Khoảng 50% số lượng GS, PGS được công nhận hàng năm làm việc tại Hà Nội
TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là 6 địa phương tập trung đông số lượng GS, PGS đang công tác nhất hiện nay.
Thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung chủ yếu của các giáo sư, phó giáo sư; trong đó, khoảng hơn 50% số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm đều đang công tác tại Hà Nội.
Đây là kết quả thống kê dựa theo nơi làm việc của các ứng viên được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư trong 3 năm gần đây của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (thống kê từ 26/28 Hội đồng - dựa theo danh sách ứng viên đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2021, 2022, 2023 do Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố).
Hà Nội là nơi công tác chủ yếu của các giáo sư, phó giáo sư
Theo đó, hàng năm có khoảng 25-26/63 tỉnh, thành phố có ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư đang công tác. Trong đó, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế là 6 tỉnh, thành phố tập trung đông số lượng giáo sư, phó giáo sư đang công tác nhất (liên tiếp trong 3 năm gần nhất đều thuộc top 6 địa phương có nhiều giáo sư, phó giáo sư nhất).
Đây cũng là những địa phương được xem là trung tâm kinh tế-xã hội của đất nước, nơi tập trung nhiều cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu... đặc biệt là 2 đại học quốc gia và các đại học vùng.
Thành phố Hà Nội là nơi tập trung nhiều nhất số lượng giáo sư, phó giáo sư được công nhận hàng năm (chiếm khoảng hơn 50% số lượng giáo sư, phó giáo sư cả nước - xét theo đơn vị công tác).
Cụ thể, năm 2023, thành phố Hà Nội có 288/588 ứng viên (26/28 Hội đồng) đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư đang công tác tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, bệnh viện, hay một số Bộ, ban, ngành,... (chiếm 48,98%).
Năm 2022, số lượng là 183/346 ứng viên được công nhận, chiếm 52,89%.
Năm 2021, số lượng là 210/362 ứng viên được công nhận, chiếm 58,01%.
Trong khi đó, tỷ lệ này ở 5 thành phố còn lại có phần khiêm tốn hơn. Xếp sau Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng giáo sư, phó giáo sư đang công tác, với 140/588 ứng viên năm 2023, chiếm 23,81%. Con số này chỉ bằng khoảng 1/2 số lượng giáo sư, phó giáo sư đang làm việc tại Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, số lượng giáo sư, phó giáo sư đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh so với Hà Nội trong 3 năm qua như sau, năm 2023: 140/288, năm 2022: 70/183, năm 2021: 69/210.
Cần Thơ đứng thứ 3, với 32/588 ứng viên (năm 2023), chiếm 5,44%. 3 địa phương còn lại lần lượt là: Thái Nguyên 29/588 ứng viên (năm 2023), chiếm 4,93%; Đà Nẵng 21/588 ứng viên (năm 2023), chiếm 3,57%; Thừa Thiên Huế 18/588 ứng viên (năm 2023), chiếm 3,06%.
Xét theo vùng kinh tế, Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung đông nhất số lượng giáo sư, phó giáo sư đang làm việc - chiếm hơn 50% số lượng giáo sư, phó giáo sư cả nước.
Xếp thứ 2 là vùng Đông Nam Bộ, khoảng trên 20%.
Đứng thứ 3 là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, khoảng trên 8%.
Đứng thứ 4 là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng trên 6%.
Xếp thứ 5 là vùng Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, chiếm khoảng trên 3%.
Tây Nguyên là vùng có ít giáo sư, phó giáo sư đang công tác nhất - chưa đến 1% (mỗi năm toàn vùng chỉ có từ 2 đến 5 ứng viên được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư).
Top 10 đơn vị có số giáo sư, phó giáo sư được công nhận nhiều nhất năm 2023
10 đơn vị có số giáo sư, phó giáo sư được công nhận nhiều nhất năm 2023 bao gồm 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng, 1 đại học đại học mới được thành lập theo Luật Giáo dục đại học 2028 (Đại học Bách khoa Hà Nội), một viện nghiên cứu và 1 cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Quốc phòng.
Cụ thể, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị có nhiều ứng viên đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư nhất, 38/588 ứng viên (chiếm 6,46%), trong đó có 2 giáo sư, 36 phó giáo sư. Cùng xếp thứ 2 với 34/588 ứng viên đạt chuẩn cả nước (chiếm 5,78%) là Đại học Quốc gia Hà Nội (7 giáo sư, 27 phó giáo sư) và Đại học Bách khoa Hà Nội (5 giáo sư, 29 phó giáo sư).
Các đơn vị còn lại lần lượt là: Đại học Thái Nguyên (29/588); Trường Đại học Cần Thơ (24/588); Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/588); Đại học Huế (18/588); Đại học Đà Nẵng (18/588); Học viện Kỹ thuật Quân sự (15/588), Trường Đại học Y Hà Nội 13/588).
Năm 2023, cả nước có khoảng gần 82.000 giảng viên toàn thời gian - tăng hơn so với các năm trước (số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tuy nhiên, số lượng giáo sư, phó giáo sư lại có xu hướng giảm.
Cụ thể, năm 2022, trong gần 80.000 giảng viên đại học, có 760 giáo sư (chiếm 0,95%), 5.331 phó giáo sư (chiếm 6,67%) tham gia giảng dạy toàn thời gian. Tuy nhiên, đến năm 2023, mặc dù số giảng viên đại học tăng thêm gần 2000 giảng viên so với năm 2022 (khoảng gần 82.000 giảng viên), nhưng số lượng giáo sư, phó giáo sư lại giảm: giáo sư giảm 49 người, còn 711 giảng viên (chiếm 0,87%); phó giáo sư giảm 39 người, còn 5.292 giảng viên (chiếm 6,47%).
Quy mô giáo dục đại học ngày càng tăng, tuy nhiên số lượng giáo sư, phó giáo sư hầu như không tăng và lại có xu hướng thay đổi không ổn định theo từng năm.