Khởi sắc du lịch An Giang
Năm 2024, ngành du lịch (DL) An Giang ghi nhận những thành tựu đáng kể. Các chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu đều tăng trưởng vượt bậc so cùng kỳ năm 2023 và đạt mục tiêu đề ra. Công tác quản lý Nhà nước được đẩy mạnh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN). Các hoạt động xúc tiến, quảng bá DL cũng đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao hình ảnh DL An Giang.
Sông núi giao hòa, văn hóa thăng hoa
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Trung Thành, năm qua, ngành DL của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nỗ lực của các DN. Công tác quản lý Nhà nước được tăng cường, đảm bảo hoạt động DL diễn ra an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các địa phương khác cũng được đẩy mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm DL mới, hấp dẫn.
An Giang, với vị trí địa lý thuận lợi và những nét đặc trưng riêng biệt, sở hữu một tiềm năng DL vô cùng lớn. Tỉnh sở hữu hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng tràm rộng lớn, những ngọn núi hùng vĩ, dòng sông hiền hòa và những cánh đồng lúa xanh mướt. Bên cạnh đó, văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng các lễ hội truyền thống và ẩm thực phong phú cũng là những điểm nhấn thu hút du khách. Ẩm thực An Giang là một trải nghiệm khó quên đối với du khách. Với những món ăn đặc sản được chế biến từ các nguyên liệu tươi ngon, đậm đà hương vị đồng quê, ẩm thực An Giang chắc chắn sẽ làm hài lòng mọi thực khách. Với những lợi thế này, An Giang trở thành điểm đến DL hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
“Với có hệ thống chùa chiền, miếu cổ kính cùng những ngọn núi linh thiêng, An Giang sở hữu một nguồn tài nguyên DL tâm linh vô cùng phong phú. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, chùa Tây An, chùa Tà Pạ... là những địa điểm thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, lễ Phật. Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên hữu tình với những ngọn núi hùng vĩ, những dòng sông hiền hòa cũng góp phần tạo nên một không gian tâm linh thanh tịnh, giúp du khách tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Với những lợi thế này, An Giang hoàn toàn có thể phát triển DL tâm linh thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước” - Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Khánh Hiệp thông tin.
Anh Phan Hữu Nghĩa (du khách đến từ Đồng Nai) chia sẻ: “Tôi đến An Giang DL vài lần nhưng năm nay, sau khi đến cúng Bà Chúa Xứ Núi Sam, tôi cùng nhóm bạn làm tour nhỏ DL tham quan làng bè đa sắc màu ở ngã ba sông Châu Đốc và đến làng nghề dệt thổ cẩm Châu Phong (TX. Tân Châu). Đây là một điểm đến lý tưởng giúp tôi cùng nhiều du khách đến An Giang khám phá văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Tại đây, tôi được chiêm ngưỡng những tấm vải thổ cẩm với họa tiết độc đáo và có cơ hội trải nghiệm quy trình sản xuất thủ công, tìm hiểu về ý nghĩa của từng hoa văn và văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Việc tham gia vào hoạt động trải nghiệm như tự tay dệt vải sẽ mang đến cho du khách những kỷ niệm khó quên”.
Khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam
An Giang có 100 cơ sở lưu trú DL, trong đó có 68 cơ sở được xếp hạng; 26 công ty lữ hành; 6 khu, điểm DL được công nhận (1 khu DL quốc gia, 1 khu DL cấp tỉnh, 4 điểm DL); 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách DL. Năm 2024 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của ngành DL An Giang. Với những nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, cộng đồng DN và người dân, ngành DL đã đạt được những thành tựu đáng kể. Theo thống kê, năm 2024, An Giang đã đón khoảng 9,1 triệu lượt khách, tăng 7% so năm 2023 và đạt 101% kế hoạch năm. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt 25.000 lượt, tăng 14% so năm trước, cho thấy sự hấp dẫn ngày càng tăng của các điểm đến tại An Giang đối với du khách quốc tế. Doanh thu từ hoạt động DL ước đạt 10.250 tỷ đồng, tăng 74% so năm 2023, vượt xa kế hoạch đề ra.
Để đạt được những kết quả khả quan trên, tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Các chương trình, kế hoạch kích cầu DL nội địa đã được thực hiện hiệu quả, như: “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”; thực hiện bảo vệ môi trường trong hoạt động DL trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2025 - 2027; xây dựng Đề án phát triển sản phẩm DL trên địa bàn tỉnh An Giang, giai đoạn 2024 - 2030…. Tỉnh cũng tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ DL, bảo vệ môi trường và phát triển sản phẩm DL mới. Việc phối hợp UBND TP. Long Xuyên tổ chức khảo sát và tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp khai thác, phát triển sản phẩm DL đường sông gắn với chợ nổi Long Xuyên” đã mở ra nhiều hướng đi mới cho ngành DL địa phương.
Cùng với đó, công tác quảng bá, xúc tiến DL cũng được đẩy mạnh. An Giang đã tham gia nhiều sự kiện DL lớn trong nước và quốc tế, giới thiệu hình ảnh và sản phẩm DL đặc trưng của tỉnh đến với du khách. Các hoạt động truyền thông, như: Tổ chức Hội thi ảnh đẹp DL An Giang năm 2024, sản xuất phim tài liệu…, đặc biệt là Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang tại TP. Hồ Chí Minh, đã góp phần quảng bá hiệu quả hình ảnh DL An Giang. Việc đào tạo nguồn nhân lực DL cũng được quan tâm. Sở VH-TT&DL đã tổ chức 30 lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng DL, nâng cao năng lực cho 1.650 lượt học viên là cán bộ, công nhân viên làm việc trong ngành DL từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; quản lý, nhân viên tại các DN DL, khu, điểm DL, các hộ kinh doanh dịch vụ phục vụ khách DL trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Những thành tựu đạt được trong năm 2024 chứng minh rằng DL là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Những con số tăng trưởng ấn tượng về lượng khách DL và doanh thu đã khẳng định vị thế của tỉnh nhà trên bản đồ DL Việt Nam. Thành công này không chỉ là kết quả của 1 năm nỗ lực mà còn là nền tảng vững chắc để ngành DL An Giang tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới. Với tiềm năng to lớn và những định hướng phát triển đúng đắn, An Giang hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến DL hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.