặc biệt là giới trẻ. Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023). Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15 - 24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; Nhóm tuổi 25 - 44 tuổi là 3,2% và Nhóm tuổi 45 - 64 tuổi là 1,4%.

Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó sử dụng lần đầu tiên, 81 người; Đã từng dùng một thời gian là 1.143 người. Triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do: dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.

Theo bác sĩ Phương Anh, nói về ảnh hưởng của thuốc lá mới đối với giới trẻ thì ngành y cần thêm bằng chứng khoa học vì các nghiên cứu còn hạn chế. Song ngành y đã ghi nhận nhiều ca bệnh có liên quan, đơn cử một ca bệnh trẻ ở TP HCM, được đưa vào cấp cứu, ghi bệnh cấp tiến triển (ARDF). Phổi không còn chức năng, phải thở máy. Bệnh nhân này kể lại, ngày hút thuốc lá điện tử khoảng 30 lần... Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp tổn thương hàm mặt vì nổ dụng cụ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

"Giới trẻ thích hút thuốc lá điện tử. Nhà sản xuất tuyên truyền thuốc lá điện tử ít hại hơn thuốc lá điếu. Tuy nhiên, thực tế, các loại thuốc lá mới đều có chất độc hại, tạo ra CO2, nicotine. Thuốc lá điếu có hại thế nào thì thuốc lá điện tử, nung nóng có hại như thế; thậm chí các loại thuốc lá mới còn tác hại hơn. Thuốc lá điện tử xâm nhập thị trường sẽ làm tăng nguy cơ hút thuốc lá điếu. Ban đầu giới trẻ hút thuốc lá điện tử cho vui nhưng dần dần sẽ nghiện vì nicotine hoặc nghiện những chất khác trong thuốc lá điện tử. Đến giai đoạn có tuổi thì bỏ thuốc lá điện tử hút thuốc lá điếu", Trưởng Khoa thăm dò và Phục hồi Chức năng thông tin.

3 yếu tố then chốt giúp cai nghiện thuốc lá thành công

Trước những tác hại nguy hiểm của thuốc lá nói chung và thuốc lá mới nói riêng, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Anh khuyến cáo: "Với những người chưa hút hoặc có đang có ý định hút, tôi khuyên không nên thử, dù chỉ 1 lần. Đừng đua đòi theo bạn bè, hội nhóm, hút thuốc để thể hiện bản thân, nếu không sẽ nghiện nicotine. Hút thuốc thực sự rất khó bỏ. Nếu đã nghiện, khi cơ thể không có nicotine sẽ không chịu được. Ngoài ra, người dân nên tìm hiểu kỹ về những tác hại của thuốc lá. Hiện nay có rất nhiều người không tìm hiểu về vấn đề này, chỉ khi nào có bệnh mới vào bệnh viện tìm cách chữa trị."

"Tại Bệnh viện Phổi Trung ương đã ghi nhận rất nhiều bệnh nhân phải thở máy, thở oxy, tuy nhiên, rất nhiều người trong số đó chỉ chờ khi nào không có bác sĩ thì hút trộm 1 điếu cho đỡ thèm. Như vậy có thể thấy rằng, thuốc lá gây nghiện rất cao", bác sĩ Phương Anh nói thêm.

Về cách cai nghiện hiệu quả, bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, có 3 yếu tố giúp tránh được tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới: Hiểu biết, quyết tâm và sự hỗ trợ. Trong 3 yếu tố thì quyết tâm là quan trọng nhất.

Khi quyết định bỏ thuốc cần chọn 1 ngày không có áp lực và tuyên bố với với bạn bè, người thân “Tôi bỏ thuốc". Tiếp đó cần ghi nhớ 5 nguyên tắc:

Thứ nhất, loại bỏ dụng cụ liên quan đến thuốc. Trước ngày bỏ thuốc thì giặt sạch chăn màn, quần áo.

Thứ 2 nên chọn địa điểm vui chơi cùng bạn bè, nhớ là không mang theo thuốc lá.

Thứ 3, với những trường hợp phụ thuộc vào nicotine sẽ phải có bổ sung nicotine hỗ trợ do bác sĩ kê, giúp giảm gánh nặng do việc cai thuốc gây ra.

Thứ 4, tạo thú vui khác, ví dụ ăn vặt…

Thứ 5, liên tục củng cố niềm tin, quyết tâm về cai thuốc.

Thứ 6, đã cai rồi thì nhất định không hút lại dù chỉ 1 hơi. Vì rất dễ gây nghiện trở lại.

"Đối với người đã đến trạng thái muốn bỏ nhưng không bỏ được thì nên tìm đến các cơ sở y tế để được tư vấn trực tiếp về quá trình bỏ thuốc. Quá trình cai nghiện thuốc lá rất dài, các bác sĩ sẽ phải động viên liên tục. Người bỏ thuốc cũng cần sự đồng hành của cả người thân, bạn bè và nhân viên y tế", chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Minh Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bac-si-benh-vien-phoi-trung-uong-neu-bi-quyet-giup-cai-thuoc-la-thanh-cong-post534713.html
Zalo