'Khoán tăng trưởng' gắn với phân quyền, phân cấp
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 là một thách thức lớn, nhưng phải quyết tâm đạt được và có khả năng đạt được.
Thưa Bộ trưởng, để thực hiện các mục tiêu Kế hoạch năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây là hai nghị quyết được ban hành thường niên, nhưng năm nay có điểm gì khác biệt không?
Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ là văn bản được ban hành hàng năm, mang tính định hướng để Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại các Kết luận, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2025, các nghị quyết này được xây dựng trong bối cảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, về đích của Kế hoạch 5 năm 2021-2025; đồng thời cũng là thời điểm “bước ngoặt” để chuẩn bị, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết đã nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ đối với các cấp, các ngành, các địa phương là phải quyết tâm cao, phấn đấu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu đạt hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn. Còn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là Hà Nội, TP.HCM, các địa phương tiềm năng, các thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước để phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa.
Đặc biệt, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng, đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước năm 2025 để theo dõi, đánh giá định kỳ. Đây là điểm rất mới so với các Nghị quyết 01 hàng năm; bám sát chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư về “khoán tăng trưởng” gắn với phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Năm 2025, mức tăng trưởng được “khoán” là 8%. Làm thế nào để có thể đạt được mục tiêu đó, thưa Bộ trưởng? Nghị quyết số 01 đã đưa ra những giải pháp quan trọng nào?
Mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên là rất thách thức, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra tại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%). Mục tiêu này đã thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội năm 2025, năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”, Nghị quyết số 01 đã xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, xác định đột phá về thể chế là “đột phá của đột phá”. Theo đó, thể chế phải đi sớm, đi trước mở đường cho đột phá phát triển. Phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, từ đó khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển đất nước.
Thứ hai, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; đồng thời tạo đột phá thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới, tiên tiến; xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng; xây các khu thương mại tự do tại một số thành phố trọng điểm.
Thứ ba, xây dựng các chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho những dự án tồn đọng kéo dài trong mọi lĩnh vực ở các địa phương, trong đó có các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, không để lãng phí nguồn lực.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược; nghiên cứu khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Phấn đấu hết năm 2025, hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài; khởi công đường sắt kết nối với Trung Quốc, tiếp tục các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; hoàn thiện việc xây dựng các dự án khả thi đường sắt Bắc - Nam, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận…
Làm sao để triển khai thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp này, thưa Bộ trưởng?
Năm 2024 là năm mà nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng rồi chúng ta đã vượt qua để đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Năm 2025, dự báo tiếp tục có những yếu tố thuận lợi, khó khăn đan xen, có thể tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam.
Thuận lợi, thời cơ là, chúng ta đã có tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển về kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; có sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị về việc cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng và toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế.
Hơn thế, chúng ta có thể kế thừa, phát huy mạnh mẽ kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực và địa phương trong năm 2024. Chúng ta có niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Chúng ta, từ vị thế mới trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu, cũng có cơ hội để thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại…
Đồng thời, cũng có những khó khăn, thách thức như tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, rủi ro gia tăng; xu hướng phân tách, phân cực ngày càng rõ nét; sức ép cạnh tranh gia tăng ở cả thị trường xuất khẩu và trong nước; xu hướng gia tăng hàng rào thương mại, thuế quan để bảo hộ sản xuất; các yếu tố an ninh phi truyền thống, thiên tai, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số tác động, ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng...
Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 8% đúng là một thách thức. Đây là một mức tăng trưởng cao, nhưng chúng ta cần quyết tâm đạt được để tạo đà tăng trưởng bứt phá cho kỷ nguyên phát triển mới. Chính phủ đã đưa ra giải pháp, các bộ, ngành, địa phương, toàn hệ thống chính trị phải quyết tâm thực hiện và thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra.
Bộ trưởng vừa chỉ ra những thuận lợi, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Vậy trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam có thể trông chờ vào những động lực tăng trưởng nào, thưa Bộ trưởng?
Có 5 động lực tăng trưởng tôi cho là rất quan trọng trong năm 2025.
Thứ nhất, sự đoàn kết, tinh thần đột phá, đổi mới của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Thứ hai, những thành tựu phát triển năm 2024 sẽ được tiếp nối, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2025. Như tôi đã nói ở trên, là các ngành, các địa phương động lực phải phấn đấu tăng trưởng bứt phá, cao hơn năm 2024. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM phải phấn đấu tăng trưởng 8-10% để phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược; trong đó, thể chế được xác định là “đột phá của đột phá”, từ đó tập trung tháo gỡ, hoàn thiện, nhằm giải phóng mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực đang bị tồn đọng.
Năm 2025 là năm có nhiều thuận lợi trong giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành. Do đó, sẽ đóng góp ngay cho tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới cho các vùng, các địa phương.
Thứ tư, sự ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội và triển vọng tăng trưởng, phát triển của nước ta. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cam kết đầu tư, gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ năm, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh tế mới, động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế và khu vực…
Vậy còn câu chuyện thể chế. Làm thế nào để có thể tạo “đột phá của đột phá”, từ đó đưa nền kinh tế tăng tốc, phát triển, thưa Bộ trưởng?
Năm 2025 chính là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định. Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, liên quan đến vấn đề thể chế, chúng ta cần tiếp tục rà soát quy định của các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh để có thể sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chúng ta cũng cần nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vượt trội, bao gồm các chính sách đột phá về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để tạo đột phá mạnh mẽ về môi trường đầu tư, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, tổng kết, đánh giá việc thí điểm các chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quy hoạch, đầu tư, đất đai, môi trường… tại các địa phương để có cơ sở xây dựng, hoàn thiện chính sách thu hút nguồn lực đầu tư phát triển trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu các mô hình kinh tế mới, các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực tăng trưởng mới; đi tắt đón đầu cùng xu thế phát triển của thế giới. Trước mắt, triển khai hiệu quả các đề án trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, các khu thương mại tự do tại một số địa phương, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn…
Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…
Với những nỗ lực này, chúng ta có thể hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cho năm 2025.