Không còn nhiều lựa chọn, Iran muốn có cơ hội đối thoại với Mỹ
Trong bối cảnh các đồng minh 'Trục kháng chiến' đã suy yếu nghiêm trọng và sự bất mãn ngày càng tăng của người dân về tình hình kinh tế trong nước, giới chức Iran có rất ít lựa chọn ngoài việc đạt được thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei. (Ảnh: WSJ)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_20_51406669/0e84b4ab8be562bb3bf4.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei. (Ảnh: WSJ)
Iran sẵn sàng trao cho Mỹ cơ hội giải quyết bất đồng, quan chức cấp cao của Tehran nói với Reuters sau khi Tổng thống Donald Trump khôi phục chiến dịch "gây sức ép tối đa" đối với Iran.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi cho biết, mối lo ngại của Mỹ về việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân không phải là vấn đề phức tạp, mà có thể giải quyết được do Tehran vốn phản đối vũ khí hủy diệt hàng loạt.
“Giới chức Iran muốn có một cơ hội ngoại giao khác với ông Trump, nhưng Tehran rất lo ngại về hành động của Israel”, nguồn tin cấp cao của Reuters nói.
Quan chức này cho biết, Iran muốn Mỹ “kiềm chế Israel nếu Washington muốn một thỏa thuận với Tehran”.
Trong khi đó, chiến dịch "gây sức ép tối đa" của ông Trump đối với Iran sẽ bao gồm các nỗ lực đưa xuất khẩu dầu của nước này xuống mức 0 để ngăn Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã hạ thấp tác động của các lệnh trừng phạt đối với Iran.
"Mỹ đe dọa sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt mới, nhưng Iran là một quốc gia hùng mạnh và giàu tài nguyên, có thể vượt qua các thách thức bằng cách quản lý các nguồn tài nguyên của mình", ông Pezeshkian nói.
Iran từ lâu đã khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình, và Tehran không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân.
“Trục kháng chiến” là một liên minh không chính thức của các lực lượng dân quân và tổ chức chính trị được Iran hỗ trợ trên khắp Trung Đông. Liên minh này cam kết chống lại ảnh hưởng của Mỹ và Israel trong khu vực.
Nhưng trong bối cảnh các đồng minh “Trục kháng chiến” đã suy yếu nghiêm trọng và sự bất mãn ngày càng tăng của người dân về tình hình kinh tế trong nước, giới chức Iran có rất ít lựa chọn ngoài việc đạt được thỏa thuận với ông Trump.
Hồi năm 2018, ông Trump - với tư cách là tổng thống và với sự ủng hộ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - đã rút khỏi một thỏa thuận đa quốc gia nhằm ngăn chặn Iran chế tạo bom hạt nhân.
Sau đó, Washington đã áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt để buộc Tehran phải đàm phán về một thỏa thuận lớn hơn, liên quan đến tên lửa và việc hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm khu vực.
Về cuộc xung đột ở Dải Gaza, nguồn tin của Reuters cho biết Tehran không đồng ý với việc di dời cộng đồng người Palestine, nhưng “các cuộc đàm phán Iran - Mỹ là một vấn đề riêng biệt”. Tuyên bố này dường như ám chỉ việc ông Trump tuyên bố muốn Mỹ tiếp quản Dải Gaza và tạo ra một "Riviera của Trung Đông" sau khi đưa người Palestine đi tái định cư ở nơi khác.
"Iran không đồng ý với việc di dời người Palestine và đã truyền đạt điều này qua nhiều kênh khác nhau. Tuy nhiên, vấn đề này và việc đạt được thỏa thuận với Mỹ là hai vấn đề riêng biệt”, nguồn tin nói.