Adam và Eva: Tổ tiên chung của nhân loại dưới góc nhìn khoa học - Kỳ cuối

Một số nhà khoa học tin rằng có một cách để khoa học phù hợp với câu chuyện Kinh thánh về Adam và Eva.

Kỳ cuối: Câu chuyện gia phả

Tiến sĩ Joshua Swamidass, một nhà sinh học tại Đại học Washington, lập luận rằng không có lý do gì để tin rằng nhân loại không có nguồn gốc từ một cặp vợ chồng duy nhất.

Tranh của Wenzel Peter về Adam và Eva trong Vườn Địa Đàng. Ảnh: museivaticani

Tranh của Wenzel Peter về Adam và Eva trong Vườn Địa Đàng. Ảnh: museivaticani

Như trường hợp của Eva ty thể và Adam nhiễm sắc thể Y cho thấy, không có rào cản khoa học nào ngăn cản việc con người có tổ tiên chung dù dân số không bao giờ giảm xuống đến mức chỉ còn một cặp đôi duy nhất.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí “Perspectives on Science and Christian Faith”, Tiến sĩ Swamidass viết: “Nhiều cá nhân là tổ tiên của tất cả những người còn sống. Tất cả con người sống hôm nay đều có nguồn gốc từ mỗi tổ tiên chung này. Điều tương tự cũng có thể đúng về tất cả những người sống vào năm 1 sau Công Nguyên, hoặc tất cả những người sống khi lịch sử ghi chép bắt đầu. Hai người trong số đó có thể là một cặp vợ chồng đặc biệt, được gọi là Adam và Eva trong Kinh thánh, mà đó là nguồn gốc của tất cả chúng ta”.

Điều quan trọng là cần lưu ý rằng Tiến sĩ Swamidass không đưa ra trường hợp ủng hộ sự tồn tại của Adam và Eva. Thay vào đó, ông chỉ đơn giản chỉ ra rằng từ góc độ khoa học về tiến hóa, không có lý do nào cho rằng một cặp Adam và Evae không thể tồn tại, mặc dù lý thuyết tiến hóa thường chỉ ra sự phát triển của loài người qua quá trình dài và không chỉ từ một cặp đôi.

Tuy nhiên, như Tiến sĩ Swamidass đã lưu ý, vẫn có vấn đề là người tinh khôn Homo sapiens không phải là loài người đầu tiên trên Trái đất. Dựa trên ý tưởng rằng Adam và Eva nên là tổ tiên đích thực của tất cả con người đã sống, một số học giả đã nhìn lại quá khứ xa hơn nữa.

Giáo sư William Lane Craig, một nhà triết học tại Đại học Houston Christian University, lập luận rằng Adam và Eva phải là những người đầu tiên mang những đặc điểm đặc biệt được định nghĩa là "con người".

Dựa trên các tiêu chí bao gồm khả năng suy nghĩ trừu tượng, biết lập kế hoạch, đổi mới công nghệ và sử dụng ký hiệu, ông lập luận rằng những con người đầu tiên thực sự đã xuất hiện từ lâu trước người tinh khôn Homo sapiens.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí First Things, Giáo sư Craig viết: “Có thể hợp lý khi xác định Adam và Eva là tổ tiên chung cuối cùng của người tinh khôn Homo sapiens và Neanderthal, thường được gọi là Homo heidelbergensis. Adam có thể sống vào khoảng 1 triệu năm trước đến 750.000 năm trước, một kết luận phù hợp với bằng chứng di truyền học dân số”.

Mặc dù không có gì là không thể với tuyên bố này, nhưng nó không đưa ra bằng chứng mạnh mẽ nào. Ngay cả khi Homo Heidelbergensis là loài người đầu tiên và con người có thể bắt nguồn từ một cặp đôi duy nhất, vẫn không có lý do để tin rằng cặp đôi này là những con người duy nhất trên Trái đất.

Thêm vào đó, nếu Adam là Homo Heidelbergensis, thì ông sẽ không sống ở vị trí được cho là Vườn Địa Đàng tại Iraq. Tương tự, việc thừa nhận rằng Adam và Eva thậm chí không phải là Homo sapiens có thể làm xáo trộn một số suy nghĩ của các tín đồ Cơ đốc giáo bảo thủ hơn.

Một số nhà khoa học cũng chỉ trích ý tưởng rằng “con người” là một đặc tính nhị phân với một điểm bắt đầu đơn giản. Tính nhân tính là một quá trình phát triển dần dần, xuất hiện theo từng giai đoạn với các đặc điểm khác nhau, chứ không phải là một trạng thái "bật hoặc tắt".

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các lý thuyết hiện tại về sự tiến hóa của loài người không hoàn toàn bác bỏ khả năng tồn tại của một cặp Adam và Eve nguyên thủy, ít nhất là theo một cách hiểu nào đó.

Thùy Dương/Báo Tin tức (Dailymail)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/adam-va-eva-to-tien-chung-cua-nhan-loai-duoi-goc-nhin-khoa-hoc-ky-cuoi-20250106083753535.htm
Zalo