Khi thành phố cất lời 'thưa bà con'

Chiếc xe 11 chỗ đổ đèo Bảo Lộc lúc nửa đêm. Ở hàng ghế đầu là 2 cô bé xuống TPHCM học nghề tóc. Hàng tiếp theo là các chú, các bà đi khám bệnh. Những hành khách phía sau trở thành 'khán giả' của cuộc dặn dò liên tỉnh.

- Chời ơi bà Bảy hổng phải lo gì hết, hổng ấy lát tui dắt bà vô trỏng lấy số.

Anh tài xế trấn an bà Bảy, sau khi bà năm lần bảy lượt hỏi về đường đi nước bước khi khám bệnh ở cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

- Đi thành phố thì không lo gì hết, không biết đường thì hỏi người ta, khát nước mà “kẹo” quá thì có nước uống miễn phí, khám bệnh hết tiền thì ra quán cơm từ thiện. Rồi muốn về lại Bảo Lộc thì gọi con nghen!

 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi công nhân, người lao động trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thăm hỏi công nhân, người lao động trong dịp Tết Ất Tỵ 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG

Anh tự cười hề hề, rồi nói tiếp:

- Nói chứ, Sài Gòn cũng có chuyện này chuyện kia. Như mấy em này nè, lát mà xuống xe ở hẻm đó thì con phải chở vô tới nhà. Hai đứa con gái mà đi bộ lúc rạng sáng ở khu đó thì cũng hơi ghê. Mà hổng sao, cái gì cũng có giải pháp. Nhà anh ba đời ở Sài Gòn, rành sáu câu. Mà anh là đời đầu tiên nhen mấy đứa!

Cả xe phì cười. Anh tài xế quê An Giang, sống ở TPHCM. Anh chạy tuyến Sài Gòn - Bảo Lộc đã 7 năm. Nhưng với cái điệu “nói chứ”, “rành sáu câu”, anh đã là một Sài Gòn thứ thiệt. Một Sài Gòn rất… “có giải pháp”, làm người ta yên tâm, thư giãn. Lúc xuống tới con hẻm ở Bình Thạnh, anh tài xế ngoái đầu nói “bà con thông cảm”, rồi lách xe vào hẻm, tìm nhà giúp hai cô gái đi học nghề tóc.

Anh tài xế cũng thư giãn hẳn, vặn volume chiếc loa lên một chút, phát ra một bài Không tên. Tôi thấy mình như vừa có một trải nghiệm thần sầu về Sài Gòn - TPHCM, tất cả: cái xốc vác, nhiệt tình của “người đến trước”; cái bỡ ngỡ, lo âu của người mới đến; cùng sự gửi gắm, nâng đỡ họ dành cho nhau. Và lúc này, là khoảnh khắc thưởng thức đời sống theo lối bình dị mà hào hoa nhất của Sài Gòn…

Gần 20 năm đến TPHCM lập nghiệp, lập gia đình, mang hộ khẩu thành phố; tôi nhận ra vùng đất này không có “người bản địa”, không có “Sài Gòn gốc”; chỉ có người đến trước và người đến sau. Dường như từ thuở những lưu dân từ khắp nơi tìm về phương Nam, giữa rừng thiêng nước độc, người ta đã thấm thía sức mạnh của sự đùm bọc, cưu mang, đã thấu rõ sức mạnh của nhân nghĩa, đoàn kết. Rồi khi cộng đồng trưởng thành trong dáng dấp một trung tâm kinh tế hàng đầu, người ta lại sinh tồn trong cái quán tính phường hội, “buôn có bạn, bán có phường”. Sài Gòn - TPHCM chứng kiến sự cố kết của cộng đồng kinh doanh, hiểu rõ sức mạnh của sự liên kết, hỗ trợ nhau. Rồi trong nhịp sống của một đô thị đa văn hóa, lớp lớp người nhập cư nối gót nhau hàng thế kỷ - người sau lại dang tay với người trước.

Tình người ở đây được bồi đắp tầng tầng lớp lớp những dòng chảy đời sống, rồi thành cái thần của đất đai, khiến người ta hễ bước chân vào, là như một bước “nhúng” mình vào quán tính tập thể - cái quán tính hào hiệp, xởi lởi và cũng… bao đồng.

Hồi tôi chuẩn bị vô TPHCM học đại học một mình, ông bác hàng xóm vốn là tay buôn ve chai “về hưu” nói:

- Nó vô đó toàn bà con, lo gì? Trong đó, ai cũng là bà con. Tới bệnh viện, ra ủy ban, người ta gọi mình là “bà con” hết đó. Mình có chuyện là bà con xúm vô giúp à!

Tôi đã mang theo lời nói nửa đùa nửa thật của bác hàng xóm mà không hề hay biết. Cho đến cái buổi sáng ngày 21-8-2021, một chiếc xe bán tải đậu ở ngã tư gần Bến xe quận 8. Giữa đường sá vắng tanh, chiếc xe phát ra giọng một người đàn ông Nam bộ, chắc chắn, trang trọng, mà ân cần:

- …Chúng tôi luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà bà con phải chịu đựng. Luôn xem phục vụ bà con là trung tâm, sự an toàn của bà con là trên hết. Trước hết, mong bà con cảm thông, chia sẻ với những khó khăn của thành phố…

Tôi đã bật khóc. Nhiều người trong nhóm chat chung cư nhắn nhau “nghe thông báo đi, xúc động quá…”. Lúc ấy, chúng tôi đã ở trong nhà gần 3 tháng vì dịch bệnh. Cả thành phố bị phong tỏa. Hầu hết giao tiếp của người dân đều thông qua nhóm chat. Hàng xóm thỉnh thoảng thấy nhau trên các ứng dụng “cầu cứu quanh đây”.

Khi đó, chúng tôi tiếp tế đồ ăn cho nhau qua… những cây gậy dài, một đầu buộc thức ăn, đầu kia là cánh tay của người tốt. Những xe chở rau từ khắp nơi đưa đến các khu dân cư, lập thành các điểm nhận thực phẩm miễn phí… Tất cả diễn ra câm lặng, cả thành phố như nín thở, náu mình trước đau thương.

Và mấy chữ “thưa bà con” cùng lời dặn dò từ chính quyền thành phố hôm ấy làm vỡ òa tất cả những kìm nén, chấp nhận bao ngày. Hơn mười triệu dân của thành phố năng động bậc nhất im lặng chịu đựng gần 3 tháng trời, không hẳn vì dịch, mà là vì 2 chữ “bà con” này đây. Người ta phải nương tựa vào nhau, đồng lòng với nhau như những người bà con thực sự. Dịch bệnh dội những nỗi đau chí mạng vào từng con người, nhưng lại thách thức họ phải đồng lòng, cố kết để vượt thoát. Và khi thành phố cất lời “thưa bà con”, tất cả vỡ òa, vì hiểu sức mạnh đã khiến mình sinh tồn đến giờ phút đó. Và hiểu, từng con người đang cô độc sau cánh cửa là một phần máu thịt của thành phố, họ còn có “bà con”…

Đã 4 năm, thỉnh thoảng ngồi nhìn đường phố, tôi vẫn “không thể tưởng tượng thành phố từng trải qua một trận dịch khủng khiếp đến vậy”. Thành phố đã hồi sinh. Trong ký ức tang thương vẫn hiện lên hình ảnh của những ATM gạo, những tình nguyện viên trầm mình trong bộ đồ bảo hộ chạy khắp đường phố để tiếp tế bình oxy, khẩu trang y tế trở nên khan hiếm nhưng cũng trở thành món quà mà người ta chia sớt cho nhau khắp thành phố này.

Từ “bà con” vì thế đâu phải chỉ người Sài Gòn - TPHCM dành cho nhau. Mỗi lần đâu đó có thiên tai, mọi người lại xáo xác những chuyến cứu hộ, những cuộc kêu gọi xôn xao “vì bà con vùng bão, lũ”. Hồi bão Yagi hoành hành miền Bắc, ngoài những chuyến cứu trợ liên tục từ các cơ quan đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM gửi đến vùng lũ 120 tỷ đồng từ sự chung tay của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong số đó, có cánh tay nào đã chìa ra mà không mang theo cảm thức “vì bà con vùng lũ”...

Mỗi lần đi qua một biến cố, người Sài Gòn lại bồi đắp, làm sâu nặng thêm hai chữ “bà con”. Ở đó, nó vượt qua nghĩa phổ thông về huyết thống dòng tộc, trở thành danh xưng từ lòng hào hiệp, với giao ước ngầm về sự tương trợ, nâng đỡ, cưu mang… Để một chữ “bà con” vang lên trong câu chuyện kể về Sài Gòn, có thể vượt muôn vàn lời trấn an, giảng giải. Khiến những “tay mơ” như tôi hồi 20 năm trước, hay như bà Bảy trong chuyến xe khám bệnh - phút chốc thấy mình lọt thỏm trong cái nhân nghĩa đã từng nghe thấy về Sài Gòn - TPHCM danh bất hư truyền.

MINH TRÂM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khi-thanh-pho-cat-loi-thua-ba-con-post793098.html
Zalo