Cách đo huyết áp đúng
Tăng huyết áp là một bệnh lý nguy hiểm, khi áp lực máu lên thành động mạch tăng cao hơn mức bình thường.
Tăng huyết áp được xác định khi người bệnh có huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg.
Hầu hết trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ qua việc đo huyết áp tại nhà hoặc trong các buổi khám sức khỏe định kỳ. Phát hiện và kiểm soát sớm tăng huyết áp đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh tim mạch, đột quỵ và các biến chứng nguy hiểm khác.
Bác sĩ Nguyễn Minh Thắng, khoa Dinh dưỡng - Bệnh không lây, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đo huyết áp đúng cách là phương pháp đơn giản, nhanh chóng nhất để xác định trị số huyết áp và phát hiện sớm tình trạng tăng huyết áp. Vì vậy, người dân cần thực hiện để đảm bảo kết quả đo huyết áp chính xác, cụ thể.
Trước khi đo huyết áp, mọi người cần nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5-10 phút, không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ.
Tư thế đo chuẩn là người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, chân không bắt chéo, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim.
Mọi người đều có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
Bề dài bao đo (nằm trong băng quấn) tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Người đo quấn băng đủ chặt, bờ dưới của bao đo cách nếp lằn khuỷu khoảng 2 cm, và đặt máy ở vị trí ngang mức với tim. Lưu ý, trong khi đo người đang được đo không nói chuyện.
Đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu kết quả giữa hai lần đo chênh lệch trên 10 mmHg, đo lại sau khi đã nghỉ ngơi trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
Bác sĩ Thắng lưu ý, mọi người ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng huyết áp tối đa/huyết áp tối thiểu, không làm tròn số đo (ví dụ 126/82 mmHg).