Khơi dậy quỹ đất hoang ven thị trấn Tân Phong
Nằm ven cánh đồng với 2 bên là những ao cá và ruộng ốc, căn biệt thự 2 tầng mái Thái lớn nhất ở tổ dân phố Tân Hưng, thị trấn Tân Phong càng trở nên nổi bật. Chủ nhân của khu sản xuất và những tài sản nhiều tỷ đồng ấy là anh Lê Thiên Xuyên, sinh năm 1977 - một điển hình sản xuất nông nghiệp 'mới nổi' của huyện Quảng Xương.

Anh Lê Thiên Xuyên, thị trấn Tân Phong cải tạo những ruộng hoang thành khu sản xuất xanh.
Dựng sản nghiệp từ đồng hoang
Nói làm nông nghiệp để mua xe hơi, xây nhà lầu thì ít người tin, nhưng với đôi bàn tay cần mẫn và khối óc năng động trong sản xuất, anh Xuyên đã làm được. Với những khu ruộng trũng để hoang hóa cả chục năm trời, qua bàn tay anh đều trở thành nơi sinh lời chính đáng.
Theo anh, nhận thấy diện tích ruộng hoang quanh nhà để cỏ dại và cây thủy sinh mọc kín, rất lãng phí. Ngày ngày nhìn ra đã khiến anh nung nấu cải tạo phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên quê hương. Vốn có diện tích 7.800m2 vườn và đất nông nghiệp được dồn đổi về quanh nhà, từ những năm 2015 - 2016, anh còn vận động bà con có ruộng hoang cho thuê lại để đưa tổng diện tích khu sản xuất lên hơn 11.000m2.
Minh chứng cho cách làm khoa học và bài bản ngay từ đầu, anh còn cho chúng tôi xem những lá đơn xin xác nhận của UBND xã Quảng Tân (sau sáp nhập vào thị trấn Tân Phong) để cải tạo diện tích ruộng sâu trũng thành ao và trồng cây ăn quả, cây cảnh phát triển kinh tế. Khi đã có những hợp đồng thuê đất lâu dài, được chính quyền địa phương xác nhận, đến năm 2018, anh quyết định xây dựng khu sản xuất tổng hợp một cách bài bản, rồi toàn tâm với nông nghiệp.
Từng thầu xây dựng và buôn bán đất, anh Xuyên dùng những đồng vốn tích lũy để đầu tư cải tạo khu đất hoang này. Một phần đất gia đình được anh thuê máy móc đào các ao, kè bờ bê tông kiên cố để ương cá giống, nuôi cá rô đầu vuông gối lứa quanh năm. Những khu ruộng thuê lại phía ngoài vẫn để nguyên trạng bờ đất, khơi sâu thêm để thả ốc nhồi. 1.000m2 sát nhà được chủ mô hình trồng cây cảnh, cây ăn quả.
Sau nhiều chuyến học tập kinh nghiệm, rồi tìm hiểu cách làm trên Internet, hàng chục ao đất thả ốc, các ao cá, rồi hoạt động nấu rượu, nuôi lợn... cùng cho hiệu quả. Lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, đến những năm gần đây, người nông dân năng động đã có cơ ngơi khang trang, mô hình kinh tế tổng hợp vẫn đang phát triển hiệu quả.
Theo hạch toán từ gia đình, 3 năm gần đây nhất, mỗi năm mô hình đều xuất bán khoảng 4 tấn ốc thương phẩm và 200 vạn ốc giống, giá trị hơn 700 triệu đồng. Hoạt động nuôi cá giống, cá rô, nuôi lợn và kinh doanh khác cũng đem về nguồn thu gần 1 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, còn lợi nhuận gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Sản xuất hữu cơ tuần hoàn
Dù trời mưa thâm gió bấc, anh Lê Thiên Xuyên vẫn nhiệt tình dẫn chúng tôi đi giới thiệu các hoạt động sản xuất của mình. Dưới mặt nước bình lặng của hàng chục ruộng hoang trước kia, cả “thế giới” rong rêu chứa đầy cá thể ốc nhồi dày đặc. Khó có thể tưởng tượng, chỉ cần đứng trên bờ, dùng cây vợt xúc sâu vào lòng nước 2 lần, anh đã vớt lên được chừng 10kg ốc thương phẩm.
Cũng theo anh Xuyên, ốc nhồi chính là loài thủy sinh gần như không gây ô nhiễm nguồn nước, thậm chí còn lọc nước, ăn hết tạp chất trong nước. Dưới làn nước trong xanh ấy, dễ dàng quan sát từng cá thể ốc bám đầy rong rêu, bám kín phần bờ cỏ.
Phía gần nhà, những ô ruộng nhỏ hơn được dành ương nuôi ốc giống kích cỡ bằng hạt ngô, đầu ngón tay và nhiều kích cỡ khác nhau với mật độ dày đặc. Theo gia chủ, “hoạt động cho ốc sinh sản để bán giống có khi còn cho lợi nhuận gấp cả chục lần nuôi ốc thịt. Khi đã làm chủ được công nghệ và tích lũy đủ kinh nghiệm, mọi khâu đều trở nên dễ dàng”.
Hoạt động cho hiệu quả kinh tế lớn khác tại đây là nấu rượu và nuôi lợn. Từ nhiều năm qua, vợ chồng anh Xuyên dành 700m2 để xây dựng khu chuồng theo hướng công nghệ cao. Hiện 6 lợn nái và đàn lợn thịt luôn được duy trì hàng chục con. Tất cả chất thải được đưa trực tiếp vào hệ thống biogas, sản xuất khí ga làm nhiên liệu nấu rượu và sinh hoạt. Với hàng chục chum vại ngâm ủ, gia đình anh phải thuê thêm 2 lao động để bảo đảm mỗi ngày chưng nấu cả chục mẻ rượu, cung ứng cho hệ thống nhà hàng đặt sẵn.
Điều đáng nói, mô hình sản xuất ở đây được gia chủ áp dụng theo hướng hữu cơ, các khâu sản xuất tuần hoàn, hầu như không có chất thải ra ngoài. “Bã rượu tôi chuyển sang nuôi lợn. Phân lợn được tận dụng triệt để thành chất đốt, bã từ biogas để trồng cây và làm thức ăn cho ốc. Những nước thải không ô nhiễm đều được thu về ao nuôi bèo tấm để làm thức ăn cho ốc. Mọi cây cỏ, hoa quả trong vườn cũng trở thành nguồn dinh dưỡng để ốc phát triển quanh năm. Mô hình hầu như không có chất thải ra ngoài” – anh Xuyên chia sẻ.
Cũng theo anh Xuyên: “Tôi nhận thức sâu sắc sản xuất hữu cơ tuần hoàn không chất thải là xu hướng của nông nghiệp hiện đại nên theo đuổi thực hiện. Sản phẩm sản xuất ra phải an toàn cho người sử dụng, không dùng hóa chất. Hơn nữa, nơi đây gần thị trấn, việc sản xuất phải bảo đảm tuyệt đối về môi trường, không thể gây ô nhiễm”.
Hạn chế bê tông hóa, chỉ be bờ, khơi sâu thêm các khu ruộng hoang rồi quây lưới. Khu sản xuất cho doanh thu 1,8 đến 2 tỷ đồng mỗi năm, nhưng vẫn bình lặng và xanh mướt như một khu sinh thái. Sản phẩm chính là ốc nhồi được một số doanh nghiệp trong tỉnh thu mua chế biến sâu, đồng thời ký hợp đồng cung ứng đi nhiều tỉnh, thành trong nước.