Tự tin nâng hạng thị trường chứng khoán
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Việt Nam đã có hàng chục năm chuẩn bị thế và lực, gỡ những “nút thắt”, bỏ đi những quy định không phù hợp, tăng ứng dụng công nghệ trong quản lý, giám sát và giao dịch chứng khoán, sửa Luật Chứng khoán... để thúc đẩy nâng hạng thị trường. Giới phân tích nhìn nhận, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đủ tự tin khẳng định thị trường chứng khoán có thể được nâng hạng.
Theo ông Tô Trần Hòa, Phó vụ trưởng Vụ phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Đáng chú ý, luật lần này tập trung vào 3 nhóm chính sách là nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát, tiếp tục hoàn thiện các quy định để tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành. Bước sang năm 2025, cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tục ưu tiên tập trung vào các giải pháp để hoàn thành mục tiêu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán.
Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.
Ông Hòa cho rằng, trong 10 năm qua, Chính phủ cũng như các bộ ngành, doanh nghiệp đã đồng lòng trong việc tìm ra các giải pháp nâng hạng, đi từng bước vững chắc và xuyên suốt. Sở dĩ cần 10 năm chuẩn bị là để thị trường được nâng hạng bền vững, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý từng bước hoàn thiện các điều kiện cần như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chính sách hướng tới sự minh bạch, công bằng cho các thực thể trên thị trường.
“Chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng nhưng không để xuống hạng như trường hợp của Pakistan, sau 4 năm nâng hạng lại quay trở về vạch xuất phát. Hay như trường hợp của Argentina cũng tương tự”, ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối Pháp chế và Kiểm soát tuân thủ của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI lý giải vì sao 10 năm qua Việt Nam nói về nâng hạng thị trường, song đến thời điểm hiện tại mới đủ tự tin khẳng định thị trường có thể được nâng hạng.
Ông Hải cho rằng đây là quãng thời gian chuẩn bị đủ kỹ lưỡng và có cân nhắc. Từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đến các thành viên thị trường đều đang từng bước đáp ứng các tiêu chí quan trọng của hai tổ chức là FTSE và MSCI.
“Đây là 10 năm giúp cho doanh nghiệp chuẩn bị thế và lực, giúp các hệ thống công nghệ thông tin dần bắt kịp với sự mở rộng nhanh chóng của thị trường”, ông Hải nói.
Mới đây, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) trong năm 2025 đưa hệ thống KRX vào vận hành, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu giao dịch khi nâng hạng thị trường.
Hệ thống KRX sẽ mang đến những sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, với các tính năng như giao dịch trong ngày, nghiệp vụ bán khống, phân tán rủi ro...
Bên cạnh đó, ngày 6/12, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đang nghiên cứu đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào giám sát giao dịch thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính cũng cho biết, với quy mô phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào giám sát giao dịch cũng đang được nghiên cứu và triển khai.
“Chúng ta thấy rằng có sự quyết tâm rất lớn của các cơ quan quản lý trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán, thể hiện bằng các hành động cụ thể”, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán – VinaCapital nói.
Theo bà Thu, sau thời gian làm việc khẩn trương và tích cực giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các thành viên tham gia thị trường, Thông tư 68/2024/TT- BTC được ban hành vào tháng 9 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 2/11/2024 đã tháo gỡ nút thắt quan trọng để tổ chức xếp hạng thị trường FTSE Russell có thể nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi.
Đó là bỏ đi yêu cầu các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài phải có đủ 100% tiền mặt trong tài khoản khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán (pre-funding). Cụ thể là “Công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt. Công ty chứng khoán thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thủa thuận tại hợp đồng ký giữa công ty chứng khoán và khách hàng”.
Ngoài ra, quyền tiếp cận thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được tăng cường với lộ trình quy định bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với công ty đại chúng.
Trong buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Young Lee - Giám đốc Điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực châu Á của Morgan Stanley cho biết, những quy định mới tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc của FTSE Russell.
Hiện tại, mục tiêu ngắn hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam là được FTSE Russell nâng hạng trong năm 2025. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán - VinaCapital, bà Nguyễn Hoài Thu cho rằng, sau khi được FTSE nâng hạng, mục tiêu quan trọng hơn của thị trường chứng khoán Việt Nam là được tổ chức xếp hạng thị trường MSCI nâng hạng, do các chỉ số của MSCI được nhiều quỹ đầu tư dùng làm chỉ số tham chiếu hơn.
MSCI có nhiều tiêu chí để xét nâng hạng thị trường hơn FTSE Russell như giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài, thủ tục đăng ký mở tài khoản mới cho nhà đầu tư nước ngoài, mức độ tự do hóa trên thị tường giao dịch ngoại hối. Do đó, quá trình xem xét nâng hạng của MSCI sẽ khó khăn và tốn nhiều thời gian hơn.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, một trong những câu hỏi được đặt ra là sau khi nâng hạng, làm thế nào để phát hay vị thế mới? Vì vậy yếu tố quan trọng nhất là tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô, cải thiện chất lượng doanh nghiệp niêm yết và tăng cường quản lý thị trường.
Các doanh nghiệp niêm yết cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, công khai minh bạch thông tin và cải thiện hiệu quả hoạt động để củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tiếp tục cải cách, hoàn thiện quy định và cơ chế giám sát để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và phát triển thị trường bền vững.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Vũ Thị Chân Phương khẳng định, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam. Cơ quan quản lý luôn tiếp thu các ý kiến của thị trường, đóng góp của các nhà đầu tư quốc tế, qua đó xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện Việt Nam và đáp ứng được mong đợi của các nhà đầu tư nước ngoài.
Mỗi giai đoạn, bối cảnh kinh tế đều tác động đến quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách trên thị trường vốn, nhưng Việt Nam luôn hướng tới đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của thị trường chứng khoán lâu dài, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.