Khi Tp.HCM không còn đơn độc - Bài 2: Thế kiềng ba chân vững chãi cho FDI và logistics

Hợp nhất Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo nên một 'kềng 3 chân' vững chãi, phát huy tối đa tiềm lực công nghiệp, dịch vụ và logistics bởi hàng loạt các cảng biển, cảng đường thủy và hạ tầng giao thông 'khủng'.

Một "siêu đô thị" có đầy đủ tiềm lực

Với việc hợp nhất Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vùng Tàu, ranh giới hành chính lâu nay được xóa bỏ, sự hợp nhất sẽ tạo nên "siêu đô thị" mới khi ở hữu tất cả những điều kiện cần, đủ cho sự phát triển bền lâu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Tp.HCM từ lâu đã là "đầu tàu" kinh tế của cả vùng, sự phát triển đa ngành nghề đã giúp cho thành phố này luôn đi đầu trong cả bước.

Trong khi đó, Bình Dương hiện là thủ phủ công nghiệp của cả nước; Bà Rịa – Vũng Tàu đang phát triển mạnh về cảng biển. Do đó, nếu đưa Bình Dương, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào một cương giới hành chính thì sẽ tận dụng được các ưu thế của cả ba vùng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và logistics.

Tp.HCM - Bình Dương - Vũng Tàu hợp nhất tương lai sẽ là "Siêu vùng kinh tế, đô thị hóa xanh kiểu mới".

Tp.HCM - Bình Dương - Vũng Tàu hợp nhất tương lai sẽ là "Siêu vùng kinh tế, đô thị hóa xanh kiểu mới".

Việc Tp.HCM sau khi hợp nhất 3 địa phương, Thành phố trực thuộc Trung ương này sẽ sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển Cái Mép - Thị Vải (top 20 cảng container lớn nhất thế giới) và mạng lưới khu công nghiệp hàng đầu Đông Nam Á như các khu công nghệ cao, thành phố thông minh và loạt dự án đầu tư nước ngoài hàng tỷ USD như tổ hợp LEGO, Tokyu, VSIP…

ĐBQH Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam, ĐBQH tỉnh Bình Dương.
“Công cuộc tinh gọn bộ máy, sáp nhập tỉnh thành là triển khai tiếp Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình. Ví dụ như Bình Dương không có cảng, bây giờ sáp nhập với Tp.HCM, sẽ có cảng sông, cảng biển. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như vậy, ngoài phát triển kinh tế du lịch, thì sẽ còn mạnh hơn tạo không gian phát triển”.
ĐBQH Nguyễn Quang Huân cũng cho rằng, trong lần sáp nhập này sẽ có tỉnh có thu nhập GRDP bình quân đầu người cao sẽ đỡ cho những tỉnh đang thấp. Như vậy, khi sáp nhập các tỉnh thành sẽ bổ sung cho nhau để phát triển kinh tế.

Hoàng Bích ghi

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Trần Khánh Quang, việc hợp nhất 3 địa phương sẽ tạo thế kiềng 3 chân. Khi Bình Dương sẽ tập trung vào việc tốt nhất là phát triển về công nghiệp, trong đó Bà Rịa - Vũng Tàu đảm đương về cảng biển vận tải hang hóa, phát triển thu hút du lịch…

Cùng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com khu vực miền Nam cho hay, việc sáp nhập Tp.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thành công tạo nên siêu đô thị mới quy mô dân số lớn, diện tích khoảng 6.000 km, sở hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển Cái Mép - Thị Vải (top 20 cảng container lớn nhất thế giới) và mạng lưới khu công nghiệp.

Đặc biệt, Tp.HCM trong tương lai sẽ là trung tâm thu hút thêm các nhà đầu tư FDI tạo ra được lợi thế và tiết kiệm logistics, dòng vốn đầu tư ổn định sẽ kích thích đầu tư bất động sản.

Siêu vùng kinh tế, đô thị hóa xanh

Chia sẻ về thông tin Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu hợp nhất làm một thể, TS Nguyễn Hữu Hảo, Khoa Logistics -Thương mại quốc tế, Trường đại học Hoa Sen cho rằng, khi hợp nhất 3 địa phương trên sẽ trở thành một vùng đại đô thị, siêu vùng kinh tế - đô thị hóa xanh kiểu mới, có tiềm năng mạnh mẽ ở nhiều mặt.

"Với sự hợp nhất trên, sẽ mang lại tiềm năng về Phát triển kinh tế, kết nối chuỗi cung ứng hoàn chỉnh khi đó, Tp.HCM sẽ là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp; Bình Dương là khu vực phát triển công nghiệp – sản xuất – logistics.

Bên cạnh là một Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng biển nước sâu Cái Mép – Thị Vải, lọc hóa dầu và năng lượng. Tất cả những lợi thế trên tạo nên một chuỗi giá trị hoàn chỉnh: sản xuất – logistics – xuất khẩu – dịch vụ tài chính", TS Nguyễn Hữu Hảo cho hay.

Việc hợp nhất Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất – logistics – xuất khẩu – dịch vụ tài chính.

Việc hợp nhất Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ sản xuất – logistics – xuất khẩu – dịch vụ tài chính.

"Việc hợp nhất về mặt phát triển trong tương lai sẽ làm tăng sức cạnh tranh quốc tế, sự phối hợp vùng sẽ giúp giảm chi phí logistics nội vùng, gia tăng năng lực thu hút FDI quy mô lớn (đa ngành), đồng thời giảm sự chồng chéo trong quy hoạch và đầu tư công", TS Hảo nhận định.

Theo ghi nhận của Người Đưa Tin, hiện nay, hạ tầng giao thông tại Tp.HCM đang được phát triển với tốc độ cao, hàng loạt các công trình trọng điểm kết nối vùng, xoay quanh trung tâm Tp.HCM được xây dựng, đơn cử đường Cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu; Đường sắt đô thị (Metro), tuyến vành đai 3, 4 Tp.HCM; Sân bay Long Thành sẽ kết nối quốc tế cho toàn vùng. Hệ thống cảng biển quốc tế tại Bà Rịa - Vũng Tàu là lợi thế hiếm có.

Điều này tạo điều kiện dòng chuyển nhân lực, hàng hóa, dịch vụ một cách hiệu quả. Đa dạng các loại hình vận chuyển, di chuyển và phương thức làm việc nghiên cứu sử dụng đa dạng phương thức vận chuyển bằng đường thủy, tàu thủy cao tốc, phương tiện đường sông.

Theo nhận định của TS Nguyễn Hữu Hảo, viễn cảnh khi hợp nhất 3 địa phương là Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa sẽ giúp tăng cường đô thị hóa thông minh – phát triển xanh bền vững.

Viễn cảnh khi hợp nhất 3 địa phương là Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa sẽ giúp tăng cường đô thị hóa thông minh – phát triển xanh bền vững.

Viễn cảnh khi hợp nhất 3 địa phương là Tp.HCM - Bình Dương - Bà Rịa sẽ giúp tăng cường đô thị hóa thông minh – phát triển xanh bền vững.

"Khi hợp nhất, khu vực Bình Dương đang triển khai thành phố thông minh (Smart City); Bà Rịa - Vũng Tàu có tiềm năng du lịch – nghỉ dưỡng kết hợp với đô thị vệ tinh và TP.HCM tập trung vào chuyển đổi số, kinh tế sáng tạo. Như vậy có thể hình thành một vùng đô thị thông minh tích hợp công nghiệp – logistics – tài chính – giáo dục – du lịch.

Tuy nhiên, yếu tố cần đảm bảo để đạt kết quả mong đợi phải có những sự tham gia đầu tư của các tập đoàn phù hợp mô hình phát triển của 3 vùng. Đảm bảo nguồn tài chính và chính sách trao đổi win-win thu hút các nguồn lực. Sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh", TS Hảo chia sẻ.

Một trong những thế mạnh của "siêu đô thị" khi hợp nhất có được các chuyên gia đánh giá chính là nội tại cho sự phát triển về lâu dài chính là yếu tố con người. Cụ thể nguồn nhân lực chất lượng cao và kinh nghiệm thực chiến ở các quốc gia phát triển, nguồn vốn chăm sóc và thu hút nhân lực chất lượng cao ít nhất trong vòng 5 năm được quan tâm.

Lợi thế về giáp biển, là "cú hích" cho phát triển du lịch bền vững cộng với phát triển kinh té hàng hải.

Lợi thế về giáp biển, là "cú hích" cho phát triển du lịch bền vững cộng với phát triển kinh té hàng hải.

"Trong quá trình hợp nhất, tương lai sẽ phát triển hệ sinh thái giáo dục chất lượng cao khi Tp.HCM có nhiều đại học trọng điểm, R&D, viện nghiên cứu. Bình Dương phát triển mô hình "thành phố đại học", như Đại học Quốc gia Tp.HCM, Trường quốc tế Việt Đức; Bà Rịa - Vũng Tàu có các chương trình đào tạo kỹ sư dầu khí, năng lượng. Sẽ tạo nên khu vực đào tạo nhân lực kỹ thuật – công nghệ – logistics – tài chính cấp cao, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.

Công với việc khi hợp nhất, dân số kết hợp ~20 triệu người, GRDP gộp hơn 40% GDP cả nước. Có thể cạnh tranh trực tiếp với các siêu vùng như Bangkok, Quảng Đông – Thâm Quyến, Singapore – Johor – Batam (tam giác kinh tế Đông Nam Á), một Thành phố xanh hiện đại, nơi đáng sống và xây dựng gia đình của các thế hệ trẻ tri thức cao. Đây chính là nội lực để thành Siêu vùng kinh tế - Đô thị hóa xanh kiểu mới", TS Nguyễn Hữu Hảo nhận định.

Cú hích cho phát triển du lịch bền vững

TS Trương Thị Hồng Minh, Trưởng khoa Du lịch Nhà hàng Khách sạn Trường đại học Hoa Sen chia sẻ: "Việc sáp nhập Bình Dương và Tp.HCM - Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ góp phần tạo nên liên kết vùng trong phát triển du lịch, không chỉ là xu hướng mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để nâng tầm vị thế của điến đến du lịch.

Thứ nhất là việc kết hợp tài nguyên du lịch cũng là thế mạnh của các địa phương khác nhau sẽ góp phần tạo ra các nhóm sản phẩm du lịch mới, nâng cao trải nghiệm cho du khách tại điểm đến đó góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng trong việc xây dựng thương hiệu du lịch vùng ấn tượng.

Điểm sáng đặc biệt nằm ở khả năng tạo ra những sản phẩm du lịch liên vùng mang đậm bản sắc, kết nối liền mạch các điểm đến hấp dẫn, từ đó thu hút những phân khúc thị trường mới đầy tiềm năng.

Việc triển khai quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch của điểm đến cũng sẽ bài bản và cạnh tranh hơn với các điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, việc sát nhập còn mở ra cơ hội tối ưu hóa hạ tầng cơ sở một cách thông minh và hiệu quả, từ các đầu mối giao thông huyết mạch như sân bay, đường cao tốc đến hệ thống giao thông công cộng, loại bỏ sự trùng lặp và lãng phí không đáng có.

"Việc sáp nhập trên sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp, nâng cao vượt bậc năng lực cạnh tranh của điểm đến, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp mà còn góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cả khu vực. Tuy nhiên cần xây dựng khung pháp lý và cơ chế quản lý hiệu quả cho việc sát nhập, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và tạo động lực toàn diện cho tất cả các tỉnh, thành phố cùng nhau phát triển", TS Trương Thị Hồng Minh nhận định.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khi-tphcm-khong-con-don-doc-bai-2-the-kieng-ba-chan-vung-chai-cho-fdi-va-logistics-204250423113333627.htm
Zalo