Khơi thông 'điểm nghẽn' để đất 'Chín Rồng' cất cánh
Trong 2 ngày 14 và 15-10, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra 2 sự kiện quan trọng là hợp long cầu Mỹ Thuận 2 và khởi công cầu Đại Ngãi.
Hai sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, ĐBSCL được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là trong sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản và cây ăn trái.
Tuy nhiên, những lợi thế này chưa được phát huy đúng như kỳ vọng mà chỉ dừng lại ở mức tiềm năng. Bởi ĐBSCL còn vướng nhiều “điểm nghẽn” trong phát triển, trong đó “nút thắt” lớn nhất nằm ở hạ tầng. Thời gian qua, dù đã được Đảng và Chính phủ quan tâm đầu tư, tuy nhiên kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế.
Xác định được “nút thắt” trên, những năm gần đây, Chính phủ đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông cho khu vực ĐBSCL, đặc biệt là những công trình giao thông quy mô lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm, trong giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã dành nguồn lực khoảng 96.000 tỷ đồng để tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo điều kiện giao thông thông suốt, thuận lợi giữa các địa phương trong khu vực ĐBSCL cũng như kết nối với TP. Hồ Chí Minh, Vùng Kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ với cả nước.
Điều này nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tích cực phối hợp với các địa phương trong vùng ĐBSCL khẩn trương, tập trung triển khai nhiều dự án giao thông quy mô lớn, có vai trò rất quan trọng tại khu vực như: Tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025); tuyến đường bộ cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh; tuyến Mỹ An - Cao Lãnh.
Đây được xác định là những “đường băng” mang tính chiến lược, được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, kết nối nội vùng ĐBSCL cũng như với cả nước.
Với sự quyết tâm của Chính phủ, cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, tất cả đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm này để cùng chung tay tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng giao thông.
Việc hợp long cầu Mỹ Thuận 2 - cây cầu mang thương hiệu Việt Nam, với kinh phí xây dựng từ ngân sách Nhà nước, đến các khâu lập dự án, thiết kế, thi công đều do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện, càng khẳng định cho quyết tâm tháo gỡ “điểm nghẽn” cho ĐBSCL.
Bởi khi cầu Mỹ Thuận 2 thi công trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát và nhiều khó khăn liên quan tác động, nhưng vẫn vượt tiến độ khoảng 3 tháng.
Dự án khi hoàn thành vào cuối năm 2023 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh về Cần Thơ, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh ĐBSCL.
Đồng thời, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội khu vực ĐBSCL.
Với việc khởi công cầu Đại Ngãi nằm trên Quốc lộ 60 nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông ĐBSCL.
Công trình có nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng này là cầu dây văng thứ 3 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống. Khi cầu hoàn thành, cùng với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, công trình sẽ giúp Quốc lộ 60 được thông suốt.
Cầu Đại Ngãi sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, kết nối giao thông giữa các tỉnh ven biển ĐBSCL; rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến TP. Hồ Chí Minh khoảng 80 km, giảm 1,5 - 2 giờ so với đi phà vượt sông Hậu…
Tại Lễ khởi công cầu Đại Ngãi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với phát triển hạ tầng giao thông và phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội, trong đó có vùng ĐBSCL.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại về những tiềm năng và vai trò chiến lược của khu vực ĐBSCL và nhìn nhận hạ tầng giao thông vẫn là điểm yếu của vùng, đòi hỏi giải quyết có trọng tâm, trọng điểm.
Thủ tướng khẳng định, cần phát triển tất cả 5 loại hình vận tải tại ĐBSCL. Trong đó nhiệm kỳ này, cần tập trung thúc đẩy xây dựng tuyến cao tốc trục dọc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cà Mau) tuyến trục ngang Đông - Tây tại khu vực.
Nhiều tuyến đường vành đai, quốc lộ, tỉnh lộ, nhiều cầu mới… đang được xây dựng. Cùng với đó, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, quy hoạch các cảng biển tại ĐBSCL đã có.
Để tiếp tục khai thác lợi thế sông nước của khu vực, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng một số cảng biển lớn và hệ thống cảng nội địa. Đồng thời, cần nghiên cứu, nâng cấp các sân bay trong khu vực như: Cà Mau, Rạch Giá…; nghiên cứu, tính toán, bố trí nguồn lực để xây dựng tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ.
“Đây là nhiệm vụ khó, nặng nề nhưng không thể không làm, không còn cách nào khác để tạo đột phá cho ĐBSCL” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, việc tháo gỡ “điểm nghẽn” hạ tâng giao thông cho khu vực ĐBSCL chỉ ở bước khởi đầu và còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước.
Tuy nhiên, với việc toàn vùng ĐBSCL đang triển khai và chuẩn bị đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, cũng như là sự đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ “nút thắt” đang mở ra nhiều cơ hội mới cho đất “Chín Rồng”. Một quyết tâm tạo đột phá, đưa ĐBSCL vươn lên cùng cả nước.