Khó khăn chồng chất
Những sự kiện tại Gaza, Lebanon, đặc biệt cú sốc sau sự sụp đổ của chế độ Assad tại Syria đã gây ra thiệt hại rất lớn đối với 'Trục kháng chiến' do Iran dẫn dắt tại Trung Đông. Liệu Iran có thể sớm phục hồi sức mạnh, sự đoàn kết của các lực lượng ủy nhiệm trong thời gian tới?
Đã 5 năm trôi qua kể từ cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani, Chỉ huy Đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), vốn được biết đến với vai trò là “kiến trúc sư” của hệ thống các nhóm bán quân sự trung thành với Tehran đóng quân trên khắp Trung Đông.
Mặc dù nhiệm vụ tạo ra “vành đai an ninh” của Iran đã bắt đầu trước khi ông Soleimani gia nhập Lực lượng Quds, nhưng chính ông là người đóng vai trò quan trọng trong chỉ huy bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ của Tehran đối với các lực lượng trong “Trục kháng chiến”, cũng như trách nhiệm giải trích nghiêm ngặt của họ đối với các cố vân quân sự Iran.
Ngày 3/1/2020, Thiếu tướng Qasem Soleimani bị tiêu diệt trong một cuộc không kích có chủ đích của Mỹ. Vụ việc làm leo thang nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ - Iran, đồng thời gây “tiếng vang” lớn ở khắp Trung Đông cho đến ngày nay. Ông Soleimani được nhân cách hóa, trở thành biểu tượng nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp không chỉ của lực lượng vũ trang và cơ quan tình báo Iran, mà còn cả tất cả các nhóm trung thành với Tehran ở khu vực.
Trong suốt 5 năm qua, không chỉ Thiếu tướng Qasem Soleimani, nhiều nhân vật cấp cao khác trong “Trục kháng chiến” do Tehran dẫn dắt cũng bị tiêu diệt. Trong đó phải kể đến như Tổng thư ký Hezbollah ở Lebanon Hassan Nasrallah; người đứng đầu Bộ Chính trị Hamas Ismail Haniyeh và Yahya Sinwar; hay danh sách những nhân vật nhỏ hơn - là cố vấn quân sự Iran hoặc chỉ huy các lực lượng ủy quyền - đã lên tới hàng chục người. Hầu hết trong số họ được truyền thông Iran định vị là “người kế nhiệm” sự nghiệp của Thiếu tướng Qasem Soleimani và việc họ bị tiêu diệt có phải đặt dấu chấm hết cho “Trục kháng chiến”?
Một năm rưỡi sau khi bắt đầu chiến dịch “Những thanh kiếm sắt” của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ở Dải Gaza, nhanh chóng trở thành cuộc đối đầu bất cân xứng giữa Iran và Israel trên khắp Trung Đông, và từ đây cho thấy sự suy yếu của “Trục kháng chiến”. Thiệt hại lớn nhất có lẽ là Phong trào Hamas ở Dải Gaza và Lực lượng Hezbollah ở Lebanon - cả hai phải đối đầu trực tiếp với quân đội Israel. Bất chấp tổn thất nặng nề về người và vật chất, cuối cùng cả hai lực lượng vẫn được bảo toàn và xung đột hạ nhiệt bằng thỏa thuận ngừng bắn. Hiện nay, ưu tiên của cả Hamas và Hezbollah sẽ tập trung vào việc khôi phục lực lượng chiến đấu, kiện toàn bộ máy chỉ huy; và tất nhiên, Tehran sẽ khó có thể sử dụng những lực lượng này cho các mục tiêu địa chính trị ở khu vực, ít nhất là trong tương lai gần.
Lực lượng Houthi ở Yemen (phong trào Ansar Allah) bị ảnh hưởng ít hơn từ cuộc đối đầu với Israel. Điều này là nhờ khoảng cách lãnh thổ với Israel và việc Israel không thể dàn trải lực lượng trên nhiều mặt trận. Hiện nay, người Houthi ở Yemen đang tìm cách làm tê liệt tuyến đường thương mại của Israel ở Biển Đỏ và một phần ở biển Địa Trung Hải, tạo ra mối đe dọa thường xuyên về việc tấn công không kích vào lãnh thổ Israel bằng tên lửa và máy bay không người lái. Các hoạt động trả đũa của IDF, tuy gây ra thiệt hại đáng kể cho phiến quân Yemen, nhưng gần như không làm gián đoạn hoạt động của tổ chức này.
Giới quan sát cho rằng, sự bình yên ở Yemen có thể sẽ chỉ là tạm thời. Người Israel đã bắt đầu truy lùng các đại diện cấp cao của người Houthi, như Muhammad Ali al-Houthi (thủ lĩnh của phong trào) hay Yahya Saria (thư ký báo chí của phong trào). Ngoài ra, Israel đang tích cực tìm kiếm cơ hội tiến gần hơn đến biên giới Yemen để có thể tiến hành các cuộc tấn công hủy diệt và chính xác hơn nhằm vào các mục tiêu của Houthi. Tuy nhiên, để thực hiện thành công, người Israel ít nhất cần đạt được bước đột phá trong quan hệ với Saudi Arabia - nước có đường biên giới trên đất liền dài với Yemen (bao gồm cả vùng lãnh thổ do người Houthi kiểm soát) và có thể đóng vai trò là “điểm trung chuyển” cho các hoạt động quân sự lớn nhằm vào người Houthi ở Yemen.
Iraq, về cơ bản, vẫn khá tách biệt trong hệ thống ủy nhiệm của Iran. Những người kế nhiệm Thiếu tướng Qasem Soleimani nỗ lực trong việc đưa các nhóm dân quân Iraq khác nhau về một mẫu số chung, đồng thời đưa các lực lượng sẵn sàng chiến đấu nhất lên hàng đầu (ví dụ như Hashd al-Shaabi và al-Sauriun). Tuy nhiên, cho đến nay hoạt động của các nhóm này vẫn tương đối hạn chế và các hoạt động chống lại Israel chỉ mang tính biểu tượng.
“Trục kháng chiến” nhận cú sốc đặc biệt sau sự sụp đổ của chế độ Assad tại Syria vào cuối năm 2024. Syria trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bashar al-Assad vốn được coi là một trong những trụ cột trong hệ thống ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông. Chính tại đây, những người trung thành với Iran đã từng được trải qua quá trình huấn luyện chiến đấu nghiêm túc. “Trục kháng chiến” hiện nay bắt đầu hình thành từ cuộc xung đột ở Syria. Việc mất đi một đồng minh quý giá như vậy rõ ràng là một thiệt hại rất lớn đối với Iran.
Chính quyền mới ở Syria do thủ lĩnh Hayat Tahrir al-Sham, Abu Muhammad al-Julani, dẫn dắt vốn không thân thiện với Iran. Thực tế cho đến nay, Tehran chưa thể thiết lập một cuộc đối thoại với chính quyền mới ở Syria, chứ đừng nói đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác tích cực. Ngoài ra, tình hình Syria còn phức tạp do sự can thiệp của Israel. Trong những ngày đầu tiên sau khi chế độ Assad sụp đổ, Israel đã đưa quân tiến vào Syria, chiếm đóng Cao nguyên Golan; đồng thời, “chặn” các đường tiếp cận Nam Lebanon. Ngay cả khi Tehran vẫn đang cố gắng gây ảnh hưởng đến một số quá trình nhất định bên trong Syria, bao gồm cả việc lợi dụng sự bất mãn của người Syria trước cuộc xâm lược của Israel, thì không gian để hành động vẫn bị thu hẹp đáng kể.
Iran sẽ phải đối mặt với sức ép lớn từ Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Nói về cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani và các lực lượng trong “Trục kháng chiến”, không thể bỏ qua ảnh hưởng của nó đối với xu hướng quan hệ Mỹ-Iran trong tương lai. Sau khi Đảng Cộng hòa rời Nhà Trắng, Chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra lệnh cấm bất thành văn đối với các cuộc tấn công nhằm vào các nhân vật chủ chốt của IRGC. Đó là lý do vì sao “người kế nhiệm” của Soleimani, tướng Ismail Qaani, tiếp tục nỗ lực củng cố hệ thống ủy nhiệm của Iran ở Trung Đông mà không gặp quá nhiều trở ngại từ lực lượng Mỹ hay lực lượng Israel nào.
Tuy nhiên, sự trở lại của Tổng thống Donald Trump được dự báo sẽ làm sâu sắc hơn tình trạng căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Tehran. Thực tế là sau cái chết của Thiếu tướng Qasem Soleimani, ngày 29/6/2020, chính quyền Iran đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump và 35 quan chức trong chính quyền Mỹ, đồng thời đề nghị Interpol phát lệnh “truy nã đỏ”. Khả năng nối lại quan hệ giữa chính phủ theo chủ nghĩa cải cách của Tổng thống Masoud Pezeshkian và chính quyền Trump sẽ gây ra làn sóng phẫn nộ không chỉ trong xã hội Iran, đối với một số người, điều này làm tổn hại đến hình ảnh và sự hy sinh của tướng Soleimani, mà còn trong “Trục kháng chiến”, vì những lo ngại sẽ bị Tehran “bỏ rơi” trong cuộc đối đầu với Israel.
Ngoài ra, việc bác bỏ hình ảnh đoàn kết, tập hợp sức mạnh dân tộc của tướng Soleimani sẽ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh giữa các phe phái tôn giáo và quân sự trong chính quyền Iran. Thực tế, hiện nay trong chính quyền Iran và đặc biệt là IRGC, còn rất nhiều tướng lĩnh trung thành với Soleimani, như Thiếu tướng Yahya Rahim Safavi (Cố vấn quân sự cấp cao của lãnh tụ tối cao Iran) hay Tướng Qaani (chủ huy lực lượng đặc nhiệm Quds của IRGC). Rõ ràng, những người này không hài lòng với những nỗ lực cải cách của Chính quyền Tổng thống Masoud Pezeshkian nhằm hạn chế ảnh hưởng của IRGC đối với đời sống chính trị Iran, cũng như làm mờ những thành tựu trước đây của IRGC.
Không thể phủ nhận những khó khăn hiện nay mà Iran đang phải đối mặt nhằm duy trì ảnh hưởng tại khu vực. Những lực lượng ủy nhiệm trong “Trục kháng chiến” do Iran dẫn dắt bị suy yếu đáng kể sau những chiến dịch quân sự mạnh tay, quyết đoán của Israel. Thách thức của Tổng thống Masoud Pezeshkian sẽ là làm thế nào để nhanh chóng khôi phục năng lực chiến đấu của những lực lượng ủy nhiệm, đồng thời xử lý hài hòa mâu thuẫn chính trị nội bộ giữa một bên theo chủ trương cải cách, một bên theo đường lối cứng rắn. Sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ gây ra thêm nhiều vấn đề cho Iran, và nếu Chính quyền Tổng thống Masoud Pezeshkian xử lý thiếu khéo léo, sẽ gây ra sự chia rẽ sâu sắc trong đời sống chính trị-xã hội Iran.