Quảng Ngãi và Kon Tum họp bàn thống nhất phương án hợp nhất
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Kon Tum họp lần 2, thống nhất nhiều nội dung quan trọng liên quan việc hợp nhất hai tỉnh và xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới.
Chiều 11/5, tại tỉnh Quảng Ngãi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức buổi làm việc lần 2 cho ý kiến một số nội dung liên quan việc hợp nhất 2 địa phương, cho ý kiến về Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi và ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đồng chủ trì cuộc làm việc.

Các đại biểu thảo luận về các nội dung cuộc họp
Tại đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum thảo luận, cho ý kiến về Phương án tổng thể sắp xếp cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý tại cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; số lượng đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy 2 tỉnh cũng thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (mới) nhiệm kỳ 2025 - 2030; Thảo luận về phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.
Nhiệm kỳ tới, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2026 - 2030 từ 10%/năm trở lên; Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người khoảng 7.100 - 7.200 đô la Mỹ.
Văn kiện trình tại Đại hội Đảng biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2025- 2030 xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thúc đẩy hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; Đẩy mạnh phát triển du lịch; phát triển Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển - đảo; phát triển Khu du lịch Măng Đen trở thành một trong những trọng điểm về phát triển du lịch cả nước…
Ba nhiệm vụ đột phá là: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên hạ tầng giao thông, đô thị, công nghệ phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng để phát triển nhanh và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh, cấp xã, có đủ phẩm chất, năng lực, tư duy mới, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Tập trung cải cách hành chính, phát triển chính quyền điện tử; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum khẳng định việc sáp nhập rất có lợi cho tỉnh Quảng Ngãi (mới) vừa có cảng biển, Khu Kinh Tế Dung Quất, đặc khu Lý Sơn, lên phía Tây có rừng, có Khu cửa khẩu quốc tế Bờ Y, nằm ở ngã ba Đông Dương, qua 4 tỉnh Nam Lào và Thái Lan. Đây là lợi thế rất lớn để phát triển logistic. Tỉnh Quảng Ngãi mới còn có thế mạnh dược liệu là cây sâm Ngọc Linh, cần phải chú trọng công nghệ chế biến sâu để nâng giá trị sản phẩm.

Ông Dương Văn Trang, Bí thư tỉnh ủy Kon Tum
“Sau khi sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ sở hữu nguồn dược liệu đặc hữu là cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay, diện tích trồng đã đạt 3.000 ha, tôi đề nghị đến năm 2030 cần mở rộng thêm 3.000 ha nữa. Khi đạt 6.000 ha vào năm 2030, vấn đề đặt ra là phải có phương án chế biến sâm Ngọc Linh như thế nào. Hiện nay chúng ta chủ yếu bán thô, sử dụng thô, chưa có chế biến sâu. Khi có diện tích lớn và sản lượng cao, việc xây dựng nhà máy chế biến là hết sức cần thiết. Một kilogam sâm Ngọc Linh, nếu được chế biến sâu, có thể đạt giá trị từ 500 đến 700 triệu đồng. Chúng ta cần nghiên cứu, đưa nội dung này thành một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của nhiệm kỳ tới trong việc kêu gọi đầu tư”, ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, khi sáp nhập tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có nhiều lợi thế. Quy mô kinh tế của Quảng Ngãi hiện đứng thứ 24 trong cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung xây dựng Trung tâm năng lượng lọc hóa dầu quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn 2; tập trung hoàn thành dự án Thép Hòa Phát Dung Quất 2 và đang triển khai xây dựng dự án thép chất lượng cao phục vụ cho đường sắt tốc độ cao. Đây cũng là thuận lợi cho tỉnh trong giai đoạn tới để tập trung phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ, du lịch. Vì vậy, văn kiện đại hội trong nhiệm kỳ tới phải nêu rõ những thuận lợi để phát huy lợi thế nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ngãi mới trở thành tỉnh khá vào năm 2030. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh:
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi khẳng định: “Chúng ta đã có nền tảng của một tỉnh công nghiệp và đang tiếp tục định hướng phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, đồng thời đưa dịch vụ, du lịch trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc gia. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tất cả những lợi thế, tiềm năng và thuận lợi này phải được thể hiện đầy đủ trong văn kiện. Văn kiện cần thể hiện tinh thần cốt lõi là định hướng phát triển, nhưng quan trọng hơn là phải cụ thể hóa thành các chương trình hành động thiết thực. Tôi đề nghị các đồng chí trong tổ biên tập, tiểu ban văn kiện hai tỉnh – đặc biệt là tổ công tác chung – cần nghiêm túc tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại hội nghị hôm nay để cụ thể hóa vào nội dung văn kiện”.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum tập trung thảo luận, cho ý kiến Phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum. Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 1 ngàn cán bộ, công chức, người lao động, trong đó có 116 người thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý. Qua khảo sát, có 104 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum quản lý có nhu cầu bố trí nhà ở công vụ, 991 người có nhu cầu hỗ trợ tiền thuê nhà.
Để đảm bảo chỗ ở ổn định, thuận tiện cho công tác của cán bộ, công chức, người lao động tỉnh Kon Tum xuống Quảng Ngãi làm việc sau sắp xếp, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập Phương án sắp xếp, bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, người lao động sau khi sắp xếp tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum.