Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò và khả năng đóng góp của các doanh nghiệp.
Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025, khẳng định mạnh mẽ vai trò của kinh tế tư nhân, đã mở ra những cơ hội mới cho khu vực này. Đây là lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt tại các địa phương như Lào Cai, tận dụng tiềm năng và thúc đẩy sự phát triển.
Hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động
Với nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, du lịch và kinh tế cửa khẩu, Lào Cai đã quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp hoạt động để khai thác các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Bên cạnh đó, Lào Cai đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng thông tin trong công tác quản lý, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhằm xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch. Tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đặc biệt là công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn để các nhà đầu tư quan tâm, đầu tư.
Để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, trong những năm qua, Lào Cai đã tập trung cải thiện mạnh mẽ chỉ số cơ sở hạ tầng (giao thông, khu công nghiệp, điện và đô thị), trong đó có thể kể đến như đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn mở rộng, dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không Sa Pa...

Đây là các dự án quan trọng giúp tăng cường năng lực kết nối Lào Cai với các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển và sân bay, giúp nâng cao năng lực sản xuất, tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch, dịch vụ. Nhờ đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Lào Cai ngày càng phát triển lớn mạnh.
Theo ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, dù phải đối mặt với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài và bão số 3 tàn phá nặng nề, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có sự phục hồi tích cực.
Số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký mới tiếp tục tăng ở những lĩnh vực cần thu hút đầu tư. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp sau khi cơ cấu lại đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá toàn diện trên các lĩnh vực, theo hướng phát triển bền vững.
Từ đầu năm 2025, tỉnh Lào Cai đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mới cho 211 doanh nghiệp và 28 đơn vị trực thuộc; tổng vốn đăng ký đạt 1.767 tỷ đồng. Tính đến ngày 9/5/2025, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt 8.222 doanh nghiệp, tăng 3,8% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt 104.902 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 993 đơn vị trực thuộc, tăng 1,4% so với cùng kỳ. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.065, chiếm khoảng 49,4% doanh nghiệp được cấp phép.
Nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp, trong đó có đóng góp của kinh tế tư nhân, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt gần 13.000 tỷ đồng, mức kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cơ hội để bứt phá
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế mặc dù tỉnh đã rất quan tâm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp nhưng Lào Cai chưa có nhiều doanh nghiệp và doanh nhân gây dựng được thương hiệu tầm cỡ, đủ sức tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân. Với việc kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp tư nhân tại Lào Cai sẽ có thêm cơ hội phát triển nhờ vào các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Trước hết, đơn giản hóa các quy trình cấp phép và đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận, huy động các nguồn lực tài chính từ ngân hàng và các quỹ đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp được tạo mọi điều kiện để tiếp cận các chương trình đào tạo chuyên sâu. Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông, logistics và công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng kết nối với thị trường trong và ngoài tỉnh.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài. Điều này mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Lào Cai tham gia các chuỗi cung ứng.

Theo ông Nguyễn Huy Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, để tận dụng tốt các cơ hội mà Nghị quyết 68-NQ/TW mang lại, các doanh nghiệp tư nhân tại Lào Cai cần sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị nguồn lực, nắm thời cơ. Trước hết cần áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và quản lý để gia tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và mở rộng thị trường.
Tận dụng lợi thế về du lịch, nông nghiệp và thương mại cửa khẩu để phát triển các lĩnh vực mới, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, sản phẩm của doanh nghiệp, không chỉ trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp khác để tạo thành chuỗi giá trị bền vững, tận dụng hiệu quả nguồn lực.
Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định vị thế quan trọng của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tư nhân tại Lào Cai vượt qua khó khăn, phát huy tiềm năng và đóng góp mạnh hơn vào sự phát triển bền vững của tỉnh.