Bộ Xây dựng đốc thúc các nhà máy xi măng phát điện từ nhiệt thải
Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh thành khẩn trương đôn đốc các doanh nghiệp xi măng triển khai lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện từ nhiệt thải tại các dây chuyền sản xuất.
Thực hiện mục tiêu 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clanhke/ngày phải lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương khẩn trương kiểm tra và đôn đốc các doanh nghiệp xi măng chưa lắp đặt hệ thống phát điện từ nhiệt thải, đảm bảo hoàn thành trước thời hạn năm 2025. Việc này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất của ngành xi măng
Các tỉnh, thành phố gồm Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Quảng Nam, Bình Phước và Tây Ninh có trách nhiệm đôn đốc các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn lắp đặt hệ thống phát điện từ nhiệt thải.
Thống kê cho thấy cả nước đang có 63 dây chuyền sản xuất xi măng, có công suất lò nung khoảng 2.500 tấn clanhke/ngày. Trong đó, đã có 35 dây chuyền trong số đó trang bị hệ thống phát điện từ nhiệt thải, đóng góp vào lưới điện quốc gia với công suất 255 MW, TTXVN đưa tin.
Trên thực tế, việc đầu tư hệ thống phát điện từ nhiệt khí thải lò nung xi măng đã giúp giảm 25-30% chi phí điện năng cho sản xuất xi măng. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, vẫn còn 28 dây chuyền sản xuất xi măng chưa lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải.
Xi măng là một trong những lĩnh vực quan trọng, phát triển nhanh, mạnh, có đóng góp cho GDP hằng năm trên 5 tỷ USD; là một trong những lĩnh vực sản xuất của Việt Nam nằm trong Top 5 nước trên thế giới, không những đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.