Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện; coi đây là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những kết quả nổi bật
Sơn La là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh đối ngoại trong vùng Tây Bắc và Trung du miền núi Bắc Bộ, với nhiều tiềm năng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình vùng miền phù hợp cho phát triển nông nghiệp với các sản phẩm đa dạng (đặc biệt là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trải nghiệm), du lịch (nông nghiệp, lòng hồ), năng lượng tái tạo.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm quan các sản phẩm của Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã triển khai 68 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), gồm: 4 dự án Chương trình Nông thôn miền núi, 1 nhiệm vụ cấp thiết địa phương cấp Quốc gia và 63 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Các nhiệm vụ được định hướng vào giải quyết những vấn đề thiết thực của địa phương, với trên 50% nhiệm vụ tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được ứng dụng hiệu quả vào việc cải tạo giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản có lợi thế, như: Thanh long ruột đỏ, chè Shan tuyết, cà phê, hồng giòn Mộc Châu, hoa lan, hoa ly, cá lăng, cá tầm… Nhiều giống cây trồng quý của tỉnh được phục tráng, bảo tồn và phát triển, như: Lúa nếp Tan Lương, lúa tẻ Dao, xoài Yên Châu, khoai sọ mán. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và thu nhập cho nông dân.
Hoạt động KH&CN đã tác động tích cực đến từng khâu, từng sản phẩm, góp phần phát triển hơn 85.000 ha diện tích trồng cây ăn quả Sơn La hiện có, 218 mã số vùng trồng, 204 sản phẩm OCOP, 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì, phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn phục vụ các thị trường tiêu thụ.

Hội thảo tổng kết hoạt động vận hành quản lý và khai thác sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Thanh long Sơn La”.
Công tác sở hữu trí tuệ (SHTT) được tỉnh đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2021–2025, đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản của tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2024, tỉnh đã phối hợp với Cục SHTT trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho 5 sản phẩm mới, gồm: Thanh long Sơn La, mắc ca Sơn La, dứa Sơn La, rượu Hang Chú và chè Tà Xùa của huyện Bắc Yên, nâng tổng số sản phẩm được bảo hộ của toàn tỉnh lên 31 sản phẩm. Sản phẩm xoài tròn Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu không chỉ được bảo hộ trong nước mà còn được bảo hộ tại nước ngoài (theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới), khẳng định uy tín, chất lượng trên thị trường quốc tế.
Chuyển đổi số trong hoạt động quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Việc duy trì hoạt động có hiệu quả 100% hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh được kết nối, chia sẻ với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); 100% sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã cung cấp dữ liệu mở trên Cổng dữ liệu mở tỉnh Sơn La; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan Nhà nước được thực hiện trên Nền tảng quản trị tổng thể của tỉnh; 100% các sở, ban, ngành của tỉnh sử dụng nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu (là một thành phần của nền tảng IOC tỉnh), có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh tại thành phố Sơn La, bao gồm: Hệ thống phản ánh hiện trường “Son La Smart”; Hệ thống giám sát, điều hành và xử lý vi phạm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố; tích hợp thành công phân hệ phản ánh hiện trường từ IOC thành phố lên IOC tỉnh.
Các dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu quản lý được ứng dụng công nghệ số giúp nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã áp dụng các công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, giúp rút ngắn khoảng cách địa lý cho nông sản Sơn La vươn ra thị trường lớn.
Tỉnh đã ban hành và triển khai Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025, tạo môi trường thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo được nuôi dưỡng. Trung tâm hỗ trợ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh được thành lập với kỳ vọng sẽ trở thành “vườn ươm” cho các dự án khởi nghiệp khoa học công nghệ trong tương lai gần.
Ghi dấu Giải thưởng KH&CN
Năm 2024, ghi dấu khi lần đầu tiên Giải thưởng KH&CN tỉnh Sơn La được tổ chức, nhằm tôn vinh những công trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ xuất sắc, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy phong trào nghiên cứu, sáng tạo rộng rãi trong toàn tỉnh. Được phát động từ tháng 7/2024, sau 4 tháng đã có 17 hồ sơ từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi tham dự, thuộc 4 lĩnh vực: khoa học xã hội & nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật – công nghệ và khoa học nông nghiệp. Hội đồng khoa học của tỉnh đã chọn được 11 công trình xứng đáng trao giải, gồm 2 giải B, 4 giải C và 5 giải Khuyến khích.

Lễ trao Giải thưởng khoa học và công nghệ lần thứ nhất năm 2024. Ảnh: PV
Tiêu biểu trong các công trình đoạt giải có thể kể đến, như: Nghiên cứu tuyển chọn giống và biện pháp kỹ thuật cho một số cây ăn quả phù hợp điều kiện sinh thái tỉnh Sơn La, đây là công trình khoa học nông nghiệp có ý nghĩa thực tiễn cao, đã khảo nghiệm và tuyển chọn được những giống cây ăn quả mới phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu của Sơn La, đồng thời đề xuất quy trình kỹ thuật canh tác tối ưu cho các giống này. Hay công trình “Nghiên cứu một số giải pháp giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp cho nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La” đã đề xuất các giải pháp khoa học nhằm giảm thiểu rủi ro về thiên tai, thị trường cho người nông dân; cung cấp luận cứ để tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân ứng phó hiệu quả hơn với biến động thời tiết và giá cả nông sản, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Cùng với các công trình trên, còn có nhiều đề tài khác, như: Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống khoai sọ mán – một đặc sản bản địa; nghiên cứu ứng dụng tinh dầu thảo dược xua đuổi sâu hại trên cây khoai lang; nghiên cứu kỹ thuật nhân giống cây dược liệu đẳng sâm, sa nhân tím gắn với bảo vệ rừng… tất cả đều thể hiện tâm huyết và trí tuệ của đội ngũ trí thức Sơn La.

Giảng viên khoa Nông - Lâm, Trường Đại học Tây Bắc hướng dẫn sinh viên phân tích tiêu bản thực vật. Ảnh: PV
Có thể nói, các công trình đoạt Giải thưởng KH&CN tỉnh lần thứ nhất đã bao quát nhiều lĩnh vực từ khoa học xã hội, tự nhiên đến kỹ thuật, nông nghiệp, phản ánh hoạt động nghiên cứu đa dạng và phong phú của tỉnh. Những kết quả này không chỉ khẳng định năng lực nghiên cứu của các cá nhân, tập thể Sơn La mà quan trọng hơn, mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng – từ việc bảo tồn văn hóa lịch sử, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đến nâng cao hiệu quả sản xuất, đời sống người dân.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tây Bắc, cho biết: Trường Đại học Tây Bắc hiện có có 9 trung tâm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được Sở KH&CN các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cấp giấy chứng nhận đơn vị hoạt động khoa học công nghệ. Giải thưởng KH&CN tỉnh Sơn La góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học; vận động, tuyên truyền, khuyến khích, động viên, thu hút đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đột phá phát triển khoa học, công nghệ
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và kế hoạch hành động của Tỉnh ủy và các kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh sẽ là những đóng góp mang tính then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Ngày 10/4/2025, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 818/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh (Ban Chỉ đạo 818). Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 818, yêu cầu: Các thành viên Ban chỉ đạo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; xây dựng, bổ sung kế hoạch hoạt động của ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách đảm bảo phù hợp; thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công, đề xuất giải pháp khắc phục khó khăn vướng mắc, các nhiệm vụ phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. Các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Họp Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh: PV
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành, đơn vị, địa phương đang đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình và đầu vào sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Trọng tâm của quản lý Nhà nước không còn là cách thức thực hiện mà là kết quả nghiên cứu mang lại và tác động thực tiễn đến phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường quyền tự chủ cho các tổ chức, cá nhân và chủ nhiệm đề tài trong triển khai nhiệm vụ, quản lý bộ máy. Từ đó, tạo động lực đổi mới, thúc đẩy tinh thần dám nghĩ dám làm trong nghiên cứu, tiến hành nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KH&CN với phát triển kinh tế - xã hội. Cân bằng nghiên cứu khoa học tự nhiên và nghiên cứu khoa học xã hội. Phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo trong một hệ sinh thái hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế, hạ tầng, nhân lực và các chủ thể như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, Nhà nước, nhà nghiên cứu, các định chế tài chính, tổ chức trung gian, Trung tâm Đổi mới sáng tạo, các quỹ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và đầu tư mạo hiểm.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa, chăm sóc, thụ phấn bổ sung cho na tại xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn.
Ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: Trong hệ sinh thái này, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, thông qua việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hỗ trợ thông tin, tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ, ban hành cơ chế tài chính ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đồng thời thu hút và đãi ngộ nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước. Sự phối hợp giữa các chủ thể được thúc đẩy qua các chính sách, như: Đặt hàng nhiệm vụ có tính liên kết viện - trường - doanh nghiệp, cơ chế đồng tài trợ từ nguồn vốn Nhà nước và tư nhân, các trung tâm đổi mới sáng tạo làm đầu mối kết nối, chính sách chia sẻ lợi ích từ kết quả nghiên cứu. Từ đó, tạo nền tảng cho mối liên kết bền chặt, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả của hệ sinh thái KH&CN, đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động khoa học công nghệ và quản lý khoa học công nghệ.Các tổ chức nghiên cứu phát triển sẽ sử dụng nền tảng số quốc gia để quản lý đề tài, nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước, cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm theo dõi toàn bộ vòng đời nhiệm vụ, kể cả khi kéo dài 10-15 năm. Chuyển từ mô hình tiền kiểm sang hậu kiểm, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính và thay thế bằng quản lý số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả điều hành, tính minh bạch và khả năng giám sát.
Phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể tập trung nghiên cứu, đưa tiến bộ KH&CN gắn với thế mạnh, tiềm năng có sẵn của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đưa tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững theo tinh thần Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.