Vang mãi bản hùng ca Phước Long

Cách đây 50 năm, quân và dân tỉnh Phước Long cùng bộ đội chủ lực đã ghi vào trang sử hào hùng của dân tộc thêm một chương chói lọi: chiến thắng của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long. Không chỉ đánh dấu lần đầu tiên một tỉnh ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng mà chiến thắng này còn 'mở ra tiền đề cho cách mạng miền Nam thần tốc tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam', như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đánh giá.

Bài 1:
CHIẾN THẮNG MANG TẦM VÓC THỜI ĐẠI

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, mỗi chiến thắng của cách mạng Việt Nam lại ghi một dấu mốc đáng nhớ. Cách mạng tháng Tám năm 1945 mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước: kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp. Và đỉnh cao là chiến thắng của mùa xuân lịch sử năm 1975, cả nước được sống trong hòa bình, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để có được chiến thắng lịch sử ngày 30-4-1975, bắt đầu từ phép thử: Chiến dịch Đường 14 - Phước Long.

“Phép thử” Chiến dịch Ðường 14 - Phước Long

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972-1975) là một trong những nhân chứng lịch sử đã sống và chiến đấu ở Phước Long nhiều năm nên hiểu rất rõ, để có ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long vào 6-1-1975, là cả một quá trình chuẩn bị rất lâu dài. Ở tuổi gần 80, người cựu biệt động này vẫn chưa quên một thời hào hùng của 50 năm trước. Giọng ông đầy sôi nổi với những câu chuyện về Phước Long: “Suốt hơn 10 năm trước đó, quân và dân Phước Long cùng các đơn vị bộ đội chủ lực của tỉnh, quân khu, của Miền đã liên tiếp tiến công và nổi dậy đánh địch để giải phóng từng buôn, sóc, đồn điền, dinh điền, ấp chiến lược, bóc gỡ các lớp phòng ngự bên ngoài bảo vệ các cơ quan đầu não: yếu khu, chi khu, tiểu khu của địch, bao vây, cô lập và chia cắt tỉnh Phước Long. Khi có thời cơ chiến dịch, quân ta sẵn sàng tiêu diệt những cứ điểm còn lại”.

Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Ðội trưởng Ðội biệt động Bà Rá kể lại chuyện hơn 10 năm xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị cho giải phóng Phước Long - Ảnh: Tiến Dũng

Thời cơ ấy đã đến vào cuối năm 1974. Đảng ta quyết định “đánh đòn chiến lược” bằng việc mở Chiến dịch Đường 14 - Phước Long vào cuối tháng 12-1974 đầu tháng 1-1975. Những ngày cuối tháng 12-1974, các lực lượng vũ trang của Bình Phước liên tục mở những mũi tiến công địch từ các hướng.

“Ngày 26-12-1974, ta giải phóng được Đồng Xoài thì đến chiều trên ra lệnh Trung đoàn 141 nhanh chóng thu dọn chiến trường, lên giải phóng Phước Long” - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 bắt đầu câu chuyện của 50 năm trước.

Tướng Doanh kể lại: “Trung đoàn 165 được giao nhiệm vụ đánh chi khu Phước Bình, còn Trung đoàn 141 nhanh chóng áp sát phía Tây Phước Long. 6 giờ sáng 1-1-1975, ta bắt đầu nổ súng. Trung đoàn 141 mở ở hướng quan trọng, còn Trung đoàn 165 là hướng chủ yếu. Đồng chí Thỏa lúc đó là Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá dẫn Trung đoàn 165 vào mở cầu Suối Dung, đường đó xe tăng mới đi được. Trung đoàn 165 chặn ở cầu Suối Dung nhưng không phát triển được, còn Trung đoàn 141 thì mở được cửa ngõ hồ Long Thủy”.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chụp ảnh kỷ niệm tại dinh Tỉnh trưởng Phước Long năm 1975

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh chụp ảnh kỷ niệm tại dinh Tỉnh trưởng Phước Long năm 1975

Các ngày sau đó cuộc chiến diễn ra quyết liệt và luôn trong thế giằng co. Đến sáng 6-1, Quân đoàn tăng cường lực lượng dự bị là Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 vào tiếp tục giải phóng Phước Long. 10 giờ 30 phút, đồng chí Đặng Văn Hoan, chiến sĩ của Đại đội 7, Trung đoàn 141 nhanh chóng cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng. Đến 11 giờ 30 phút ngày 6-1-1975, ta giải phóng hoàn toàn tiểu khu Phước Long. Sau 25 ngày chiến đấu, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc thắng lợi.

Chiến dịch Ðường 14 - Phước Long là một phép thử, cho thấy khả năng phản ứng của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Thắng lợi của chiến dịch cho thấy quân đội Sài Gòn không có khả năng cứu viện, cũng cho thấy quân Mỹ đã phủi tay trong các diễn biến quân sự ở miền Nam Việt Nam. Do đó, chiến thắng của Chiến dịch Ðường 14 - Phước Long là “đòn trinh sát chiến lược”, cung cấp các cứ liệu khoa học và thực tiễn để Bộ Chính trị và Trung ương Ðảng hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Ðại tá, PGS. TS Hồ Sơn Ðài, nguyên Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Quân khu 7

Liên quan đến chiến thắng Phước Long, lịch sử vẫn còn ghi lại: “Sau khi đất nước thống nhất, cố Thượng tướng Trần Văn Trà - nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang quân giải phóng miền Nam nhận định: “Quân và dân Phước Long đã làm nên một kỳ tích chiến lược trong chiến tranh chống Mỹ. Không có chiến thắng Phước Long thì chưa có Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30-4-1975”.

Nghệ thuật đánh “bóc vỏ” và đánh quân binh chủng hợp thành

Nghiên cứu về Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, các chuyên gia khoa học quân sự thống nhất nhận định: Đây là chiến dịch điển hình về tạo thế chiến lược để ta mở Chiến dịch Tây Nguyên sau này, điểm trúng huyệt đạo quan trọng, tiến tới làm sụp đổ toàn bộ hệ thống phòng thủ của ngụy được Mỹ chỉ đạo xây dựng công phu.

Cầu Đắk Lung (thị xã Phước Long) bắc qua một nhánh của dòng sông Bé, nơi 50 năm trước bộ đội chủ lực đã “Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng” - Ảnh: Phú Quý

Khu vực Phước Long vốn được xem là tuyến phòng thủ quan trọng bảo vệ Sài Gòn từ xa, địch bố trí gồm các chi khu Quân sự Đồng Xoài, Bố Đức, Đức Phong, quận lỵ Phước Bình, thị xã Phước Long, căn cứ Bà Rá. Giữ được Phước Long, địch sẽ tạo ra “lá chắn” ngăn chặn hành lang vận tải của ta qua Lào và Campuchia vào Đông Nam Bộ; đồng thời giữ vị trí chia cắt thế liên hoàn các vùng do ta chiếm lĩnh, cô lập Lộc Ninh với Nam Tây Nguyên và các tỉnh miền Đông khác. Với cách bố trí như vậy, để xuyên thủng lá chắn này, phải có cách đánh phù hợp.

Về chiến thắng mang tầm vóc lịch sử này, PGS.TS Hà Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phân tích: Đó là chiến thắng để kết thúc một cuộc chiến tranh. Nghệ thuật quan trọng nhất là ta đã đánh theo lối “bóc vỏ”, đánh những chi khu ở xung quanh. Ngay từ đầu chúng ta nhằm vào Phước Long rồi, nhưng “bóc vỏ” một loạt vị trí bên ngoài như Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Na, Đồng Xoài - Đôn Luân như thế nào? Khi vào đến vòng trong - trung tâm phòng thủ của chúng rồi, kế hoạch đánh sân bay như thế nào? Cách chọc thủng “mắt thần” căn cứ Bà Rá ra sao? Nghệ thuật quân sự “đánh chắc, thắng chắc” đó, từ chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã có kinh nghiệm rồi, nhưng đến cuối những năm kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn từ sau Hiệp định Paris là giai đoạn ta vận dụng nhiều nhất. Phước Long trở thành chiến trường, trận đánh cho ta thấy rõ là đánh thắng chắc, chắc thắng mới đánh được vận dụng một cách cụ thể.

Chỉ trong giai đoạn vòng trong, từ cuối tháng 12-1974 đến khi ta đánh thẳng vào trung tâm phòng thủ là Phước Long, chúng ta mới thực sự đánh bằng binh chủng hợp thành, bằng hỏa lực, xe tăng, lực lượng bộ binh cùng phối hợp với nhau. Dùng quân binh chủng hợp thành là một thành công trong giai đoạn này.

PGS.TS HÀ MINH HỒNG, nguyên Trưởng khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Ðại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Trực tiếp tham gia Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, Thiếu tướng Trần Trọng Ngừng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 cũng đã khẳng định: “Qua chiến dịch để lại cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 chúng tôi có thêm bước phát triển về chiến đấu hiệp đồng quân - binh chủng”.

Cầu Suối Dung, nơi cách đây 50 năm, ông Nguyễn Văn Thỏa, Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá đã dẫn đường cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Phước Long - Ảnh: Tiến Dũng

Nửa thế kỷ Phước Long được giải phóng, nhưng giá trị lịch sử và những bài học của Chiến dịch Đường 14 - Phước Long năm 1975 vẫn còn vang mãi đến hôm nay. Đó là những bài học về sự chỉ đạo, phối hợp đồng bộ; phối hợp các lực lượng quân dân, trong đó có lực lượng của Phước Long, bài học về quyền làm chủ trên chiến trường để giành thắng lợi... “Đây là bài học rất quan trọng để sau này Phước Long vận dụng, khơi dậy được sức mạnh tại chỗ để bật lên. Phước Long bây giờ là đổi mới, hội nhập. Khơi dậy được tinh thần quật khởi của quân dân, lực lượng địa phương từ trong chiến tranh đến xây dựng địa phương là một trong những kinh nghiệm quý báu” - PGS.TS Hà Minh Hồng đúc kết về giá trị của chiến thắng Phước Long trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/167376/vang-mai-ban-hung-ca-phuoc-long
Zalo