Khơi dậy sức dân từ phong trào thi đua 'Dân vận khéo'
Với sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, phong trào thi đua 'Dân vận khéo' trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, tập hợp sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của chính quyền, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Theo tổng hợp của Ban Dân vận Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh có 2.890 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó: Lĩnh vực phát triển kinh tế có 705 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội có 1.124 mô hình; lĩnh vực quốc phòng - an ninh có 612 mô hình; lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị có 449 mô hình. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tạo sự đồng thuận xã hội, huy động được các nguồn lực trong Nhân dân tham gia hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Các mô hình “Dân vận khéo” được gắn với các cuộc vận động như: xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Do buổi sáng bận nhiều công việc nên tới gần 11 giờ chị Đỗ Thị Nga ở thôn Nội Thượng, xã An Viên (Tiên Lữ) mới tới Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Chị Nga cho biết: “Lần nào chúng tôi đến giải quyết TTHC đều được cán bộ xã hướng dẫn rất nhiệt tình, chu đáo. Mặc dù đã là cuối buổi làm việc nhưng tất cả cán bộ, công chức, lãnh đạo UBND xã đều vẫn trực rất nghiêm túc; không khí làm việc thân thiện; quy trình giải quyết công việc nhanh gọn. Tôi thực sự rất hài lòng”. Đồng chí Phạm Văn Mừng, Chủ tịch UBND xã An Viên cho biết: Thực hiện mô hình dân vận khéo “Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp" UBND xã chú trọng thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính. Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quán triệt tới từng cán bộ, công chức phải gần dân, sát dân, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, thực thi công vụ với tinh thần trách nhiệm cao, đúng quy định, đúng luật nhưng phải linh hoạt, mềm dẻo. Cán bộ trực tiếp tiếp nhận, giải quyết TTHC của người dân luôn giữ thái độ hòa nhã, niềm nở, giải quyết thủ tục nhanh gọn, minh bạch. Khi đã tạo được niềm tin của người dân thì việc vận động các phong trào khác cũng thuận lợi hơn. Hiện nay, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đang nỗ lực vận động Nhân dân đồng lòng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực tiễn đời sống cho thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã tác động tích cực trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với lĩnh vực kinh tế, nhiều mô hình, điển hình trong việc tổ chức vận động hội viên, đoàn viên, các thành phần kinh tế phát huy thế mạnh của địa phương, huy động các tiềm năng, nguồn lực và sự năng động, sáng tạo, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, điển hình như: mô hình “chuyển đổi trồng cây vải trứng Hưng Yên” ở huyện Ân Thi và huyện Phù Cừ, mô hình Tổ hợp tác “Sản xuất ổi VietGap” tại xã Hoàn Long (Yên Mỹ), mô hình dân vận khéo trong giải phóng mặt bằng ở các địa phương có dự án trọng điểm... Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được các cấp, các ngành triển khai thực hiện với nhiều nội dung phong phú, cách thức sáng tạo, hiệu quả, thu hút được sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 102 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 152 khu dân cư đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, các mô hình “Dân vận khéo” đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hóa mới, bảo vệ môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, văn minh đô thị. Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xuất hiện các mô hình “Dân vận khéo” trong tổ chức đối thoại, hòa giải nhiều vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở; nắm tình hình, phát hiện, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từng bước giảm thiểu hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương.
Đối với lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các địa phương, đơn vị đã chú trọng xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trong triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cơ quan hành chính nhà nước xuất hiện nhiều mô hình “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đạo đức công vụ, giải pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc được giao...
Từ thực tiễn cho thấy phong trào thi đua “Dân vận khéo” có ý nghĩa thiết thực trong đời sống mỗi người dân và tiến trình phát triển KT-XH. Để tiếp tục lan tỏa phong trào “Dân vận khéo”, cần quan tâm những giải pháp như: Chú trọng công tác tuyên truyền và phổ biến những kinh nghiệm, cách làm hay, biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt; nhân rộng những điển hình tiên tiến. Đưa việc chỉ đạo xây dựng mô hình vào nội dung chương trình công tác của cấp ủy tại địa phương, đơn vị. Tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” có hiệu quả thực tiễn đã được các cấp, các ngành xây dựng và công nhận; đồng thời chỉ đạo, phát động các cấp, các ngành và Nhân dân nghiên cứu, xây dựng các mô hình, điển hình mới trên các lĩnh vực. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, chỉ đạo hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ ở cơ sở, để đáp ứng ngày càng cao yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.