Khoảng 40% việc làm toàn cầu bị ảnh hưởng bởi AI

Cơn sóng AI lan rộng toàn cầu không chỉ mang theo kỳ vọng về một cuộc cách mạng công nghệ mà còn đặt ra những thách thức sâu sắc đối với thị trường lao động thế giới.

Theo báo cáo mới công bố của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động đến 40% tổng số việc làm trên toàn cầu, một con số cho thấy quy mô ảnh hưởng chưa từng có của công nghệ này.

Không chỉ dừng ở việc thay đổi cách con người làm việc, AI đang tái định hình toàn bộ cấu trúc kinh tế. UNCTAD dự báo thị trường AI toàn cầu sẽ đạt giá trị 4.800 tỷ USD vào năm 2033, tương đương với quy mô hiện tại của nền kinh tế Đức.

Đây là một phần trong xu hướng tăng trưởng vượt bậc của các công nghệ tiên phong, bao gồm Internet, blockchain, 5G, in 3D và AI, những lĩnh vực đã tạo ra thị trường trị giá khoảng 2.500 tỷ USD trong năm 2023. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng gấp 6 lần, đạt 16.400 tỷ USD vào năm 2033.

Tuy nhiên, báo cáo cũng gửi đi một thông điệp cảnh báo: AI có thể trở thành chất xúc tác làm trầm trọng thêm bất bình đẳng toàn cầu nếu không được kiểm soát kịp thời.

Điểm khác biệt đáng kể giữa cuộc cách mạng AI và các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây là AI không chủ yếu thay thế lao động chân tay, mà nhắm đến các ngành nghề có hàm lượng tri thức cao. Điều này đồng nghĩa với việc những quốc gia phát triển, nơi tập trung nhiều ngành nghề trình độ cao sẽ chịu tác động lớn hơn. Nhưng ngược lại, họ cũng có lợi thế vượt trội để tận dụng sức mạnh của AI so với các nước đang phát triển.

UNCTAD cảnh báo rằng công nghệ này có thể làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo toàn cầu, vì lợi ích từ quá trình tự động hóa thường rơi vào tay các chủ sở hữu vốn, thay vì người lao động. Trong khi đó, những nền kinh tế vốn dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ có nguy cơ mất đi vị trí cạnh tranh khi máy móc và AI trở thành lựa chọn ưu tiên cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Một trong những lo ngại lớn nhất là sự tập trung quyền lực công nghệ vào tay một nhóm rất nhỏ. Hiện tại, chỉ khoảng 100 công ty, phần lớn đặt trụ sở tại Mỹ và Trung Quốc, đang chiếm tới 40% tổng chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) của khối doanh nghiệp toàn cầu trong lĩnh vực AI. Điều này làm dấy lên mối lo ngại rằng AI có thể trở thành công cụ độc quyền phục vụ cho lợi ích của một vài quốc gia và tập đoàn lớn.

Trong khi đó, 118 quốc gia chủ yếu thuộc khu vực Nam Bán Cầu, vẫn đứng ngoài các cuộc thảo luận quốc tế quan trọng về quản lý AI. Theo UNCTAD, nếu các nước đang phát triển không có tiếng nói trong quá trình xây dựng khung pháp lý toàn cầu cho AI, họ có nguy cơ trở thành “người ngoài cuộc” trong cuộc chơi định hình tương lai công nghệ.

Bà Rebeca Grynspan - Tổng thư ký UNCTAD, nhấn mạnh: “Con người phải là trung tâm trong sự phát triển của AI”. Bà kêu gọi một cơ chế hợp tác quốc tế chặt chẽ hơn, nhằm thiết lập các tiêu chuẩn và quy định chung để đảm bảo rằng AI phục vụ lợi ích toàn nhân loại, thay vì chỉ làm giàu cho một số quốc gia và doanh nghiệp.

UNCTAD khuyến nghị các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, cần nhanh chóng đầu tư vào hạ tầng số, nâng cao năng lực số và xây dựng các chính sách quản trị công nghệ tiên tiến. Bên cạnh đó, việc đào tạo lại kỹ năng, nâng cao tay nghề và hỗ trợ lực lượng lao động thích ứng với AI là nhiệm vụ cấp bách để hạn chế tổn thương và khai thác tối đa tiềm năng mà AI mang lại.

AI không chỉ thay thế công việc, nó có thể tạo ra những ngành công nghiệp mới, mở ra cơ hội phát triển vượt bậc. Nhưng để điều đó thành hiện thực, thế giới cần cùng nhau hành động, với tinh thần công bằng, bền vững và bao trùm.

Hùng Nguyễn (tổng hợp)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/khoang-40-viec-lam-toan-cau-bi-anh-huong-boi-ai-317116.html
Zalo