Tổng Bí thư Tô Lâm nêu 'bộ tứ trụ cột' giúp đất nước cất cánh
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện thể chế là 'bộ tứ trụ cột' giúp đất nước cất cánh.
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Hội nghị được kết nối từ Hội trường Diên Hồng Nhà Quốc hội đến hơn 37.000 điểm cầu trên toàn quốc với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu quán triệt tinh thần các nghị quyết của Bộ Chính trị tại Hội nghị quán triệt và triển khai Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP
Đổi mới, cải cách là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc Đổi mới, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có thể nói là những thành tựu vĩ đại: kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống nhân dân được nâng cao, vị thế quốc tế không ngừng được củng cố.
"Chúng ta có quyền tự hào, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: phía trước còn nhiều thách thức gay gắt, đòi hỏi chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên bên vòng nguyệt quế, không được chậm trễ, càng phải không ngừng đổi mới, cải cách, phát huy mọi nguồn lực và động lực trong xã hội, trong nhân dân, triển khai một cách sâu sắc, toàn diện, quyết liệt, quyết tâm đạt được mục tiêu lớn đã đề ra.
Những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, những đổi mới, cải cách này tập trung vào 4 đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
Tổng Bí thư ví 4 Nghị quyết này là "Bộ tứ trụ cột" để giúp đất nước cất cánh. “Vì vậy, tôi kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam,” Tổng Bí thư nêu rõ.
Bên cạnh những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được, Tổng Bí thư cũng nhìn nhận về những thách thức lớn mà đất nước đang đối mặt. “Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá mới về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy. Chỉ có cải cách quyết liệt, bền bỉ và hiệu quả mới giúp đất nước ta vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ và hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng Bí thư, muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Phát triển kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất"
Trước hết, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định phải phát triển kinh tế tư nhân trở thành "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc gia, theo như tinh thần Nghị quyết 68. Đồng thời, Tổng Bí thư vẫn khẳng định vai trò chủ đạo, dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Đặc trưng của Việt Nam là "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng".
Những quan điểm này đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức chiến lược về vai trò của khu vực tư nhân: từ vị trí thứ yếu trở thành trụ cột phát triển, song hành cùng kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, tạo thành thế "kiềng ba chân" vững chắc cho nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công. Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm củng cố nền tảng tự chủ kinh tế quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng trong một thế giới đầy biến động.
Trên tinh thần đó, Nghị quyết 68 đặt ra các yêu cầu cải cách mạnh mẽ, bao gồm hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tạo dựng môi trường đầu tư – kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định; khơi thông nguồn lực, mở rộng tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ cho khu vực tư nhân; tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn thể chế và chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tham gia sâu vào mạng lưới sáng tạo và chuỗi giá trị toàn cầu.
Đồng thời xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần dân tộc và khát vọng cống hiến cho đất nước và vươn tầm thế giới.
Trong mặt trận kinh tế, ai ai cũng phải lao động tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ai cũng có quyền mưu cuộc sống phát triển, hạnh phúc và đóng góp cho sự phát triển của xã hội; ai cũng có quyền và điều kiện thể hiện khát vọng cống hiến và đổi mới sáng tạo. Đảng, Nhà nước có trách nhiệm để mọi người dân được thực hiện các quyền cơ bản của con người, của xã hội
Nghị quyết khẳng định doanh nhân Việt Nam là "chiến sĩ trên mặt trận kinh tế" trong thời kỳ mới; không chỉ góp phần làm giàu cho bản thân mà còn thực hiện sứ mệnh dựng xây đất nước hùng cường và thịnh vượng.
Tổng Bí thư cho rằng, Nghị quyết 68 đã đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc "thừa nhận" sang "bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy", từ "bổ trợ" sang "dẫn dắt phát triển". Đây là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.

Tổng Bí thư Tô Lâm tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: VGP
Lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu của phát triển
Về tạo đột phá thực sự về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57, Tổng Bí thư nhấn mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là phương tiện hỗ trợ, mà phải được xác định là nền tảng phát triển và lực đẩy chủ yếu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết 57 yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với sự nghiệp phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của doanh nghiệp, doanh nhân, đội ngũ trí thức và toàn dân trong công cuộc này. Đây là cuộc cách mạng sâu rộng, toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi phải hành động với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ và nhất quán, không để tư duy cũ, lối làm việc hình thức, thụ động cản trở tiến trình phát triển.
Với yêu cầu đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nâng cao nhận thức toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách về vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với sự nghiệp phát triển đất nước; Đột phá tư duy phát triển, xóa bỏ mọi rào cản nhận thức lạc hậu, khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm;
Củng cố quyết tâm chính trị, tạo sự thống nhất cao trong toàn hệ thống về chủ trương lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu của phát triển; Hoàn thiện thể chế, chủ động tháo gỡ các rào cản pháp lý, hành chính, tạo lập môi trường thuận lợi cho sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, biến thể chế thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp phải chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch hành động thiết thực; đồng thời xác định trách nhiệm rõ ràng, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, bảo đảm sự chuyển biến thực chất trong toàn hệ thống.
“Chúng ta muốn tiến nhanh, tiến vững chắc trong kỷ nguyên mới, không có con đường nào khác ngoài con đường khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chúng ta phải quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn, sáng tạo bứt phá hơn, biến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự thành nền tảng và động lực then chốt đưa đất nước vươn tới những tầm cao mới,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới
Đề cập đến nội dung đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Nghị quyết 66 ra đời đã xác định rõ: Đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết khẳng định pháp luật không chỉ đơn thuần là công cụ điều chỉnh hành vi xã hội, mà phải được xem là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Về quan điểm chỉ đạo, Nghị quyết nhấn mạnh công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, gắn liền mật thiết với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đồng thời, pháp luật phải đồng bộ, khả thi, minh bạch, ổn định, lấy thực tiễn phát triển làm thước đo, đồng thời có tính dự báo cao, chủ động dẫn dắt sự phát triển chứ không chỉ chạy theo điều chỉnh.
Theo Tổng Bí thư, tinh thần cải cách lần này là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật: chuyển từ tư duy "quản lý" sang "phục vụ", từ bị động sang chủ động, kiến tạo sự phát triển.
Xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng. Thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, chuyển đổi số phải gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế "xin – cho", triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm.
“Nghị quyết 66 chính là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế sâu sắc, nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, thực chất, vì nhân dân phục vụ, đồng thời tạo ra động lực bền vững cho công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh trong thế kỷ XXI,” người đứng đầu Đảng nói.
Hội nhập quốc tế là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới
Về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị xác định hội nhập là động lực chiến lược để Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới. Nghị quyết thể hiện tầm nhìn sâu sắc: Hội nhập quốc tế không chỉ là mở cửa, giao lưu, mà là một sự nghiệp tổng hợp, đòi hỏi sự chủ động, tích cực và rất có bản lĩnh.
Theo Tổng Bí thư, quan điểm xuyên suốt của Nghị quyết 59 là: Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể sáng tạo.
Chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng hội nhập không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan đối ngoại, không chỉ là hoạt động đối ngoại nhà nước, mà là một quá trình tổng hợp, yêu cầu sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của toàn hệ thống chính trị, của từng người dân, từng doanh nghiệp, từng ngành nghề, từng lĩnh vực.
Nội lực, bao gồm sức mạnh của nền kinh tế, văn hóa, thể chế, nguồn nhân lực, phải được đặt ở vị trí quyết định; ngoại lực chỉ là nguồn bổ sung, hỗ trợ quá trình phát triển, bảo đảm hội nhập toàn diện, sâu rộng mà vẫn giữ vững độc lập tự chủ, nâng cao năng lực tự cường và khả năng thích ứng trước mọi biến động toàn cầu.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cho biết, một nội dung đặc biệt quan trọng, có tính nền tảng trong Nghị quyết 59 là xây dựng đội ngũ cán bộ hội nhập quốc tế vững mạnh. Chúng ta phải tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn sâu rộng, khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường toàn cầu và kỹ năng phối hợp liên ngành, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng, phức tạp.
Hội nhập quốc tế trong tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải chủ động hơn, quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, trên nền tảng kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời linh hoạt, nhạy bén trong chiến lược và sách lược đối ngoại, tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
“Có thể xem Nghị quyết 59 là kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc hội nhập quốc tế kỷ nguyên mới. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết, cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch hành động thiết thực; đồng thời phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, bứt phá trong hành động, quyết tâm đưa hội nhập quốc tế trở thành động lực mạnh mẽ đưa Việt Nam vươn cao, vươn xa trên trường quốc tế,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư cho biết 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Ảnh: VGP
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết 4 Nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện. Cả 4 Nghị quyết đều thống nhất mục tiêu: xây dựng nền tảng vững chắc để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Nghị quyết 66 yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết 57 xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết 59 mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết 68 thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế.
Sự liên kết này không chỉ mang tính định hướng chung mà còn thể hiện rõ sự phụ thuộc lẫn nhau trong thực tiễn. Nếu thể chế không minh bạch (Nghị quyết 66), thì kinh tế tư nhân khó phát triển (Nghị quyết 68), khoa học công nghệ thiếu môi trường sáng tạo (Nghị quyết 57) và hội nhập quốc tế thiếu hiệu quả. Doanh nghiệp tư nhân đánh giá và tham gia như thế nào về các hiệp định FTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư... (Nghị quyết 59). Ngược lại, nếu đổi mới sáng tạo không đột phá, kinh tế tư nhân sẽ yếu, hội nhập quốc tế sẽ bị hạn chế. Nếu hội nhập không chủ động, bản thân thể chế và các động lực trong nước cũng khó cải cách toàn diện.
Điểm đột phá chung của cả 4 Nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ "quản lý" sang "phục vụ", từ "bảo hộ" sang "cạnh tranh sáng tạo", từ "hội nhập bị động" sang "hội nhập chủ động", từ "cải cách phân tán" sang "đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc". Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Về tổ chức thực hiện, tất cả các nghị quyết đều nhấn mạnh vai trò lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự vào cuộc đồng bộ, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cùng sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, người dân và giới trí thức. Các trục triển khai như thi hành pháp luật, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển tư nhân và hội nhập quốc tế đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đánh giá hiệu quả.
4 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030
Trong phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư đã nêu 4 nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam trong 5 năm tới (2025–2030).
Trước hết, cần hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển. Trong 5 năm tới, triển khai toàn diện Nghị quyết 66, cải cách mạnh mẽ quy trình xây dựng, thi hành và đánh giá pháp luật. Mục tiêu: xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập sâu rộng. Khắc phục pháp luật chồng chéo, đồng thời hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho đầu tư và phát triển.
Thứ hai, cần đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Giai đoạn 2025–2030 phải tạo đột phá mạnh mẽ thông qua triển khai quyết liệt các chương trình quốc gia về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, lan tỏa tới doanh nghiệp và địa phương.
Hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư R&D, thương mại hóa công nghệ; xây dựng hạ tầng dữ liệu và nền tảng số cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây là nền tảng kỹ thuật quyết định bứt phá năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thứ ba, cần tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả. Trong đó, chủ động đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, tận dụng cơ hội từ chuỗi cung ứng toàn cầu và dòng vốn đầu tư quốc tế. Chuyển hóa cam kết hội nhập thành tăng trưởng thực tế, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư chất lượng cao. Đồng thời, tham gia xây dựng và định hình luật chơi quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, môi trường, an ninh mạng, qua đó khẳng định vị thế và bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thứ tư, cần phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành "một động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế quốc gia. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về đất đai, tín dụng, công nghệ, thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp linh hoạt, năng động.
Xây dựng chiến lược phát triển các tập đoàn tư nhân lớn có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế, dẫn dắt chuỗi giá trị toàn cầu. Trọng tâm là bảo vệ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh minh bạch, công khai, tạo động lực thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển nhanh, bền vững.
2025 là năm bản lề, không tạo đột phá sẽ lỡ mất cơ hội vàng
Đối với nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư cho biết đây là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới, trong khi mục tiêu trở thành quốc gia phát triển chỉ còn hai thập niên phía trước.
“Nếu không bắt kịp nhịp độ cải cách, không tạo đột phá ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ lỡ mất cơ hội vàng và tụt lại trong cuộc đua toàn cầu. Vì vậy, cần triển khai các nhiệm vụ một cách nhanh chóng, bài bản, thực chất, lấy hiệu quả thực tế làm tiêu chí đánh giá,” Tổng Bí thư lưu ý.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể. Đồng thời, lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ.
Thứ hai, khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW. Ưu tiên sửa đổi các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; nghiên cứu ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ ba, khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phê duyệt, triển khai các chương trình quốc gia; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo mới; xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox.
Thứ tư, tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA và đặc biệt là đàm phán hiệu quả FTA với Hoa Kỳ; chủ động chuẩn bị tham gia các hiệp định mới như Hiệp định đối tác kinh tế số (DEPA), Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF); tận dụng cam kết hội nhập để chuyển hóa thành tăng trưởng thực tế.
Thứ năm, thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công, hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn.
Thứ sáu, kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nghị quyết; thành lập các Ban chỉ đạo chuyên trách cấp trung ương và cấp tỉnh; bảo đảm cơ chế chỉ đạo thống nhất, kiểm tra, giám sát thường xuyên.
Thứ bảy, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để triển khai nghị quyết: đào tạo chuyên sâu về pháp luật hiện đại, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế và quản trị doanh nghiệp; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có tư duy đổi mới, năng lực số và khả năng thích ứng toàn cầu.
Thứ tám, đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội: xây dựng các chương trình truyền thông quốc gia về từng nghị quyết; tăng cường đối thoại chính sách giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân và giới trí thức, huy động trí tuệ xã hội cho quá trình triển khai.
Theo Tổng Bí thư, kể từ Hội nghị Trung ương 10 khóa 13 (tháng 9/2024) đến nay, Bộ Chính Trị, Ban Bí thư đã làm việc ngày đêm tập trung giải quyết nhiều vấn đề cốt lõi, tháo gỡ những "điểm nghẽn", tạo không gian phát triển mới cho đất nước.
Trong đó, triển khai quyết liệt nội dung Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương về "một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức của bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả"; xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; sắp xếp lại đơn vị hành chính để "cất cánh"...
“Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục đồng lòng, chung sức, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Vì ‘biết đồng sức, biết đồng lòng/ việc gì khó, làm cũng xong’,” Tổng Bí thư quán triệt.
Tổng Bí thư mong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn.
Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước. Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác. Tiếp tục kiến nghị, đề xuất để xây dựng những Nghị quyết mới theo phương châm "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân" như Bác Hồ từng dạy.
Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.
Tổng Bí thư cho rằng chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin tưởng vững chắc vào một tương lai tươi sáng của đất nước. Với truyền thống anh hùng, trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên không ngừng của toàn dân tộc, Việt Nam sẽ tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
“Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa Đổi mới – Khát vọng – Hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045,” Tổng Bí thư kêu gọi.