Không dạy thêm tràn lan sẽ giúp đánh giá chính xác chất lượng giảng dạy

Thông tư 29 mở ra một nền giáo dục minh bạch, đồng thời khuyến khích nhà trường, phụ huynh và học sinh thay đổi tư duy về việc dạy và học.

Ngày 14/02/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực với rất nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT. Trong đó nổi bật là không cho phép giáo viên dạy thêm thu tiền của học sinh chính khóa; dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền và chỉ dành cho một số đối tượng; tổ chức, cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh.

Thông tư được nhiều phụ huynh, chuyên gia trong ngành kì vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho ngành Giáo dục.

Không áp lực học thêm, học sinh có cơ hội tự phát triển bản thân

Trước thông tin Thông tư 29 có hiệu lực, anh Vi Văn Xuân ở xã Đông Thành, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Đa số phụ huynh và giáo viên đều vui mừng với những quy định mới của Thông tư 29. Đồng thời, các quy định mới cũng mở ra cơ hội cho các trung tâm dạy thêm hợp pháp phát triển, chất lượng và giá cả cạnh tranh, đảm bảo tính tự nguyện thực sự. Điều này không chỉ huy động được nguồn lực xã hội mà còn tạo thêm việc làm cho giáo viên trẻ.

Về chi phí học thêm, tại các trung tâm chất lượng cao, giá có thể nhỉnh hơn, nhưng đó là điều dễ hiểu vì đi kèm với dịch vụ và môi trường học tập tốt. Trong khi đó, tại các trung tâm thông thường, giá cả sẽ tương đương hoặc thậm chí thấp hơn so với khi học thêm trong trường”.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên dạy Văn tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình, cũng có các con đang trong độ tuổi học phổ thông cho biết: “Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành đã làm thay đổi rất nhiều việc học tập của học trò.

Phụ huynh thì lo lắng, ai sẽ quản lý giám sát các con trong khoảng thời gian buổi chiều khi các con không phải đến trường? Là một cô giáo, cũng là một phụ huynh có con đang tuổi ăn tuổi học, tôi cũng cùng chung những băn khoăn khi đọc Thông tư 29. Nhưng rồi, ngẫm lại, điều quan trọng nhất là chúng ta cần thay đổi và nghĩ cho các con.

Tôi chia sẻ với học trò thế này: Thay vì phải thức dậy lúc 13h20 để chuẩn bị đến trường như mọi chiều, giờ em có thể ngủ thêm xíu để nạp năng lượng. Hãy đặt đồng hồ để 13h45 em thức dậy. Và chúng ta bắt đầu một buổi chiều ở nhà. Em vẫn ngồi vào bàn học, và ôn tập lại những gì buổi sáng em được học ở trường.

Kiến thức thầy cô dạy em, chỉ thực sự là của em khi em có quá trình tự học. Bao năm qua chúng ta mải miết đi học thêm mà quên mất phải tự học. Tự học cũng làm nên sự tự giác, tự lập trong cuộc sống. Tự học, mầy mò, nghiên cứu sâu, em sẽ thấy yêu việc học, mọi thứ không còn là áp lực với em.

Em nên phân chia thời gian hợp lý cho các môn học trong các buổi chiều. Sau mỗi môn nên có khoảng thời gian nghỉ ngắn để em cảm thấy thoải mái. Và đặc biệt, môn nào em cảm thấy chưa ổn, hãy dành nhiều thời gian hơn để tự học. Những gì khó, em đánh dấu lại và mai lên lớp em hỏi thầy cô, bạn bè. Mọi người sẽ sẵn sàng giúp đỡ khi thấy em ham học”.

 Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên dạy Văn tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên dạy Văn tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Thái Bình. Ảnh: NVCC.

Cũng theo cô Thúy, vào thời gian buổi chiều, gia đình có thể hướng dẫn các con đọc sách, làm việc nhà hoặc học tập những kỹ năng sống mới.

Mỗi gia đình nên có một góc sách nhỏ với những cuốn sách hay, phù hợp với độ tuổi của con và đa dạng về thể loại. Đọc sách không chỉ là một hoạt động bổ ích mà còn giúp con tận dụng thời gian một cách ý nghĩa. Hãy khuyến khích con ghi lại cảm nhận của mình qua nhật ký đọc sách.

Ngoài ra, các con có thể tìm đến thư viện trường, thư viện thành phố để tiếp cận nhiều đầu sách hay. Gia đình cũng có thể tổ chức những buổi trò chuyện về sách, tạo cơ hội để con chia sẻ trải nghiệm đọc của mình.

Bên cạnh đó, trước đây, vì lịch học dày đặc, cha mẹ thường làm hết việc nhà để con có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng bây giờ, đã đến lúc giúp con học cách làm việc nhà một cách có kế hoạch: quét dọn, giặt giũ, sắp xếp lại đồ đạc, nấu ăn…

Đừng lo con vất vả hay không làm được, bởi khi được hướng dẫn, con sẽ dần quen và thành thạo. Làm việc nhà không chỉ giúp con có trách nhiệm hơn với gia đình mà còn hình thành ý thức tự lập, chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống sau này.

“Tối hôm trước, hai mẹ con dành thời gian nghiên cứu một món mới. Tan giờ ở công sở, mẹ ghé qua siêu thị mua nguyên liệu, chiều được nghỉ con sẽ thử sức; sắp xếp lại nhà cửa, có thể khác với cách bố mẹ hay làm; nghĩ và lên kế hoạch cho chuyến đi biển của gia đình vào mùa hè này; thử với những việc thủ công đơn giản: học đan, học pha chế cà phê… Con biết thêm điều gì đó, thế giới càng rộng mở với con.

Rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng, con mình lười học, không có khả năng tự học, con mình không biết làm việc nhà, sợ con mình vất vả… Chẳng ai tự nhiên mà giỏi trong bất cứ lĩnh vực nào. Nên cha mẹ, thầy cô hãy hướng dẫn bọn trẻ, chia sẻ kinh nghiệm và khích lệ động viên.

Vì khoảng thời gian phía trước là quá nhiều, nên dù vất vả bước đầu, cha mẹ cũng nhất định phải giúp con vào nề nếp. Học - tất nhiên là rất quan trọng nhưng các con cũng cần thêm nhiều điều khác để sống một cuộc đời ý nghĩa nhất. Hãy quan tâm đến cảm xúc và mong muốn của các con thay vì áp đặt và gò ép con vào một khuôn mẫu nào. Hãy cứ tin, khi được hiểu và trao cơ hội, các con vươn lên mạnh mẽ hơn ta tưởng…

Buổi chiều, nếu con chỉ biết ngủ, nếu con chỉ biết lang thang ngoài quán điện tử, la cà quán xá sẽ đồng nghĩa với việc con sẽ lãng phí thời gian và dần đánh mất mình. Cha mẹ còn công việc, còn gánh nặng mưu sinh, nên quá khó để sát sao những giờ con không đến trường.

Tự ý thức và luôn cố gắng rèn giũa bản thân, đó mới là cách làm của một người đang khôn lớn, trưởng thành. Thay đổi bản thân, thay đổi những thói quen đã cố hữu có thể ban đầu sẽ khó khăn nhưng kiên trì, quyết tâm con sẽ làm được. Thay đổi tích cực, con sẽ hạnh phúc với hành trình sống của mình” – cô Thúy chia sẻ.

Cần quản lý chất lượng dạy thêm thông qua hệ thống thông tin minh bạch

Trao đổi với phóng viên, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng để triển khai hiệu quả Thông tư 29, cần có giải pháp đồng bộ, đặc biệt là thay đổi tư duy từ học để ứng thí (học để đáp ứng kì thi) sang học vì tri thức và phát triển tương lai.

Học thêm chỉ nên áp dụng cho đối tượng thực sự cần thiết và dựa trên nhu cầu chính đáng. Việc xác định đối tượng học thêm cần dựa trên dữ liệu khách quan như năng lực hiện tại, xu hướng phát triển, điều kiện gia đình, thay vì yếu tố chủ quan.

Bên cạnh đó, cần quản lý chất lượng dạy thêm thông qua hệ thống thông tin minh bạch, giúp phụ huynh, nhà trường và cơ quan quản lý giám sát. Công nghệ và chuyển đổi số có thể hỗ trợ quản lý thông tin khóa học, đánh giá đầu ra và chất lượng giảng dạy của giáo viên.

Việc sử dụng AI phân tích dữ liệu học tập sẽ giúp đề xuất chương trình học phù hợp, tránh quá tải và hướng đến tiềm năng cá nhân. Hệ thống này cũng giúp theo dõi tiến bộ của học sinh và đảm bảo minh bạch tài chính, đặc biệt trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân của giáo viên.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC.

“Thông tư 29 có thể gây băn khoăn trong giai đoạn đầu triển khai, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh tinh thần của quy định là đảm bảo quyền lợi học sinh, tránh tiêu cực trong dạy thêm. Bộ chỉ cấm các hoạt động ép buộc, không đúng quy định, chứ không cấm nhu cầu học thêm chính đáng. Giáo viên cần có tinh thần trách nhiệm, không nên vì việc dạy miễn phí mà từ chối hỗ trợ học sinh.

Một số ý kiến cho rằng chương trình học hiện tại quá nặng, khiến học sinh buộc phải học thêm. Theo tôi ý kiến này không thuyết phục, vấn đề nằm ở phương pháp giảng dạy. Chương trình đã đổi mới theo hướng phát triển năng lực, nhưng nhiều giáo viên vẫn dạy theo phương pháp cũ, tập trung vào nội dung hơn là kỹ năng.

Nếu giáo viên điều chỉnh cách dạy theo hướng tiếp cận năng lực, học sinh sẽ không cần học thêm quá nhiều” – thầy Nam bày tỏ.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng, giáo viên cần dạy hết lòng, không bớt xén kiến thức để ép học thêm, đồng thời cần được hỗ trợ khi tham gia phụ đạo miễn phí.

Nhà trường và cơ quan quản lý phải huy động nguồn lực để đảm bảo giáo viên có điều kiện thực hiện nhiệm vụ. Nếu phụ huynh lo lắng về kiến thức của con, nhà trường và giáo viên phải có trách nhiệm giải thích, đảm bảo chương trình chính khóa đủ đáp ứng nhu cầu học tập.

Không dạy thêm tràn lan sẽ giúp đánh giá chính xác chất lượng giảng dạy. Nhà trường và giáo viên cần khẳng định thương hiệu bằng chất lượng dạy học chính khóa, thay vì dựa vào tỷ lệ đỗ đạt nhờ học thêm. Đồng thời, công tác thi cử, kiểm tra cần đổi mới để tránh tình trạng học thêm mới có thể đạt điểm cao.

“Phụ huynh và học sinh cũng cần thay đổi nhận thức, không chạy theo thành tích mà tập trung vào sự phát triển bền vững. Học sinh cần hiểu rằng điểm số không phải yếu tố quyết định năng lực, thay vào đó cần rèn luyện tư duy và khả năng tự học. Gia đình không nên ép con học quá tải mà nên tạo điều kiện để các em phát triển toàn diện.

Trong bối cảnh hiện nay, phụ huynh và học sinh cần kiểm soát tâm lý, tránh hoang mang trước sự thay đổi. Những quy định mới nhằm hướng đến môi trường giáo dục công bằng, lành mạnh hơn, dù có thể gây khó khăn ban đầu. Học sinh cần tin tưởng vào khả năng tự học, bởi kiến thức cơ bản cho kỳ thi đã được xác định rõ ràng trong sách giáo khoa và cấu trúc đề thi.

Nỗi sợ hãi là rào cản lớn nhất khiến học sinh mất tự tin, ảnh hưởng đến hiệu quả học tập. Nếu cảm thấy thiếu hụt kiến thức, học sinh cần chủ động trao đổi với gia đình để tìm giải pháp phù hợp, có thể tham gia các lớp bổ trợ hợp pháp.

Thay đổi tư duy và cách tiếp cận giáo dục là yếu tố quan trọng giúp Thông tư 29 phát huy hiệu quả, hướng đến một nền giáo dục công bằng, chất lượng và phát triển bền vững” – thầy Nam chia sẻ.

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khong-day-them-tran-lan-se-giup-danh-gia-chinh-xac-chat-luong-giang-day-post249157.gd
Zalo