Doanh nghiệp Việt hướng tới sản xuất xanh: Nâng cao thương hiệu, thu hút thêm khách hàng

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới và xu hướng tiêu dùng chuyển dịch dần sang những sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất xanh là một trong những lợi thế giúp doanh nghiệp Việt nâng cao thương hiệu, thu hút thêm người tiêu dùng.

Đây cũng là yêu cầu tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Vinamilk phát triển sản xuất xanh, bền vững.

Vinamilk phát triển sản xuất xanh, bền vững.

Nhiều thương hiệu tiên phong chuyển đổi xanh

Những năm trở lại đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu. Thực tế cho thấy, phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp các doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Đặt mục tiêu đạt Net Zero vào năm 2050, Vinamilk đã triển khai nhiều sáng kiến xanh như sử dụng năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm lượng khí thải và tăng cường tái chế. Các trang trại bò sữa của Vinamilk cũng được trang bị các công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính và cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Cùng với đó, Vinamilk thực hiện các mô hình sinh thái ứng dụng kinh tế tuần hoàn, thực hành nông nghiệp bền vững, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái tự nhiên. Một vài con số ấn tượng có thể kể đến như: 100% tài nguyên tái tạo tại các Green Farm tương đương lượng điện dùng cho 2 chuyến xe điện khứ hồi từ trái đất đến mặt trăng, hay lượng các bon trung hòa tương đương diện tích 30.000 sân bóng đá phủ đầy cây xanh. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp công ty đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về đạo đức và môi trường.

Tương tự, với vai trò là doanh nghiệp tiên phong xây dựng các thương hiệu quốc gia uy tín trong lĩnh vực công nghệ cao, Tập đoàn FPT đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh và đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 15,8% tổng lượng khí thải khí nhà kính.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chậm hơn so với thế giới. Các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng quốc tế của FPT đều đã yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phát triển bền vững, phát triển xanh.

“Trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp mang Thương hiệu quốc gia Việt Nam hướng tới phát triển xanh để tạo một nền kinh tế xanh cho đất nước, vai trò của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan trọng”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Hỗ trợ chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững

Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các doanh nghiệp tiên phong hướng đến sản xuất xanh, phát triển xanh hầu hết là các doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu. Những doanh nghiệp này sớm nắm bắt được các xu thế, yêu cầu mới để đi trước so với các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, với đặc điểm gần 98% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực để có thể đầu tư chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ dừng lại ở mức cân nhắc, chưa có các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Mặt khác, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Lê Việt Anh nhận định, các doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xác định được hưởng cơ chế ưu đãi nào từ phía Chính phủ. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần có hệ thống phân loại các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp, các dự án đầu tư được xác định là xanh.

Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, FPT hiện là doanh nghiệp tư vấn và cung cấp giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hàng đầu cho các tổ chức, doanh nghiệp, như dịch vụ tư vấn lộ trình triển khai ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), giải pháp kiểm kê khí nhà kính VertZéro giúp các doanh nghiệp tự động hóa, số hóa toàn bộ quy trình thu thập dữ liệu, tính toán, quản lý, báo cáo khí thải và theo dõi tiến trình thực hiện cam kết, bảo đảm các quy chuẩn quốc tế…

Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Quách Quang Đông thông tin, để hỗ trợ các chương trình chuyển đổi của các doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021-2030... Các chương trình này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên nhiên liệu, năng lượng cũng như tiến đến phát thải thấp trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

“Chính phủ cần khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có các nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường các bon để thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển”, ông Quách Quang Đông kiến nghị.

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doanh-nghiep-viet-huong-toi-san-xuat-xanh-nang-cao-thuong-hieu-thu-hut-them-khach-hang-692081.html
Zalo