Khơi dậy giá trị văn hóa dân tộc Mường thành nguồn lực phát triển
Dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Xác định di sản văn hóa (DSVH) dân tộc Mường là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác trở thành những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Năm 2024, thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy DSVH Mường và nền
Dân tộc Mường chiếm hơn 63% dân số toàn tỉnh. Xác định di sản văn hóa (DSVH) dân tộc Mường là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác trở thành những sản phẩm phục vụ phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương. Năm 2024, thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy DSVH Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình” giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để khơi nguồn các giá trị đặc sắc của văn hóa Mường.
![Trò chơi dân gian đánh mảng của dân tộc Mường đang được nghiên cứu, khôi phục phát triển trở thành môn thể thao đại chúng. Ảnh chụp tại xã Vân Sơn (Tân Lạc).](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_431_51483231/cc7d80acb3e25abc03f3.jpg)
Trò chơi dân gian đánh mảng của dân tộc Mường đang được nghiên cứu, khôi phục phát triển trở thành môn thể thao đại chúng. Ảnh chụp tại xã Vân Sơn (Tân Lạc).
Bảo tồn, khơi dậy các giá trị văn hóa đặc sắc
Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Đề án đã quan tâm chỉ đạo công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại huyện Tân Lạc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tham mưu UBND tỉnh giao UBND huyện Tân Lạc thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch khu bảo tồn, trở thành "bảo tàng sống” lưu giữ các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bảo tàng tỉnh tiếp tục tiến hành công tác phục chế các trống đồng có giá trị để bảo quản và phục vụ trưng bày giới thiệu về di sản trống đồng của Hòa Bình. Đồng chí Tô Anh Tú, Giám đốc Bảo tàng tỉnh chia sẻ: Đến nay đã phục chế được 9/74 trống đồng có giá trị trong bộ sưu tập trống đồng tại Bảo tàng tỉnh. Trong tháng 11/2024, chào mừng Ngày Di sản Việt Nam, đúng dịp tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức gian trưng bày chuyên đề "Vật báu xứ Mường” với 2 bộ sưu tập quý trống đồng và chiêng Mường, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là học sinh đến tham quan, tìm hiểu.
Cũng trong năm 2024, tỉnh mời các nhà khoa học về nghiên cứu, đánh giá những giá trị của quần thể hang động và danh lam thắng cảnh chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy; UBND tỉnh đã trình Bộ VH-TT&DL về việc xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ việc xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Sở VH-TT&DL tiếp tục mời các nhà khoa học về nghiên cứu để bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Đặc biệt, nội dung được đông đảo cán bộ, nhà nghiên cứu văn hóa và người dân quan tâm là việc nghiên cứu thiết kế mẫu kiến trúc nhà sàn cổ của người Mường và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp điều kiện hiện nay. Thực hiện nhiệm vụ này, Sở Xây dựng đã triển khai đề án, xin ý kiến các sở, ngành liên quan. Sở Xây dựng đã tiếp thu giải trình và dự thảo cuốn Sổ tay mẫu kiến trúc nhà sàn của người Mường cổ và mẫu nhà sàn bằng vật liệu thay thế phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay để địa phương tham khảo vận dụng. Cùng với đó nghiên cứu, sưu tầm xây dựng mẫu quy cách của bộ trang phục truyền thống thông thường và lễ phục của người Mường để phổ biến trong cộng đồng và giới thiệu cho du khách khi đến Hòa Bình.
Biến di sản thành tài sản
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể (PVT) tiếp tục được quan tâm. Tỉnh phối hợp Viện Âm nhạc Việt Namvà UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học về DSVH mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH PVT cần bảo vệ khẩn cấp. Đồng thời chỉ đạo tiến hành kiểm kê, sưu tầm DSVH PVT của dân tộc Mường. Đến nay có 4 DSVH PVT của người Mường được đưa vào danh mục DSVH PVT quốc gia gồm: Mo Mường Hòa Bình; nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình; lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình; lịch tre của người Mường Hòa Bình. Hiện tiếp tục trình Bộ VH-TT&DL 2 hồ sơ DSVH PVT của người Mường Hòa Bình là "Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy của người Mường Hòa Bình”; "Hát dân ca thường đang - bộ mẹng của người Mường Hòa Bình”. Năm 2024, tỉnh triển khai công tác kiểm kê DSVH PVT của các dân tộc trên địa bàn huyện Lạc Sơn và TP Hòa Bình, trong đó cơ bản là kiểm kê DSVH PVT của dân tộc Mường. Cùng với đó chỉ đạo khôi phục, bảo tồn một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của dân tộc Mường Hòa Bình.
Điểm mới trong công tác bảo tồn giá trị văn hóa Mường là Sở VH-TT&DL phối hợp Cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT&DL) triển khai công tác nghiên cứu trò chơi dân gian "đánh mảng” tiêu biểu của dân tộc Mường để khôi phục, phát triển trở thành môn thể thao đại chúng đưa vào trong hệ thống các giải thi đấu của tỉnh, khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố tiếp tục phát triển các loại hình hoạt động câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian để huy động các nghệ nhân tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVH của người Mường.
Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: Việc khơi dậy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Mường trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch đã bước đầu đạt được hiệu quả tích cực. Trên địa bàn các huyện, thành phố đã xuất hiện nhiều mô hình lấy bảo tồn, phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mường làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch tỉnh Hòa Bình.