Không chiến Ấn Độ-Pakistan: Khi 'chuỗi tiêu diệt' quan trọng hơn cả chiến đấu cơ
Xung đột Ấn Độ - Pakistan đầu tháng 5/2025 cho thấy 'chuỗi tiêu diệt' - hệ thống tích hợp từ phát hiện đến tiêu diệt mục tiêu - là yếu tố quyết định trong không chiến hiện đại, vượt lên trên sức mạnh đơn lẻ của chiến đấu cơ.
Cuộc chơi của cả hệ thống
Ngày 22/4, một vụ tấn công khủng bố xảy ra đã khiến 26 người thiệt mạng tại khu vực Pahalgam (Kashmir) do Ấn Độ kiểm soát. Chưa đầy hai tuần sau, New Delhi phát động chiến dịch không kích trả đũa vào các mục tiêu được cho là có liên quan tới nhóm khủng bố bên trong lãnh thổ Pakistan.
Vào đêm 6/5 và rạng sáng 7/5, chiến đấu cơ Ấn Độ, bao gồm cả Rafale, tiến hành tấn công chính xác vào các khu vực chỉ định. Phía Pakistan tuyên bố đã đánh chặn và bắn hạ nhiều chiến đấu cơ Ấn Độ nhờ các tiêm kích J-10C được trang bị tên lửa không đối không tầm xa PL-15. Mặc dù cả hai bên chưa công bố đầy đủ dữ liệu và nhiều thông tin còn chưa được xác minh độc lập, nhưng diễn biến này đã thu hút sự chú ý lớn của giới quân sự toàn cầu.

Rafale là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Ấn Độ. Ảnh: India Today
Các nhà phân tích chỉ ra một đặc điểm then chốt: không có bất kỳ cuộc giao tranh nào diễn ra ở khoảng cách gần. Cả hai bên đều khai hỏa ngoài tầm nhìn trực tiếp, thông qua dữ liệu cảm biến, radar, và dẫn đường trung gian.
Điều này phản ánh một xu thế không thể đảo ngược của chiến tranh hiện đại: không chiến không còn là trận đấu giữa 2 phi công gan góc, mà là cuộc đối đầu giữa 2 mạng lưới thông tin, cảm biến và vũ khí được tích hợp chặt chẽ.
Ông Michael Dahm, chuyên gia cao cấp tại Viện Mitchell của Mỹ, nhấn mạnh: “Một chiếc máy bay bị hạ không còn là vì phi công kém hơn, hay máy bay yếu hơn mà vì hệ thống của bên kia hoạt động hiệu quả hơn: phát hiện nhanh hơn, khóa mục tiêu chính xác hơn, và dẫn đường tên lửa hiệu quả hơn”.
“Chuỗi tiêu diệt” - mạch máu của tác chiến không quân
Khái niệm “kill chain” (chuỗi tiêu diệt) mô tả chu trình khép kín trong tác chiến hiện đại, bao gồm các bước: phát hiện - nhận diện - phân loại - theo dõi - quyết định - tấn công - đánh giá. Mỗi bước đều có thể do một nền tảng khác nhau đảm nhận: radar mặt đất, máy bay cảnh báo sớm, vệ tinh trinh sát, máy bay chiến đấu, hệ thống vũ khí mặt đất...
Tác chiến hiện đại yêu cầu các mắt xích này liên kết trong thời gian thực, truyền dữ liệu nhanh chóng và hoạt động như một hệ thống duy nhất. Đây chính là yếu tố làm nên sự vượt trội của một lực lượng không quân hiện đại, bất kể họ sử dụng dòng máy bay nào.
Trong xung đột vừa qua, nếu đúng như báo cáo không chính thức, phía Pakistan có thể đã triển khai mô hình “Locked by A, Launched by B, and Guided by C” (phát hiện bởi A, khai hỏa bởi B, dẫn đường bởi C). Theo đó, radar mặt đất hoặc máy bay cảnh báo sớm phát hiện Rafale; sau đó J-10C phóng tên lửa PL-15 từ khoảng cách xa; và AWACS dẫn đường, cập nhật liên tục vị trí mục tiêu.
Vũ khí mạnh chưa đủ để sống sót
Rafale là chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Ấn Độ được trang bị tên lửa Meteor, loại vũ khí không đối không có khả năng diệt mục tiêu ở khoảng cách trên 150km, tạo ra “vùng không thoát” (NEZ, no escape zone) cực rộng khiến mục tiêu gần như không thể tránh khỏi một khi bị khóa. Tuy nhiên, theo phân tích từ ông Dahm, không có bằng chứng nào cho thấy Rafale đã khai hỏa Meteor trong cuộc đụng độ, hoặc thậm chí có mang theo loại tên lửa này.
Việc một chiếc chiến đấu cơ hiện đại như Rafale có thể bị tiêu diệt mà chưa kịp phản ứng cho thấy một thực tế nghiệt ngã: vũ khí tối tân sẽ không còn ý nghĩa nếu không được kết nối hiệu quả trong hệ thống tác chiến.
Không quân Ấn Độ sở hữu một trong những lực lượng lớn nhất châu Á, với hàng loạt chiến đấu cơ tiên tiến như Rafale (Pháp), Su-30MKI (Nga - Ấn hợp tác), Tejas (nội địa), cùng các hệ thống cảm biến, radar và máy bay cảnh báo sớm từ nhiều quốc gia khác nhau như Israel, Mỹ, Nga...
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất nằm ở khả năng tích hợp: các hệ thống này không cùng nguồn gốc, không sử dụng một giao thức dữ liệu chung và khó vận hành đồng bộ trong môi trường áp lực cao.
Ông Dahm cho rằng: “Ấn Độ sở hữu tiềm năng lớn, nhưng việc tích hợp giữa công nghệ Nga, phương Tây, Israel và nội địa là bài toán cực kỳ phức tạp. Trong khi đó, Pakistan, với quy mô nhỏ hơn, lại có thể dễ dàng xây dựng một hệ thống đồng nhất và hiệu quả hơn”.
Chiến thắng thuộc về bên nào kết nối tốt hơn
Một điểm đáng chú ý trong chiến dịch của Ấn Độ là việc hạ thấp ngưỡng sử dụng không lực nhằm răn đe Pakistan. Tuy nhiên, khi ngưỡng phản ứng này đã được thiết lập, việc quay lại trạng thái “kiềm chế” trở nên khó khăn hơn, đặc biệt trong bối cảnh mỗi lần leo thang đều tiềm ẩn nguy cơ tính toán sai lầm và đụng độ ngoài kiểm soát.
Mặt khác, nếu một lực lượng không quân không thể xây dựng được hệ thống “kill chain” hiệu quả, thì dù sở hữu vũ khí hiện đại đến đâu, cũng dễ rơi vào thế bị động và tổn thất nặng nề khi đối mặt với kẻ địch có hệ thống tích hợp tốt hơn.
Không chiến hiện đại là cuộc chơi của cả hệ thống, không còn là cuộc đối đầu giữa phi công với phi công hay máy bay với máy bay. Trong kỷ nguyên dữ liệu, bên nào kiểm soát được thông tin, tích hợp được các cảm biến, chỉ huy - kiểm soát tốt hơn, bên đó nắm lợi thế.
Cuộc không chiến giữa Ấn Độ và Pakistan cho thấy một điều: sở hữu vũ khí mạnh chỉ là điều kiện cần, nhưng để chiến thắng, cần một điều kiện đủ – một chuỗi tiêu diệt khép kín, chính xác và tích hợp hiệu quả.