Cân bằng giữa công việc và gia đình luôn là bài toán khó
Sau thời gian dài dồn toàn bộ tâm trí cho công việc và bỏ bê gia đình, nhiều nhân sự quyết định bỏ việc để ở bên người thân nhiều hơn. Cân bằng giữa hai điều này không hề dễ.

Cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình là điều không dễ dàng. Ảnh minh họa: M.K.
“Nửa năm nay, nếu tôi không ở sân bay, thì là trên đường đến sân bay. Tôi đã bay nhiều đến mức có một thẻ vàng trong nửa năm. Về đến nhà mà con tôi còn không nhận ra tôi”.
“Mỗi tháng tôi phải đi công tác ba tuần. Các việc liên quan đến con cái đều do trợ lý của tôi giúp đỡ”. “Mỗi tháng có đến nửa tháng là tôi đi công tác ở nơi khác. Con cái quá nhỏ nhưng tôi không thể chăm sóc gia đình. Bà xã luôn cãi nhau với tôi vì điều này...”
Và đây là một ví dụ khác. “Một giám đốc nhân sự trong ngành công nghệ nổi tiếng đã rời công ty sau bảy năm gắn bó. Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học của con gái, cô xin nghỉ việc, ở nhà tập trung chăm sóc con suốt nửa năm. Sau khi con gái vượt qua kỳ thi với kết quả như mong muốn, cô trở lại nơi làm việc, và cô đã rất hạnh phúc”.
“Năm nay con tôi thi đại học nhưng tôi thường xuyên phải đi công tác, làm thế nào để chăm sóc con? Tôi muốn tìm một công việc không cần đi công tác thường xuyên, thu nhập thấp một chút cũng không sao!”
“Vợ tôi và tôi đều bận rộn với công việc, không quản lý tốt con trai mình. Bây giờ cháu phải ôn thi lên cấp Ba, nhưng kết quả học tập không tốt. Tôi muốn tìm một công việc không quá bận rộn, chỉ cần đi làm giờ hành chính và dành thời gian bên con thật nhiều!”
“Công ty muốn cử tôi đi công tác xa. Con trai tôi còn nhỏ, nhà không có ông bà, vợ tôi cũng bận. Tôi muốn tìm một công việc lâu dài ở Bắc Kinh để tiện chăm sóc con trai”.
“Con gái tôi đang học tiểu học. Cháu tan học sớm, không thể không có người đón cháu. Vì vậy tôi muốn tìm một công việc mà không phải thường xuyên làm thêm giờ”.
“Bạn trai ở Bắc Kinh, tôi ở Hàng Châu. Hy vọng có thể có cơ hội tới Bắc Kinh phát triển”.
“Vợ con tôi đều ở Bắc Kinh, tôi ở Thượng Hải lâu dài cũng không hay. Tôi mong tìm cơ hội trở về Bắc Kinh!”
“Vợ tôi đã nói hoặc là ly hôn, hoặc là trở về Bắc Kinh. Tôi ở nước ngoài, sự nghiệp phát triển rất tốt, nhưng cứ xa nhau lâu thế này cũng không ổn. Hơn nữa chúng tôi cũng muốn có con. Bởi vậy tôi đang xem xét cơ hội nghề nghiệp ở Bắc Kinh”.
Mỗi lần nghe những chia sẻ này của ứng viên, cảm giác đầu tiên của tôi là những người đi làm thật khó có thể cân bằng công việc và gia đình. Đó là lý do vì sao chương trình "Bố ơi mình đi đâu thế?" thu hút nhiều sự quan tâm như vậy.
Trong tình huống này, quan điểm của tôi là ủng hộ nhảy việc. Gia đình là mối quan tâm hàng đầu trong cuộc sống. Thời gian dành cho gia đình là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời bạn. Hãy trân trọng nó.
Vợ chồng đoàn viên là lẽ đương nhiên. Tôn trọng bạn đời, trân trọng gia đình chắc chắn phải là ưu tiên hàng đầu cho một cuộc sống tốt đẹp. Theo ý kiến của tôi, thành công của đời người không chỉ giới hạn ở sự thăng tiến trong công việc. Hạnh phúc trong cuộc sống là điều quan trọng nhất.
Nếu là những người cha và người mẹ, chúng ta phải tìm cách tạo ra một tuổi thơ tuyệt vời cho con cái. Bác sĩ, nhà tâm lý học người Áo Freud Sigmund là người sáng lập ra lý thuyết phân tích tinh thần nổi tiếng. Lý thuyết về phát triển nhân cách của ông có hai đặc điểm quan trọng:
Một là nhấn mạnh vai trò của bản năng sinh học đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Hai là nhấn mạnh vai trò của những trải nghiệm của trẻ nhỏ trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Freud cho rằng con người sẽ trải qua năm giai đoạn phát triển.
Sự phát triển của các giai đoạn khác nhau có trơn tru, thuận lợi hay không sẽ có tác động lớn đến tính cách trong tương lai, đặc biệt là sự thỏa mãn mong muốn và thất bại trong thời thơ ấu có liên quan mật thiết đến sự phát triển nhân cách. Các bé quá nhỏ, chúng ta cần dành thời gian và sức lực để chăm sóc, đồng hành, giáo dục và yêu thương bằng những cách thức và phương pháp tốt đẹp.
Sau nhiều năm làm công việc săn đầu người, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng nhảy việc rất hấp dẫn, nhưng tình hình thực tế là việc làm tốt đều là nguồn lực khan hiếm. Cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới có thể có được ông việc như ý. Vì con cái, rất nhiều cha mẹ đã nhảy việc. Nhưng ai nói rằng vì con cái mà từ bỏ một công việc không phải là một kiểu từ bỏ hợp lý đây?