Cần xóa bỏ định kiến, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nề kinh tế

Trình bày tại Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 68, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần xóa bỏ định kiến, coi kinh tế tư nhân là trụ cột và động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Số doanh nghiệp thành lập tăng gấp 40 lần sau 15 năm. Ảnh: T.L

Số doanh nghiệp thành lập tăng gấp 40 lần sau 15 năm. Ảnh: T.L

Sáng 18-5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước; tạo việc làm, sinh kế, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.

Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đề ra tại Nghị quyết 10 (đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025) vẫn chưa đạt được.

Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; năng suất lao động thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thấp (chỉ khoảng 21%).

Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân đạt khoảng 10 doanh nghiệp/1.000 dân vào năm 2024, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, phản ánh tình trạng khó khăn do biến động bất lợi của tình hình quốc tế, trong nước.

Việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm gần 98% số lượng doanh nghiệp nhưng tiếp cận chưa đến 20% tổng dư nợ tín dụng). Các doanh nghiệp tư nhân chiếm chưa đến 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.

Kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế (chỉ có 18% doanh nghiệp có kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó doanh nghiệp lớn chiếm đến 62%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế (cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm hợp đồng…). Một số doanh nghiệp tư nhân còn tham gia vào buôn lậu, trốn thuế, thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…

Thủ tướng cho rằng phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, từ nhận thức tới định hướng, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước, vấn đề tổng kết, tôn vinh kinh tế tư nhân… tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và chưa tương xứng với mong muốn của chúng ta.

Trước yêu cầu phát huy vai trò, tạo sự đột phá phát triển kinh tế tư nhân để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình mới, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó, Nghị quyết đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thủ tướng cũng đã khái quát các quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân được nêu trong Nghị quyết 68.

Nhấn mạnh cần phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng cho rằng thương trường là chiến trường thì doanh nhân là chiến sĩ, do đó, cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chiến sĩ trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước.

Để đạt được các mục tiêu đề ra tới năm 2030, 2045, Nghị quyết 68 đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.

Thủ tướng cũng cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198 ngày 17-5 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân với một số nội dung chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong; và điều khoản thi hành.

Đồng thời, trong ngày 17-5, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.

Minh Anh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/can-xoa-bo-dinh-kien-coi-kinh-te-tu-nhan-la-dong-luc-quan-trong-cua-ne-kinh-te/
Zalo