Khí thải phương tiện giao thông thầm lặng hủy hoại sức khỏe con người
Theo chuyên gia y tế, các chất tiêu biểu trong khói xe phổ biến như carbon dioxide (CO2), carbon monoxide (CO), nitric oxides (NO, NO2), sulfur dioxide, benzen… đều gây hại tới sức khỏe con người.
Theo kết quả từ 3 chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy tại 3 thành phố là TP Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, xe trên 5 năm đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm có tỷ lệ phát thải rất lớn. Trong khi đó, xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả 3 thành phố đều chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn. Cụ thể, ở Hà Nội chiếm 72,58%, tại TP.HCM chiếm 68% và tại Đà Nẵng chiếm trên 59%. Các chất tiêu biểu trong khí thải ô tô, xe gắn máy phổ biến như carbon dioxide (CO2), carbon monoxide (CO), nitric oxides (NO, NO2), sulfur dioxide, benzen…
Ghi nhận tại các thành phố lớn, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính, đây cũng là phương tiện phát thải khí thải lớn nhất ra môi trường.
Theo BS Trần Thị Thúy Tường, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, trong khí thải phương tiện giao thông chứa khá nhiều các chất độc hại ảnh hưởng đến bệnh lý đường hô hấp, mũi xoang, não bộ, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, đột quỵ, bệnh lý da, mắt, ung thư.
Đơn cử với chất CO2, tùy vào hàm lượng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe từ nhức đầu, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bất tỉnh, có thể gây tử vong nếu hàm lượng cao. CO cũng là một trong những thành phần khí thải xe máy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu hít phải CO nhiều khiến bạn bị nhức đầu, nôn mửa, mệt mỏi và có thể dẫn đến tử vong.
NO và NO2 ở liều lượng cao, sẽ gây hại hệ mạch máu, tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch, đột quỵ. Sulfur dioxide có thể gây rối loạn hô hấp, ảnh hưởng xấu đến hệ hoạt động của cơ thể. Ngoài ra các phần tử cực nhỏ và các hợp chất hydrocarbons đa vòng có trong khí thải xe máy, cũng có thể gây tổn thương mô phổi và tăng nguy cơ gây ung thư.
Theo WHO, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%.
Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Do đó WHO đã khuyến cáo nếu không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.
Theo quy định tại Luật Trật tự ATGT, môtô, xe gắn máy sẽ phải thực hiện kiểm định khí thải từ ngày 1/1/2025. Luật cũng quy định việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phải được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và được cơ sở đăng kiểm cấp giấy chứng nhận kiểm định.
Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, "thực tế rất nhiều người chạy chiếc xe máy tới 4 - 5 năm không bảo dưỡng. Đó là phương tiện di chuyển hằng ngày của người lao động, nhưng như vậy không chỉ ô nhiễm môi trường mà còn gây mất an toàn cho chính bản thân họ. Nhiều nước đã kiểm soát khí thải xe máy từ rất lâu. Ai cũng phải có trách nhiệm với môi trường, tránh hệ lụy lâu dài đến sức khỏe con người",
Một chuyên gia giao thông đề xuất về lâu dài để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì phải xem xét nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kiểm soát khí thải ô tô lên ngang bằng với các nước trên thế giới; Đồng thời, kiểm soát khí thải bắt buộc đối với mô tô, xe máy; Tập trung siết chặt việc kiểm tra, xử lý đối với ô tô cũ, xe buýt xả thải khói đen trên đường phố. Mặt khác phải đầu tư hạ tầng, điều tiết giao thông để hạn chế kẹt xe và khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện "xanh" như xe máy điện, xe buýt điện, tàu điện…