Khi suối đã hóa sông lớn, sao lại xóa bỏ Hội đồng trường đại học thành viên

Trước đề xuất bỏ HĐT ở trường đại học thành viên trong dự thảo Luật, chuyên gia cho rằng, dòng suối nhỏ đã hóa thành sông lớn, không thể quay lại trạng thái cũ.

Đây là ý kiến được đưa ra bàn luận tại tọa đàm trực tuyến “Góp ý xây dựng Luật Giáo dục đại học sửa đổi” chiều ngày 19/5. Tọa đàm do Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức.

 Tọa đàm trực tuyến “Góp ý xây dựng Luật giáo dục đại học sửa đổi” diễn ra chiều ngày 19/5. Ảnh chụp màn hình

Tọa đàm trực tuyến “Góp ý xây dựng Luật giáo dục đại học sửa đổi” diễn ra chiều ngày 19/5. Ảnh chụp màn hình

Cảnh báo nguy cơ tụt hậu nếu cắt giảm vai trò của Hội đồng trường ở trường đại học thành viên

Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, lãnh đạo một số trường đại học thành viên nhận xét, dự thảo luật đánh giá chưa sâu sát về thực trạng trong nước, chưa chỉ ra được nguyên nhân căn bản để phát triển chính sách.

Cụ thể, theo dự thảo, Luật Giáo dục đại học hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế về tự chủ, quản trị, đặc biệt là mô hình đại học 2 cấp (đại học vùng, đại học quốc gia). Từ góc độ trường đại học thành viên (thuộc đại học vùng), nhiều thầy cô cho rằng, dự thảo luật cần làm rõ bất cập ở mô hình đại học 2 cấp, trong đó làm rõ sứ mạng “giải quyết các vấn đề của vùng”; vai trò hỗ trợ sự phát triển cho các trường đại học “gốc” (về đội ngũ, cơ sở vật chất, quy mô và chất lượng đào tạo, đề tài, dự án khoa học công nghệ); những rào cản đối với các trường đại học thành viên khi ở trong đại học.

 Hiện nay, ở nước ta, đại học quốc gia, đại học vùng đang được tổ chức theo mô hình đại học 2 cấp (trường đại học trong đại học. Ảnh minh họa: Đại học Thái Nguyên

Hiện nay, ở nước ta, đại học quốc gia, đại học vùng đang được tổ chức theo mô hình đại học 2 cấp (trường đại học trong đại học. Ảnh minh họa: Đại học Thái Nguyên

Theo các thầy cô, một điểm đáng chú ý tại dự thảo là phương án không thành lập hội đồng trường trong các trường đại học đại thành viên thuộc đại học vùng, đại học quốc gia.

Bàn về vấn đề này, một thầy cô nêu, Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 đã đặc biệt nhấn mạnh vai trò quản trị của hội đồng trường. Trước đây, khi chưa có cơ chế tự chủ, các quyết định quan trọng của trường đại học thành viên thường phải qua nhiều cấp trung gian, từ hiệu trưởng đề xuất, các ban chuyên môn của đại học thẩm định, rồi trình giám đốc đại học xem xét, chỉ đạo các ban triển khai rồi các ban chỉ đạo các trường đại học thành viên,… khiến quy trình trở nên rườm rà và thiếu linh hoạt. Tuy nhiên, khi hội đồng trường phát huy quyền tự chủ, các quyết sách gần như được đưa ra một cách nhanh chóng, phù hợp hơn với thực tiễn, tạo nên chuyển biến rõ nét trong hoạt động của các trường đại học thành viên.

“Các trường đại học thành viên là trường đại học đa ngành, có nền tảng xây dựng lên tới 50-60 năm nên nếu nhiệm vụ hội đồng trường của trường đại học thành viên được chuyển lên cho hội đồng đại học sẽ tiềm ẩn nguy cơ kém hiệu quả hoạt động vì không bám sát điều kiện thực tiễn của trường sẽ dẫn đến sự tụt hậu cho các trường đại học thành viên”, một chủ tịch hội đồng trường chia sẻ.

Hơn nữa, việc không thành lập hội đồng trường ở các trường đại học thành viên là chưa đáp ứng được tinh thần của: Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Thông tư số 03/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc bỏ cơ chế hội đồng trường với tư cách là hội đồng quản lý cấp cơ sở của trường đại học thành viên (không phải là cấp trung gian) chưa phù hợp với chủ trương, tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Mỗi trường đại học thành viên cần được duy trì cơ chế hội đồng trường, nhằm đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với vai trò xây dựng và quản trị chiến lược của mỗi trường đại học thành viên, do đặc thù đa ngành, đa lĩnh vực trong đại học vùng và đại học quốc gia.

Đồng thời, với vị trí là thiết chế quản trị đại học, nếu không có hội đồng trường thì cơ sở giáo dục đại học sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ tự chủ đại học và phát triển bền vững.

Từ thực tiễn trên, một số thầy cô đề xuất hai phương án liên quan đến việc tăng cường tự chủ, nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục đại học và hiệu lực quản lý nhà nước. Cụ thể:

Phương án thứ nhất, cơ bản giữ các quy định hiện hành về tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; các trường đại học thành viên thực hiện quyền tự chủ về tổ chức và hoạt động như các cơ sở giáo dục đại học khác; không quy định trường thành viên trong cơ cấu các đại học, trừ đại học quốc gia, đại học vùng; không thành lập hội đồng trường ở các trường đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Phương án này sẽ giúp phân quyền rõ ràng, trường đại học thành viên có điều kiện phát huy nội lực, tăng tính cạnh tranh và sáng tạo. Đại học vùng giữ vai trò điều phối các nhiệm vụ “cấp vùng” (như đặt hàng nghiên cứu, đào tạo ngành chiến lược), tránh chồng chéo nhiệm vụ của các trường thành viên. Tăng hiệu quả trong ra quyết định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cải tiến chương trình và huy động nguồn lực tại cấp trường. Tạo cơ sở để gắn kết chặt chẽ giữa tự chủ học thuật - tổ chức - tài chính và trách nhiệm giải trình.

Phương án thứ hai, cơ bản giữ các quy định hiện hành về tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học; tách các trường đại học thành viên đủ năng lực tự chủ khỏi đại học vùng, đại học tập trung nguồn lực, điều phối và hỗ trợ phát triển các đơn vị thành viên còn lại - hướng tới mô hình “nòng cốt vùng” thay vì “tập quyền”; không quy định trường thành viên trong cơ cấu các đại học, trừ đại học quốc gia, đại học vùng; không thành lập hội đồng trường ở các trường đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Phương án này sẽ giữ vững các nguyên tắc của Luật hiện hành về tự chủ và mô hình phân cấp quản trị; không phá vỡ mô hình đại học 2 cấp, nhưng mở ra cơ chế linh hoạt trong phân quyền tổ chức; tránh được tình trạng rập khuôn cứng mô hình tổ chức, đồng thời giữ được định hướng Nghị quyết 29/NQ-TW và Nghị quyết 18/NQ-TW về phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, có thể tăng hiệu quả sử dụng ngân sách, khi đại học vùng đóng vai trò là đầu mối phân bổ có chọn lọc thay vì quản lý toàn diện; tăng động lực nội tại cho các trường đang mạnh và giữ được mạng lưới hỗ trợ từ đại học vùng đối với trường yếu.

Xóa cấp trực tiếp, giữ cấp trung gian: Mâu thuẫn với tinh thần Nghị quyết 18

 Ảnh chụp màn hình

Ảnh chụp màn hình

Chia sẻ tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng bày tỏ nhất trí cao với quan điểm cần giữ lại thiết chế hội đồng trường ở các trường đại học thành viên (thuộc đại học quốc gia, đại học vùng).

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - nguyên Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, đối với mô hình đại học 2 cấp, cần được nhìn nhận đúng bản chất và vai trò trong tiến trình tự chủ đại học. Đặt trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là làm sao có giải pháp vận hành hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong từng trường đại học thành viên.

Hội đồng trường chính là thiết chế cốt lõi đảm bảo thực thi quyền tự chủ thực chất. Trong tiến trình tự chủ, nếu không có hội đồng trường thì mọi quyết định đều phải xin ý kiến cấp trên, và điều này có thể dẫn đến mọi thứ bị trì trệ, không thể triển khai kịp thời.

Thầy ví tự chủ đại học giống như hình thức "khoán" - tức là giao quyền, giao trách nhiệm và để đơn vị tự quyết trong khuôn khổ luật pháp. Do đó, muốn gom các trường đại học thành viên lại thành một thể thống nhất kiểu “college” là không khả thi. Các trường đại học thành viên hiện nay vốn đã là những trường đại học thực thụ, có lịch sử, có uy tín, có đội ngũ, có thương hiệu.

“Lịch sử để lại, các trường đại học thành viên trước đây đều là trường đại học. Nay suối đã thành sông rồi. Giờ sông đã lớn, lại bảo quay lại gọi là suối thì sao được,” thầy Đức ví.

Vì vậy, tổ chức và quản lý các trường đại học thành viên phải tôn trọng thực tế này, không nên gộp lại mà cần thiết kế cơ chế vận hành phù hợp, đảm bảo quyền tự chủ qua hội đồng trường hoạt động hiệu quả.

Tương tự, một chủ tịch hội đồng trường là trường đại học thành viên thuộc đại học vùng ở miền Trung cũng cho rằng, cần tiếp tục duy trì cơ chế hội đồng trường của các trường đại học thành viên trong đại học.

Theo thầy phân tích, trong mô hình đại học 2 cấp, hội đồng trường của trường đại học thành viên là hội đồng quản lý trực tiếp, trong khi đó, hội đồng đại học vùng hoặc đại học quốc gia là cấp trung gian. Việc bỏ hội đồng trường (tức là bỏ hội đồng quản lý trực tiếp) và giữ lại hội đồng đại học (cấp trung gian) là chưa phù hợp với chủ trương, tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Do đó, không những cần phải duy trì hội đồng trường của các trường đại học thành viên mà còn phải trao quyền thực chất hơn nữa cho hội đồng trường của các trường đại học thành viên (đặc biệt là các trường tự chủ mức 1, 2) để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học thành viên phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn,… Đồng thời, với vị trí là thiết chế quản trị đại học, nếu không có hội đồng trường thì cơ sở giáo dục đại học sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ tự chủ đại học và phát triển bền vững.

Hoàn thiện thiết chế Hội đồng: Từ cơ cấu tổ chức đến quyền hạn thực chất

Bên cạnh các ý kiến bàn về việc giữ hay bỏ thiết chế hội đồng trường ở các trường đại học thành viên trong đại học vùng/đại học quốc gia, tại tọa đàm, nhiều lãnh đạo cũng đề cập thêm nhiều nội dung khác liên quan đến việc vận hành thiết chế hội đồng trường nói chung.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược Thái Bình đề nghị, Luật sửa đổi cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm và quyền hạn giữa hội đồng trường và hiệu trưởng, nhằm tránh tình trạng chồng chéo hoặc mơ hồ trong thực tiễn quản trị nhà trường. Ranh giới giữa hoạch định chiến lược (vai trò của hội đồng trường) và tổ chức thực thi (vai trò của hiệu trưởng) cần được pháp luật hóa một cách rành mạch để nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản trị.

Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng cường vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của thường trực hội đồng trường, bởi đây là bộ phận giúp hội đồng trường duy trì sự vận hành linh hoạt, kịp thời. Bên cạnh việc tổ chức họp định kỳ (3 tháng một lần), trong những trường hợp cần thiết, nên có quy định cho phép hội đồng trường có thể ủy quyền cho thường trực hội đồng trường giải quyết các vấn đề phát sinh đột xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách và nâng cao tính chủ động trong điều hành.

Liên quan đến bộ máy giúp việc cho hội đồng trường, thầy Tiến nhấn mạnh sự cần thiết phải có quy định cụ thể hơn trong luật.

Đại diện Trường Đại học Y Hà Nội cũng đề xuất Luật sửa đổi cần luật hóa, quy định rõ ràng và cụ thể hơn về bộ máy giúp việc cho hội đồng trường, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị và vận hành hệ thống tự chủ đại học.

Từ quan sát thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng cho rằng, vai trò giám sát của hội đồng trường còn hạn chế do thiếu bộ máy độc lập, thiếu cơ chế rõ ràng và thiếu nhân sự chuyên môn do đó cần định hình rõ hơn cơ cấu tổ chức hội đồng trường, tăng cường cơ chế phối hợp giữa hội đồng trường và ban giám hiệu.

Ở một góc nhìn khác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Doãn Ngọc Hải - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y tế Công cộng đề xuất cần điều chỉnh mạnh mẽ cơ chế quản lý, trong đó, hội đồng trường cần được trao thực quyền, Chủ tịch Hội đồng trường có thể lựa chọn thành viên phù hợp, có tỷ lệ biểu quyết rõ ràng. Các trường cần được giao toàn quyền về tài chính, tài sản và tổ chức bộ máy. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản cần xác định rõ trách nhiệm trong quy hoạch, phát triển và cấp nguồn lực, thay vì chỉ dừng lại ở vai trò thẩm định, phê duyệt.

Tự chủ đại học: Không thể thiếu một Hội đồng trường thực quyền

 Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương

Chia sẻ với các trường tại tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ:

“Việc triển khai tự chủ đại học thời gian qua cho thấy có nhiều nỗ lực từ phía các trường đại học, tuy nhiên hướng dẫn từ phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn còn chưa rõ ràng, khiến các cơ sở giáo dục đại học phải tự mày mò, linh hoạt tìm lối đi riêng.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ thực tiễn của các cơ sở giáo dục đại học, Hiệp hội sẽ có văn bản kiến nghị gửi tới cơ quan quản lý nhà nước nhằm điều chỉnh chính sách phù hợp và sát với thực tế hơn”.

Chia sẻ thêm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay, trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học, Việt Nam đang chuyển từ mô hình quản lý tập quyền sang mô hình tự chủ theo định chế điều phối. Điều này dẫn tới một yêu cầu nguyên tắc: quyền tự chủ không thể trao cho cá nhân đơn lẻ, mà phải trao cho tập thể, và tập thể đó chính là hội đồng trường - cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai tự chủ đại học cho thấy còn không ít vướng mắc, bất cập. Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chủ yếu là vì nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công... vẫn được xây dựng trên nền tảng của mô hình đơn vị hành chính - sự nghiệp theo định chế tập quyền, dẫn đến những mâu thuẫn và bất cập trong quá trình áp dụng cho các trường đại học tự chủ, vốn đang vận hành theo định chế tự quản.

Đặc biệt, với mô hình đại học 2 cấp như đại học quốc gia, đại học vùng - đây là cấu trúc tổ chức đặc thù của Việt Nam, mà theo quan sát từ các chuyên gia quốc tế: “trên thế giới gần như không có mô hình tương tự”. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có nghiên cứu và đánh giá kỹ lưỡng để làm rõ đặc điểm, hiệu quả và định hướng hoàn thiện mô hình này một cách phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn phát huy được lợi thế nội sinh.

Cuối cùng, gợi mở hướng nghiên cứu để tháo gỡ các bất cập, Tiến sĩ Khuyến đề xuất trong quá trình xây dựng luật cần giải quyết rõ mối quan hệ giữa ba trụ cột quyền lực trong nhà trường: Đảng ủy - Hội đồng trường - Ban giám hiệu.

Phát biểu kết luận tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Diệp Tuấn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, tự chủ đại học là một xu thế tất yếu, là động lực cốt lõi cho sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng. Nếu triệt tiêu hoặc làm suy giảm vai trò của hội đồng trường thì cũng đồng nghĩa với việc triệt tiêu tinh thần tự chủ đại học, điều này sẽ tác động tiêu cực đến năng lực đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Để xây dựng một hệ thống giáo dục đại học hiện đại, hiệu quả, cần giữ vững nguyên tắc quản trị theo hướng phân cấp, phân quyền, phân rõ trách nhiệm. Thầy Tuấn nhấn mạnh: “Cần mạnh dạn, kiên định, kiên quyết theo đuổi mục tiêu tự chủ đại học”.

Bên cạnh đó, Giáo sư Trần Diệp Tuấn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ hơn vai trò của hội đồng đại học (ở cấp đại học quốc gia, đại học vùng) và hội đồng trường của các trường đại học thành viên trong mô hình đại học 2 cấp. Việc phân định rành mạch giữa hai cấp này sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc trong vận hành thực tế, đồng thời tránh tình trạng chồng chéo hoặc phủ định vai trò của cấp quản trị nào.

Thầy Tuấn cũng khẳng định sự đồng tình với chủ trương “nhất thể hóa” Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch hội đồng trường, cho rằng đây là hướng đi đúng đắn, giúp tăng cường sự lãnh đạo thống nhất và hiệu quả. Tuy nhiên, để cơ chế nhất thể hóa phát huy được vai trò thực chất, thì nhất thiết phải đi kèm với một hệ thống luật pháp cho phép phân quyền mạnh hơn, rõ hơn, cụ thể hơn giữa các thiết chế trong nhà trường.

Ngọc Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/khi-suoi-da-hoa-song-lon-sao-lai-xoa-bo-hoi-dong-truong-dai-hoc-thanh-vien-post251440.gd
Zalo