Thị trường toàn cầu tiếp tục hỗn loạn vì 'liều thuốc' thuế quan của ông Trump
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chao đảo trong cơn sóng gió kinh tế chưa từng thấy trong ngày 7/4, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ rõ kiên định với các biện pháp thuế đối ứng toàn diện mà ông gọi là 'liều thuốc' để sửa chữa cán cân thương mại.
Chỉ trong vài giờ đầu của phiên giao dịch ngày 7/4, thị trường châu Á chứng kiến sự sụp đổ đồng loạt. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm mạnh 8%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) lao dốc tới 12%, đánh dấu ngày tồi tệ nhất trong hơn 16 năm. Các cổ phiếu công nghệ lớn của Trung Quốc đại lục như Alibaba và Tencent mất hơn 8% giá trị, kéo chỉ số Shanghai Composite giảm 8,4%.
Đài Loan (Trung Quốc) cũng ghi nhận mức sụt giảm kỷ lục gần 10% ngay khi mở cửa, với TSMC và Foxconn là tâm điểm của cơn bão bán tháo, trong khi chỉ số Kospi ở Hàn Quốc buộc phải tạm dừng giao dịch trong 5 phút khi cổ phiếu trượt dốc không phanh.
Sang đến châu Âu, tình hình cũng không khả quan hơn khi chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 6%, Dax của Đức lao dốc gần 10%, còn CAC 40 của Pháp và FTSE MIB của Ý lần lượt mất 4% và 6%. Thị trường Australia cũng không nằm ngoài vòng xoáy, với hơn 160 tỷ AUD bị "xóa sổ" trong phiên giao dịch đầu giờ.

Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục "chao đảo" trong ngày 7/4 vì "liều thuốc" thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Guardian
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như không nao núng trước những khoản lỗ khổng lồ đã và đang "thổi bay" hàng nghìn tỷ USD giá trị cổ phiếu trên toàn thế giới. Phát biểu trên Không lực Một tối 6/4 (giờ Mỹ), ông khẳng định các chính phủ nước ngoài sẽ phải trả "rất nhiều tiền" nếu muốn Mỹ dỡ bỏ các mức thuế đối ứng khắc nghiệt này.
"Tôi không muốn bất cứ thứ gì giảm xuống, nhưng đôi khi bạn phải uống thuốc để chữa lành một điều gì đó," Tổng thống Trump nói với các phóng viên, và nhấn mạnh Washington sẽ không nhượng bộ trừ khi các quốc gia khác xóa bỏ thâm hụt thương mại với Mỹ. Ông Trump cũng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ – nhưng chỉ khi Bắc Kinh cam kết cân bằng cán cân thương mại với Washington.
Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump, mặt khác, lại cố gắng xoa dịu dư luận. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định "không có lý do gì" để dự đoán suy thoái, khi viện dẫn mức tăng trưởng việc làm mạnh mẽ của Mỹ trước khi các biện pháp thuế đối ứng được công bố. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cũng bác bỏ cáo buộc rằng thuế quan là công cụ để ép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ hạ lãi suất, và cam kết không có "sự ép buộc chính trị" nào đối với Ngân hàng Trung ương Mỹ.
Tuy nhiên, những lời trấn an này dường như không đủ sức ngăn chặn làn sóng bán tháo. Hợp đồng tương lai của các chỉ số lớn tại Phố Wall như Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều lao dốc mạnh trong đêm 6/4, với S&P 500 giảm 14%, Dow Jones mất 12%, còn Nasdaq giảm tới 16%. Điều này báo hiệu một ngày giao dịch đầy biến động khi thị trường Mỹ mở cửa trở lại
ĐỌC NGAY: Nhiều quốc gia nỗ lực đàm phàn với Mỹ sau khi thuế quan được công bố
Các nhà kinh tế và chuyên gia tài chính tỏ ra bi quan hơn bao giờ hết. JPMorgan ước tính mức thuế đối ứng sẽ khiến GDP của Mỹ giảm 0,3% trong năm nay, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng trưởng 1,3% trước đó, đồng thời đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên 5,3% từ mức 4,2% ở thời điểm hiện tại. Khả năng suy thoái tại Mỹ trong vòng 12 tháng tới được ngân hàng này nâng lên 60%, trong khi S&P Global đưa ra con số từ 30% đến 35%.
Tony Sycamore, nhà phân tích từ tập đoàn giao dịch IG, cảnh báo nếu Tổng thống Trump không rút lại các biện pháp thuế quan, thị trường có thể đối mặt với một "sự kiện thanh khoản" nghiêm trọng, khi dòng tiền bị hút cạn khỏi mọi loại tài sản. Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thậm chí gọi đây là "chính sách kinh tế gây tổn hại nhất" kể từ Thế chiến II, phản ánh sự thất vọng ngày càng lớn trong giới chuyên gia.
Áp lực từ các nhà đầu tư trong nước cũng đang gia tăng. Tỷ phú Bill Ackman, người từng ủng hộ Tổng thống Trump, kêu gọi tạm dừng thuế quan để tránh "chiến tranh hạt nhân kinh tế", đồng thời cảnh báo nhà lãnh đạo Mỹ đang mất lòng tin của giới doanh nghiệp.
Khi Tổng thống Trump trở lại bang Florida chơi golf và đăng video về cú đánh của mình lên mạng xã hội, thế giới tài chính vẫn đang chờ đợi một dấu hiệu rõ ràng: liệu đây là chiến thuật đàm phán ngắn hạn hay sẽ là một kỷ nguyên kinh tế mới đầy bất ổn. Dù thế nào, "liều thuốc" của ông Trump ở thời điểm hiện tại không chỉ khiến thị trường chao đảo mà còn làm lung lay niềm tin vào sự ổn định kinh tế toàn cầu.