Giao dịch chứng khoán sáng 13/1: Lực bán tiếp tục gia tăng, VN-Index về sát mốc 1.220 điểm

Áp lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index càng nới rộng biên độ giảm, về sát mốc 1.220 điểm.

Thị trường chưa có dấu hiệu gì cải thiện khi các chỉ số chung liên tục điều chỉnh, xuyên qua các vùng hỗ trợ thấp hơn và thanh khoản ngày càng suy yếu, thậm chí có phiên giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm. Điều này cho thấy dòng tiền đang dần rút ra khỏi thị trường trong ngắn hạn và VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm thêm theo quán tính trong các phiên giao dịch tới.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam, hiện nay, mức 1.230 điểm được xem là vùng hỗ trợ quan trọng của chỉ số VN-Index, đặc biệt các chỉ báo đang giảm vào vùng quá bán cho nên có khả năng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật.

Tuy nhiên, dấu hiệu hình thành đáy vẫn chưa hình thành cho nên rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và nếu chỉ số DXY tiếp tục tăng mạnh và vượt mức 110 điểm thì chỉ số VN-Index cũng có thể tiếp tục đà giảm ngắn hạn và hướng về mức hỗ trợ kế tiếp là 1.200 điểm.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 13/1, không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, thị trường vẫn thiếu lạc quan khi sắc đỏ đang là màu chủ đạo trên bảng điện tử. Dù đà giảm không quá lớn nhưng phần lớn các cổ phiếu vẫn giữ xu hướng giảm, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục “yếu thế”, đã khiến VN-Index mở cửa giảm về gần mốc 1.220 điểm.

Sau khoảng 90 phút mở cửa, chỉ số VN-Index có chút thu hẹp biên độ với mức giảm gần 5 điểm, trong đó nhóm VN30 vẫn là gánh nặng chính của thị trường.

Hiện nhóm cổ phiếu năng lượng đang ngược dòng dẫn đầu đà tăng trên thị trường, dù mức tăng không quá lớn. Trong đó, PVD tăng 2,5%, PVB tăng hơn 3%, PVC tăng 2%, PVS tăng gần 1%...

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu bất động sản dù điều chỉnh nhẹ nhưng có sự phân hóa, trong đó, cặp đôi cổ phiếu đầu tư công là HHV và VCG có diễn biến tích cực với mức tăng đạt trên dưới 2% và thanh khoản đang thuộc top 5 mã dẫn đầu thị trường, đều đạt hơn 4 triệu đơn vị; LCG tăng 1,4%.

Ngoài ra, dòng tiền cũng tìm kiếm một số cơ hội nhỏ lẻ. Điển hình là cổ phiếu YEG đã được giải cứu thành công sau 2 phiên nằm sàn liên tiếp. Hiện YEG đang khoe sắc tím với khối lượng dư mua trần đạt gần nửa triệu đơn vị và khớp lệnh hơn 1,8 triệu đơn vị.

Áp lực bán tiếp tục gia tăng về cuối phiên khiến VN-Index lùi sâu hơn.

Chốt phiên, sàn HOSE chỉ có 88 mã tăng và 276 mã giảm, VN-Index giảm 7,58 điểm (-0,62%), xuống 1.222,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 245,8 triệu đơn vị, giá trị 5.925,7 tỷ đồng, tăng 56,4% về khối lượng và 77,9% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 30,4 triệu đơn vị, giá trị 1.403,4 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cũng giảm hơn 7,5 điểm với 21 mã giảm và chỉ 6 mã tăng. Trong đó, PLX vẫn tăng tốt nhất là 1,7%, còn lại các mã POW, HPG, SAB, VNM và VCB tăng nhẹ. Ngược lại, CTG giảm tới 3,1%, đã lấy đi gần 1,5 điểm của chỉ số chung, trong khi các cổ phiếu khác chỉ giảm trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực bán gia tăng cũng khiến YEG không giữ được sắc tím. Chốt phiên, YEG vẫn tăng khá mạnh 6,4% lên mức 15.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, COM và FIR vẫn bảo toàn được sắc tím.

Xét về nhóm ngành, nhóm ngân hàng lùi sâu hơn khi chỉ còn VCB tăng nhẹ 0,2%, cùng SHB và MBB giữ được mốc tham chiếu, còn lại chìm trong sắc đỏ với mức giảm chủ yếu trên dưới 1%, ngoại trừ CTG giảm sâu.

Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu FTS và BSI tăng nhẹ, SSI, CTS, VDS, ORS đứng giá tham chiếu, các mã khác chỉ giảm nhẹ như HCM, VCI giảm chưa tới 0,5%, VND, VIX giảm hơn 1%. Trong đó, VIX có thanh khoản sôi động nhất thị trường, với chỉ hơn 7,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh hầu hết các nhóm ngành đều điều chỉnh giảm, chỉ còn nhóm chăm sóc sức khỏe, năng lượng, phân phối và bán lẻ, thực phẩm, đồ uống và thuốc lá tăng nhẹ. Trong đó, nhóm năng lượng cũng chịu áp lực và chỉ còn tăng 0,74%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng tràn ngập sắc đỏ và HNX-Index nới rộng hơn biên độ giảm điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 1,53 điểm (-0,7%), xuống 217,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 22,71 triệu đơn vị, giá trị 358,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chưa đến 1 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều diễn biến kém tích cực về giá. Trong đó, SHS dẫn đầu với hơn 3,94 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 1,8% xuống mức 11.200 đồng/CP.

Các mã khác là CEO giảm 2,5% và khớp 1,98 triệu đơn vị, MST giảm 2,7% và khớp 1,82 triệu đơn vị, TNG giảm 3,4% và khớp hơn 1 triệu đơn vị, MBS đứng giá và khớp 1 triệu đơn vị.

Như đã nói ở trên, các cổ phiếu P vẫn ngược dòng thành công dù biên độ thu hẹp đáng kể với PVS chỉ còn tăng nhẹ 0,3%, PLC tăng 3,4%, PVC tăng 1%, PVB tăng 1,5%.

Trên UPCoM, sau thời gian ngắn đầu phiên le lói sắc xanh, thị trường đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,5 điểm (-0,54%), xuống 91,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 12,12 triệu đơn vị, giá trị 160,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,44 triệu đơn vị, giá trị 286,5 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có duy nhất HNG khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Cụ thể, cổ phiếu HNG đã chuyển nhượng thành công gần 2,5 triệu đơn vị và chốt phiên giảm 2,6% xuống mức 7.400 đồng/CP.

Điểm sáng là MFS vẫn giữ được sắc tím, chốt phiên tăng 14,9% và khớp 0,72 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần 0,15 triệu đơn vị.

T.Thúy

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-sang-131-luc-ban-tiep-tuc-gia-tang-vn-index-ve-sat-moc-1220-diem-post361686.html
Zalo