Khoảng lặng cồng chiêng - Kỳ 3: Tiếp sức cho di sản thế giới

'Nhiều củi thì nhóm thành đống lửa to', câu khan của nghệ nhân Ama Nhiên (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) như một lời nhắn gửi.

Giữ gìn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cần sự chung tay của cộng đồng, của chính quyền, các nghệ nhân và thế hệ trẻ hôm nay trên cơ sở các phương pháp đúng đắn, khoa học, phù hợp xu thế phát triển.

 Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền diễn giải các thang âm cồng chiêng cho công chúng tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền diễn giải các thang âm cồng chiêng cho công chúng tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.

(Tiếp theo và hết)

Theo yếu tố gốc… tìm về

Chia sẻ những khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sau 20 năm được UNESCO ghi danh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Kon Tum Đậu Ngọc Hoài Thu cho biết, ở góc độ chuyên môn, có thể thấy tính thiêng của cồng chiêng giờ đây không còn đậm đặc như trước. Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là sự hiện đại hóa trong dàn âm thanh của cồng chiêng. Cồng chiêng được đánh theo thang âm bình quân (đồ, rê, mi…). Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, ban ngành cùng tham gia công tác bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Mỗi đơn vị, cá nhân lựa chọn một phương pháp tiếp cận khác nhau. Nếu không có chuyên môn sẽ vô tình làm mai một các bài chiêng cổ.

Thang âm là yếu tố nền tảng làm nên tính đặc sắc trong âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên. Đánh sai thang âm hay sự pha trộn thang âm của các dân tộc dẫn đến sự biến mất của thang âm chuẩn. Hơn 20 năm trước, khi tham gia lập hồ sơ không gian văn hóa cồng chiêng trình UNESCO, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền ngỡ ngàng trước sự đa dạng và phong phú của các hệ thang âm riêng biệt trong dàn cồng chiêng của người Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng… Nhưng đến năm 2022, khi chấm thi Liên hoan cồng chiêng do Sở VHTT&DL Kon Tum tổ chức, anh “tá hỏa” nhận thấy hầu như các dàn cồng chiêng đều đánh sai thang âm. Hiện tượng “lai âm” tràn lan, bộ chiêng của Xơ Đăng đánh lên lại nghe giống như của Ba Na hay Gia Rai. Những dấu hiệu này phản ánh nguy cơ các thang âm đặc sắc của cồng chiêng Tây Nguyên đang bị pha trộn và mất đi yếu tố gốc.

Nhận định này càng được khẳng định trong quá trình tiếp xúc với học viên tại các lớp chỉnh chiêng được tổ chức sau đó, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền càng nhận thấy sự biến mất của thang âm cổ truyền hiển hiện rõ nét. Nguy hiểm hơn là lỗi sai theo hệ thống. Qua những chia sẻ với nhóm tác giả bài viết, cũng như một số nhận xét, cảnh báo trên mạng xã hội, trên báo chí thời gian qua, ông chỉ ra thực trạng: Người đánh chiêng, chỉnh chiêng truyền dạy sai, kéo theo người học sai nhưng không biết. Thang âm chuẩn mất đi, thang âm bình quân phương Tây đã tràn ngập đời sống âm nhạc hiện nay. Các nhạc cụ truyền thống của các dân tộc vùng Tây Nguyên như đàn tơ rưng, klong put, đàn đá… cũng chơi cải tiến theo thang âm hiện đại.

Nhiều năm trước, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã lặn lội đi khắp Tây Nguyên học chỉnh chiêng từ các nghệ nhân có tiếng. Quan trọng hơn cả, ông đã ghi lại một cách cẩn thận những thang âm chuẩn của các bài chiêng cổ cách đây hơn 20 năm. Có nền tảng vững chắc thì khả năng tái sinh thang âm cổ truyền không rơi vào vô vọng. Trong hành trình gìn giữ cồng chiêng, ông còn lặn lội, học hỏi kiến thức về chế tác và chỉnh chiêng tại Malaysia, Indonesia, Myanmar…, từ đó, tìm được nguyên lý tạo ra những thang âm của chiêng, phương pháp chỉnh chiêng đơn giản, dễ thực hành, dễ truyền đạt.

Suốt 2 năm qua, nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền đã nỗ lực tham gia truyền dạy các lớp chỉnh âm cồng chiêng trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Năm 2024, lần đầu tiên nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền cùng đồng nghiệp phục dựng cả dàn cồng chiêng Xơ Đăng ở huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum nhờ thông số thang âm được đo cách đây 20 năm. Hành trình tìm lại “thang âm chuẩn” này vừa có nỗ lực của các nhà nghiên cứu văn hóa, vừa cần sự gắn kết giữa cũ và mới, giữa bảo tồn và phát triển.

 Việc phục dựng, tái hiện các nghi lễ giúp duy trì thực hành di sản cồng chiêng.

Việc phục dựng, tái hiện các nghi lễ giúp duy trì thực hành di sản cồng chiêng.

Từng bước hồi sinh hồn chiêng

Trước thực tế biến đổi của không gian văn hóa cồng chiêng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Kon Tum Phan Văn Hoàng cho biết: “Chúng tôi phục dựng bắt đầu từ yếu tố cồng chiêng và các sinh hoạt buôn làng. Hằng năm, tỉnh duy trì tổ chức một số lễ hội, để bà con có không gian diễn xướng cồng chiêng. Việc quan trọng nhất của tỉnh Kon Tum là tập trung nhân lực, nguồn lực cho công tác điền dã, sưu tầm, hệ thống và số hóa những bài chiêng cổ. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Kon Tum sưu tầm được 145 bài chiêng cổ, trên cơ sở đó, phục hồi từng công đoạn để phục dựng, bảo tồn các thành tố trong không gian văn hóa cồng chiêng. Hiện tại, Kon Tum vẫn còn một số làng chưa có bộ cồng chiêng của tập thể. Tỉnh đặt mục tiêu cuối năm nay, 100% làng dân tộc thiểu số có bộ cồng chiêng để sinh hoạt cộng đồng.

Không gian văn hóa cồng chiêng đã biến đổi và thu hẹp, nhưng lại mở ra dư địa để các tỉnh Tây Nguyên khai thác du lịch văn hóa gắn với văn hóa cồng chiêng, tạo sản phẩm du lịch thu hút du khách, đồng thời phát triển sinh kế cho người dân. Ngày càng nhiều buôn du lịch cộng đồng được công nhận, kéo theo việc thành lập các đội cồng chiêng văn nghệ phục vụ du khách trải nghiệm, tìm hiểu bản sắc văn hóa vùng Tây Nguyên. Mấu chốt quan trọng nhất để bảo tồn di sản văn hóa này, là đào tạo thế hệ kế cận và chăm lo đội ngũ nghệ nhân đang thực hành và nắm vững tri thức về cồng chiêng. Vì vậy, ở Đắk Lắk, Gia Lai hay Kon Tum, nhiều năm nay, ngành văn hóa thường xuyên tổ chức các lớp truyền dạy, đào tạo lớp trẻ, thành lập các đội cồng chiêng nhí. Người đứng lớp là các nghệ nhân ưu tú của tỉnh, của đồng bào truyền dạy văn hóa truyền thống của chính dân tộc mình cho con em mình. Bản thân các nghệ nhân nắm giữ di sản cũng chủ động mở các lớp truyền dạy và chỉnh âm cồng chiêng. Ngày càng nhiều thanh, thiếu niên yêu thích văn hóa dân tộc. Từ lớp 5, lớp 7 các em bắt đầu tiếp cận học đánh chiêng cơ bản.

Bảo tồn di sản văn hóa dân gian nói chung, không gian văn hóa cồng chiêng là một hành trình dài, cần huy động tổng thể nỗ lực và nguồn lực mới thấy rõ hiệu quả. Bên cạnh các ý kiến, đề xuất hướng phát triển mô hình không gian văn hóa cồng chiêng; gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển sinh kế, một số địa phương đã đề xuất đưa các tri thức dân gian, bản sắc truyền thống vào sách giáo khoa và chương trình giáo dục địa phương. Đây được xem là hướng đi bảo tồn bền vững để giữ lại được di sản lâu dài.

Cần nhiều khuyến cáo để tránh sai đường

Tuy nhiên, trong tiến trình này, các chuyên gia và nhà nghiên cứu về văn hóa lưu ý, các địa phương cần hết sức thận trọng tác động làm biến đổi di sản. Việc lựa chọn đội văn nghệ, lứa tuổi và bài chiêng trình diễn cần phù hợp từng hoàn cảnh và sự kiện. Tại các điểm phát triển du lịch, tránh việc truyền dạy cồng chiêng chéo giữa các dân tộc, gây ra sự nhầm lẫn trong giai điệu, làm ảnh hưởng và mai một yếu tố gốc của cồng chiêng. Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên nên luân phiên tổ chức Festival cồng chiêng hai đến ba năm một lần. Hoạt động này vừa mang tính liên kết, cùng chung tay gìn giữ văn hóa cồng chiêng, vừa là cơ hội để đồng bào giao lưu, trình diễn và trao đổi kinh nghiệm bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thực tế cho thấy, không gian văn hóa cồng chiêng tự thân đã vận động và phát triển theo thời gian và chiều kích không gian mới, không còn giới hạn trong cộng đồng buôn làng, lễ mừng nhà rông, cúng bến nước, mừng năm mới, mà văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một phần của các sự kiện liên hoan, kỷ niệm, giao lưu ở các tỉnh Tây Nguyên và trên cả nước, xa hơn là lan tỏa ra quốc tế. Vì vậy, cần có thái độ cởi mở, tích cực trước những biến đổi của thời cuộc; bảo tồn các thành tố trong không gian văn hóa cồng chiêng trên cơ sở chắt lọc, lựa chọn những nét đặc trưng cho phù hợp bối cảnh hiện nay. Song song với đó, cũng rất quan trọng trong việc truyền thông, quảng bá, tác động trực tiếp đến nhận thức của cộng đồng bản địa để đồng bào hiểu về giá trị di sản, về vốn quý bản sắc tộc người… Từ đó cổ vũ, tôn vinh và khuyến khích bà con tự bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng phù hợp xu thế phát triển của hiện tại và tương lai.

Theo Bài và ảnh: KHIẾU LIÊN, HẠNH THẮNG (NDĐT)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khoang-lang-cong-chieng-ky-3-tiep-suc-cho-di-san-the-gioi-post319444.html
Zalo