Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất vaccine công suất 100 triệu liều/năm
Ngày 27/5, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNVC cho biết, Nhà máy Vaccine và Sinh phẩm VNVC với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 26.000 m² tại khu công nghiệp Phú An Thạnh, Long An đã chính thức khởi công, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2027. Đây là nhà máy vaccine hiện đại và quy mô lớn nhất Việt Nam.
Nhà máy Vaccine và Sinh phẩm VNVC có công suất lên đến 100 triệu liều vaccine mỗi năm, với ba dây chuyền chiết rót và đóng gói hiện đại. Nhà máy ứng dụng công nghệ isolator tiên tiến cùng dây chuyền đóng bút tiêm đầu tiên tại Đông Nam Á, đảm bảo chất lượng cao và an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, nhà máy còn đầu tư xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) rộng 1.500 m², chuyên nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ sản xuất vaccine và sinh phẩm tiên tiến, đặc biệt tập trung vào vaccine công nghệ mRNA.
Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2027, từng bước nhận chuyển giao công nghệ từ Sanofi (Pháp) để “nội địa hóa” sản xuất các vaccine quan trọng, vaccine công nghệ mới của Sanofi, phục vụ nhu cầu tiêm chủng tại Việt Nam và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà máy Vaccine và Sinh phẩm VNVC đầu tư hạ tầng máy móc thiết bị hiện đại và có những chính sách đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, sản xuất vaccine và dược phẩm y sinh công nghệ cao; sẵn sàng tiếp nhận và làm chủ các công nghệ y sinh tối tân, như công nghệ mRNA ứng dụng trong sản xuất nhiều loại vaccine mới, đặc biệt được kỳ vọng là vaccine điều trị ung thư.

Nhà máy được xây dựng trên diện tích hơn 26.000 m² tại KCN Phú An Thạnh (Long An), dự kiến đi vào vận hành cuối năm 2027. Ảnh: VNVC
Nhà máy Vaccine và Sinh phẩm VNVC được thiết kế bởi tập đoàn Rieckermann (Đức). Toàn bộ thiết bị được nhập khẩu chính hãng, thế hệ mới từ Đức, Mỹ… Nhà máy được thiết kế, vận hành theo các tiêu chuẩn cao nhất hiện nay về thực hành sản xuất tốt (GMP), bao gồm EU GMP (châu Âu), FDA GMP (Mỹ) và WHO GMP (tổ chức Y tế thế giới). Đồng thời, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn thực hành tốt trong phòng thí nghiệm (GLP) và tiêu chuẩn quốc tế (AAALAC) về an toàn, phúc lợi và đối xử nhân đạo cho khu vực nghiên cứu động vật thí nghiệm theo đúng nguyên tắc đạo đức khoa học quốc tế, cùng nhiều tiêu chuẩn cao cấp khác về bảo vệ môi trường, giảm phát thải, tuân thủ công nghệ xây dựng "nhà máy xanh", "nhà máy thông minh".