Khoảng 150 doanh nghiệp được tham gia thí điểm thị trường carbon Việt Nam
Trong thời gian thí điểm, chỉ khoảng 150 doanh nghiệp được phân bổ hạn ngạch và tham gia thị trường carbon Việt Nam.
Hình thành thị trường carbon là một giải pháp quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Trưởng phòng Kinh tế và thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, Quyết định 13/2024/QĐ-TTg đã chỉ rõ những lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải… Theo quyết định này, có 2.166 cơ sở phải thực hiện kiểm kê.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vận hành thí điểm, chỉ có các cơ sở phát thải lớn được đưa vào thị trường carbon (khoảng 150 doanh nghiệp), thuộc các lĩnh vực: sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện.
Hạn ngạch sẽ được phân bổ 100% miễn phí trong giai đoạn thí điểm thị trường carbon. Tỉ lệ tối đa tín chỉ carbon được sử dụng để bù trừ cho hạn ngạch là 20%.
Hoạt động trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước dựa trên 3 cơ chế: (1) Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế theo thỏa thuận hoặc điều ước quốc tế giữa Chính phủ Việt Nam và bên ký kết nước ngoài; (2) Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (3) Cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế khác.
Theo Cục Biến đổi Khí hậu, đến tháng 6/2025 sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Hiện tại, quy định và lộ trình đã có nhưng việc triển khai cần phải được đánh giá, tính toán cụ thể, đảm bảo hệ thống trao đổi hạn ngạch phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của Việt Nam.
Bộ Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch. Sau đó, Việt Nam sẽ vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và dự kiến kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.
Theo các chuyên gia, để phát triển thị trường carbon, bên cạnh chuẩn hóa khung chính sách và hành lang pháp lý, Việt Nam cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về thị trường tín chỉ carbon, xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và quốc tế thông qua việc tham gia các cơ chế carbon toàn cầu...