Khôi phục nghề dệt thổ cẩm
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở An Giang. Sự công phu, tỉ mỉ và sắc sảo trên thổ cẩm tạo nên giá trị đặc biệt và mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Khmer.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Khmer được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Nghề này không chỉ mang lại giá trị vật chất, mà còn là nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer. Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer đang được bảo tồn và phát huy. Nhiều lớp học dệt thổ cẩm được mở ra để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, nhiều sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Khmer được đưa vào thị trường, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ngày 19/12/2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Thoại Sơn phối hợp UBND thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) khai giảng lớp Dệt thổ cẩm Khmer trình độ sơ cấp cho 30 học viên là người DTTS Khmer.
“Lớp học nhằm khôi phục nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer đang sinh sống trên địa bàn. Trong 4 tháng, các học viên sẽ được truyền dạy những kiến thức, kỹ năng dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer, để tạo ra sản phẩm sau khi kết thúc khóa học. Từ đó, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tăng thu nhập chính đáng cho bản thân và gia đình” - Trưởng ban Nhân dân khóm Tân Đông (thị trấn Óc Eo) Mai Xuân Thủy cho biết.
Nghề dệt thổ cẩm xuất phát từ nhu cầu may mặc như xà-rông, may áo, túi… nhưng để làm nên sản phẩm là cả quá trình công phu và tinh tế của người thợ dệt. Cô Neang Chanh Ty (giáo viên dạy dệt thổ cẩm, ngụ TX. Tịnh Biên) chia sẻ: “Thổ cẩm được tạo hình qua nhiều công đoạn phức tạp, từ nhuộm, buộc từng mớ chỉ màu, dệt tạo hoa văn… Tơ sau khi “buộc bông”, được nhuộm lại theo các kiểu mẫu phong phú. Có đến 17 công đoạn dệt nên một tấm thổ cẩm. Công đoạn nào cũng quan trọng như nhau, vì chỉ cần sai một công đoạn thì phải làm lại từ đầu”.
Hoa văn thổ cẩm của đồng bào DTTS Khmer rất phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Mỗi hoa văn đều có ý nghĩa riêng, thể hiện mong ước, khát vọng của người dân. Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông. Sợi bông được trồng và thu hoạch theo phương pháp truyền thống. Sau khi thu hoạch, sợi bông được xử lý, phơi khô rồi kéo sợi. Khung dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer được làm từ tre, nứa; thường có kích thước lớn, có thể dệt được những tấm vải khổ rộng.
Thổ cẩm của đồng bào Khmer được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: trang phục, chăn, màn, túi xách... Sản phẩm không chỉ là vật dụng thiết yếu trong đời sống, mà còn là món đồ trang sức độc đáo, thể hiện nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS Khmer. Chăm chỉ tiếp thu những kiến thức của giáo viên truyền đạt, mỗi học viên đều quyết tâm học thật tốt, làm ra sản phẩm thổ cẩm thật đẹp. Với họ, trước là lưu giữ văn hóa của dân tộc mình, sau là mong muốn thoát nghèo qua việc bán những tấm thổ cẩm do mình làm ra.
“Dệt thổ cẩm là một nghề đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì. Người dệt phải nắm vững các kỹ thuật dệt, đồng thời phải có khả năng sáng tạo để dệt nên những sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt. Thâu, quay tơ, buộc hoa văn, luồng chỉ… công đoạn nào với tôi cũng khó, vì mới bắt tay vào học” - chị Mai Thị Son (ngụ Khóm Tân Đông) bày tỏ.
Đang bắt đầu công đoạn dệt, nhưng chị Chau Cẩm Hồng (sinh năm 1984, ngụ khóm Tân Đông) cho biết, bản thân phải thật tập trung nghe cô dạy và thực hành để có thể làm theo tốt nhất. “Tôi rất vui vì được tham gia lớp học dệt thổ cẩm này. Bởi, hoàn thành khóa học, tôi có một nghề truyền thống và có thể mưu sinh từ việc dệt và bán thổ cẩm của dân tộc mình. Cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tham gia lớp học” - chị Cẩm Hồng phấn khởi nói.
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Khmer là một nghề truyền thống có giá trị văn hóa và kinh tế quan trọng. Theo cô Neang Chanh Ty, mỗi tấm khăn thổ cẩm có giá từ 300.000 đồng trở lên. Với những sản phẩm thổ cẩm có kích thước lớn, có thể được bán với giá từ 1 - 3 triệu đồng/sản phẩm. “Kết thúc lớp học thổ cẩm này, tôi sẽ kết nối sản phẩm của học viên đến các điểm du lịch trên địa bàn TX. Tịnh Biên, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho mọi người” - cô Neang Chanh Ty cho hay.
Với rất nhiều ý nghĩa, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào DTTS Khmer cần được bảo tồn và phát huy.