Nhiều động lực mạnh mẽ để Đà Nẵng vươn mình phát triển trong kỷ nguyên mới

Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội vươn mình phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới nhờ vị thế chiến lược, nền tảng nội sinh vững mạnh, đồng thời được Trung ương trao cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội. Thành phố quyết tâm nắm bắt thời cơ, khẩn trương hiện thực hóa các cơ chế, chính sách đặc thù để trở thành động lực phát triển, tạo đột phá về kinh tế, xã hội.Trước thềm năm mới Ất Tỵ - 2025, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã chia sẻ với Chuyên đề Công an TP Đà Nẵng về những thành tựu nổi bật trong năm vừa qua cũng như niềm tin, khát vọng và định hướng phát triển thành phố trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh

PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật của Đà Nẵng trong thực hiện chủ đề năm “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Ngay từ đầu năm 2024, UBND TP đã tích cực triển khai nghị quyết của Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP, đặc biệt là chủ đề năm nên đã đạt được một số kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng GRDP ước đạt 7,51%, quy mô kinh tế hơn 151 ngàn tỷ đồng (mở rộng 17 ngàn tỷ đồng), thu ngân sách 25.760 tỷ đồng (vượt hơn 33% dự toán). Thành phố đã tích cực tham mưu để Trung ương ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, điển hình nhất là Kết luận số 79-KL/TW ngày 13-5-2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kết luận số 77-KL/TW ngày 2-5-2024 về Đề án “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”, Thông báo số 47-TB/TW ngày 15-11-2024 về kết luận về việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam; Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26-6-2024 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, tạo động lực mới để Đà Nẵng tiếp tục đề ra những hướng đi mới với tư duy bứt phá mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong quá trình xây dựng, phát triển thành phố phù hợp bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, năm 2024 TP đã đồng bộ các quy hoạch, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, huy động nguồn lực lớn từ ngoài ngân sách, tập trung phát triển lĩnh vực du lịch dịch vụ, thương mại, lĩnh vực chuyển đổi số, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo... đạt những kết quả đáng trân trọng, được Trung ương và các tổ chức ghi nhận, đánh giá cao. Cụ thể, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ, khởi sắc, thu hút khách quốc tế đã đạt mức tăng ấn tượng. Tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 10,9 triệu lượt, tăng hơn 32%, trong đó khách quốc tế ước đạt 4,1 triệu lượt, tăng 36,3%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành ước đạt 53.151 tỷ đồng, tăng hơn 22%. Thị trường bán lẻ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 75.554 tỷ đồng, tăng hơn 12%. Ngành công nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục khẳng định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố với doanh thu hoạt động thông tin và truyền thông ước đạt 18.486 tỷ đồng, tăng gần 9%. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. TP Đà Nẵng cũng ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội đầy tính nhân văn, thực hiện tốt công tác phân cấp ủy quyền và tiến hành sắp xếp các đơn vị phường theo nghị quyết của Quốc hội, đã hoàn thành nhiều công trình động lực, trọng điểm. Có thể nói, những kết quả nổi bật trên tạo nền tảng, tiền đề quan trọng để Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ tới đây.

PV: Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án sẽ góp phần quan trọng khơi thông nguồn lực phát triển, thực hiện chủ đề năm 2024. Đồng chí cho biết rõ thêm những kết quả đã đạt được?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Trong thời gian dài rất nhiều dự án trên địa bàn Đà Nẵng bị đình trệ bởi vướng mắc liên quan tới quy hoạch, các kết luận thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng đến thu hút đầu tư cũng như giữ chân các nhà đầu tư đã gắn bó với Đà Nẵng. Do đó, TP đã tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp về rà soát quy hoạch, cơ sở pháp lý, nghĩa vụ tài chính, thể hiện rõ quan điểm, hành động trong việc tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực của chính quyền TP. Sau khi Trung ương có Kết luận số 77-KL/TW, Quốc hội có nghị quyết về tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại 3 địa phương, trong đó chủ yếu các dự án tại Đà Nẵng thì TP đã ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên 1.300 dự án mà UBND TP tự kiểm tra, rà soát theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nhằm góp phần khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

PV: Xin đồng chí cho biết những cơ chế, chính sách đặc thù Trung ương trao cho Đà Nẵng vừa qua sẽ mở ra cơ hội phát triển thế nào cho thành phố trong thời gian tới?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển như thành lập Khu thương mại tự do (TMTD), lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, cơ chế chính sách về phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... Ngoài ra, Đà Nẵng cũng được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. TP gần như đã có các cơ sở chính trị để cùng với các cơ quan Trung ương nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội cạnh tranh để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển. Có thể nói cơ chế đầu tư, phát triển ngành vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Khu TMTD gắn với cảng Liên Chiểu, Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam... được xem là những động lực phát triển mới đủ mạnh giúp Đà Nẵng vượt qua “điểm nghẽn” phát triển hiện nay, tạo đột phá trong thời gian tới.

Đà Nẵng tập trung đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn.

Đà Nẵng tập trung đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn.

PV: Trong cơ chế đặc thù phát triển Đà Nẵng thì Khu thương mại tự do là nội dung rất mới, xin đồng chí cho biết về triển vọng Khu TMTD sẽ mang lại cho sự phát triển thành phố?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Hiện nay TP đã hoàn thành Đề án thành lập Khu TMTD Đà Nẵng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Khu TMTD dự kiến được triển khai tại 10 vị trí không liền kề, đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt hơn 2.317ha. Đây là Khu TMTD đầu tiên được tích hợp các chức năng logistics gắn với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các chức năng phụ trợ khác nhằm tận dụng tối đa lợi thế phát triển của thành phố. Đặc biệt, Khu TMTD còn gắn với lộ trình phát triển trong tương lai của cảng biển Liên Chiểu và cả sân bay quốc tế Đà Nẵng, là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế, góp phần thu hút mạnh mẽ các dòng vốn đầu tư trong nước và FDI vào thành phố, vùng động lực miền Trung. Theo tính toán, Khu TMTD có thể đóng góp 8-9% GRDP TP vào năm 2030 và tăng lên 25% vào năm 2050, đồng thời thu hút một lực lượng lớn lao động và chuyên gia trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao (41 ngàn lao động năm 2030 và 137 ngàn lao động năm 2050).

PV: Để đạt được mục tiêu, kỳ vọng phát triển đó, trong thời gian tới thành phố sẽ triển khai các giải pháp gì thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trung Chinh: Năm 2025 có ý nghĩa quan trọng, là năm kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng TP Đà Nẵng; tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến hành sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, cũng là năm TP sẽ triển khai hiệu quả các chủ trương lớn của Trung ương về tháo gỡ khó khăn cũng như cơ chế, chính sách, định hướng phát triển thời gian tới. Đây cũng là năm nhằm định hướng tiền đề xây dựng các chỉ tiêu cho nhiệm kỳ 2025-2030 với những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi phải nỗ lực hết mình, trách nhiệm cao nhất, nhất là người đứng đầu các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện ngay từ những ngày đầu năm.

Bám sát chủ đề “Năm tập trung sắp xếp tinh gọn bộ máy gắn với cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai hiệu quả tổ chức chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế”, TP sẽ tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả”. Với mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 trên 10% thì bên cạnh giải pháp duy trì tăng trưởng ngành kinh tế mũi nhọn dịch vụ, du lịch, TP sẽ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Năm 2024 TP phê duyệt gần 90 dự án đầu tư ngoài ngân sách để thu hút gần 60 ngàn tỷ đồng. Các dự án này cùng với công trình đầu tư công của thành phố sẽ góp phần rất đáng kể phát triển ngành xây dựng, đóng góp cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm 2025 TP sẽ tích cực tháo gỡ cho những dự án vướng mắc để sớm khởi công xây dựng, tạo động lực tăng trưởng, tránh lãng phí đất đai, nguồn lực.

Song song với đó, TP tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư; hỗ trợ, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. TP sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai 3 khâu đột phá thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch gồm sản phẩm du lịch, thị trường - đường bay, chất lượng dịch vụ. TP sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư đầu tư Bến cảng Liên Chiểu (phần kêu gọi đầu tư); triển khai xây dựng Nhà ga hàng hóa có công suất khai thác 100.000 tấn hàng hóa/năm và Mở rộng nhà ga T1 - Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng; đưa vào vận hành Khu Công viên phần mềm số 2, trong đó có các phòng LAB dành cho đào tạo vi mạch và AI...

Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đó, bên cạnh nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đòi hỏi quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhất từ đội ngũ cán bộ công chức. Đặc biệt năm 2025 sẽ tiến hành sắp xếp các sở ngành, phường xã, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải ổn định công việc ngay, không xao nhãng, phải giải quyết hồ sơ tồn đọng trước khi sắp xếp. Việc sắp xếp chỉ là hành chính nhưng công việc vẫn phải trôi chảy. Cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ cán bộ công chức tận tâm, sáng tạo, cống hiến hết mình cho công việc thì thành phố tiếp tục siết chặt kỷ luật kỷ cương, quyết tâm loại bỏ thái độ làm việc cầm chừng, sợ sai, né tránh, đùn đẩy của cán bộ trong thực thi công vụ. Tất cả để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, tạo ra động lực, khí thế, sức bật, góp phần đưa Đà Nẵng phát triển vươn mình trong kỷ nguyên mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

HẢI QUỲNH (thực hiện)

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-dong-luc-manh-me-de-da-nang-vuon-minh-phat-trien-trong-ky-nguyen-moi-post307938.html
Zalo