Khó khăn, thách thức lớn nhất khi thực hiện GDPT mới tại TP.HCM là gì?

Hàng loạt các khó khăn, thách thức của các trường phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được nêu ra.

Tại Hội nghị góp ý kế hoạch giáo dục nhà trường năm học 2022 – 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, hàng loạt các khó khăn, thách thức của các trường phổ thông tại thành phố khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được nêu ra.

Công khai kế hoạch kiểm tra, đánh giá từ đầu năm

Cô Trần Thúy An – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Minh Đức, quận 1 cho hay, chương trình mới có thêm Nội dung giáo dục địa phương (1 tiết/tuần), Hoạt động trải nghiệm (3 tiết/tuần) đối với lớp 6,7 nhưng biên chế phân bổ cho các trường lại chưa tính tới đội ngũ giáo viên dạy những môn này.

Hội nghị góp ý kế hoạch nhà trường năm học 2022 - 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Hội nghị góp ý kế hoạch nhà trường năm học 2022 - 2023 của Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Do đó, các trường phần lớn đều phải tận dụng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm.

Song song đó, cô Trần Thúy An còn cho hay, đối với hai môn là Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý thì thực hiện cuốn chiếu từ lớp 7, nội dung tích hợp đòi hỏi khối lượng công việc nhiều hơn, nhưng việc tập huấn và bồi dưỡng giáo viên thì lại chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trên thực tế của trường học.

Ngoài ra, chương trình mới còn đặt ra nhiều vấn đề thay đổi về kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh, nên các trường cần phải công khai các kế hoạch kiểm tra, đánh giá ngay từ đầu năm học.

Thầy Nguyễn Thanh Tòng – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Tân Túc, huyện Bình Chánh, trong năm đầu tiên thực hiện chương trình mới đối với lớp 10, hoạt động trải nghiệm có cơ cấu tương đương với một môn học (105 tiết/năm).

Nhà trường có thành lập Ban trải nghiệm – hướng nghiệp, nhưng vẫn chưa rõ chế độ dành cho tổ trưởng và tổ phó chuyên môn sẽ được thực hiện như thế nào để đảm bảo quyền cho các giáo viên?

Ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giải thích, các hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp cho học sinh lớp 10, nếu nhà trường thành lập ban hay tổ chuyên môn, ban chuyên môn thì các chế độ chính sách cho giáo viên phải sử dụng theo Quy chế chi tiêu nội bộ của nhà trường.

Đối với việc thành lập tổ chuyên môn thì các giáo viên phải được chế độ, chính sách theo quy định.

Nếu học sinh đăng ký nhiều Âm nhạc, Mỹ thuật hơn thì trường gặp khó

Tại Trường trung học phổ thông Trưng Vương, quận 1, cô Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng cho biết, năm nay là năm đầu tiên khối lớp 10 thực hiện chương trình mới. Nhà trường thực hiện giảng dạy theo các nhóm ngành, trong đó có Âm nhạc và Mỹ thuật.

Trường tổ chức 7 chương trình giáo dục, thành lập Ban ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.

Theo cô Trương Thị Bích Thủy, trường có 150 học sinh chọn học môn Mỹ thuật. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường phối hợp với Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh dạy 1 tiết/tuần nâng cao với mức phí thỏa thuận rõ ràng với phụ huynh, còn 2 tiết/tuần còn lại là theo quy định thì được trích từ nguồn thu học phí công lập của nhà trường.

Cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trưng Vương phát biểu (ảnh: P.L)

Cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trưng Vương phát biểu (ảnh: P.L)

Theo cô Thủy, hiện nay, định mức giáo viên cũng chưa phân bổ người dạy môn học này, nên các trường phải hợp đồng thỉnh giảng người dạy đến từ các trường đại học. Thế nhưng, cô Trương Thị Bích Thủy lo lắng rằng, nếu trong năm học tới, số học sinh đăng ký học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật nhiều hơn, thì các nguồn lực về giáo viên, phòng ốc, việc chi trả lương cho giáo viên sẽ có thể khiến trường gặp khó khăn.

Đại diện lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông phát biểu tại hội nghị cho hay, đội ngũ cán bộ quản lý cần được tạo điều kiện tham gia tập huấn, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, thực hiện cùng lúc với bổ sung nguồn tuyển giáo viên, nhằm tránh tình trạng thiếu giáo viên ở các môn học mới.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý, trong năm học này, các trường phổ thông cần quan tâm, đầu tư trang thiết bị để thực hiện cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tăng cường sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng bài học để chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giáo viên dạy chương trình mới.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kho-khan-thach-thuc-lon-nhat-khi-thuc-hien-gdpt-moi-tai-tphcm-la-gi-post229571.gd
Zalo