Khi lòng dân đồng thuận
Xã Lộc Quang là địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Lộc Ninh, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Trên địa bàn vẫn còn một số nơi chưa được đầu tư đường giao thông, điện thắp sáng. Những năm qua, từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM), xã đã triển khai xây dựng nhiều tuyến đường giao thông. Đặc biệt trong các dự án làm đường, người dân luôn đồng thuận cao về giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho đơn vị thi công nhanh chóng.
Sẵn sàng hiến đất
Nhiều năm nay, khu vực tổ 1, ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang chưa được đầu tư công trình điện. Để có điện thắp sáng, người dân kéo điện từ ĐT756, cách xa khu dân cư hơn 2km. Cột điện dựng tạm bợ, đường dây vắt qua vườn cây, không đảm bảo an toàn. Vào những giờ cao điểm, điện chỉ đủ thắp sáng, không thể bơm nước tưới cây. Đa số các hộ dân sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái đều trông chờ vào thời tiết.
Gia đình ông Nguyễn Văn Phác trồng 4 ha sầu riêng và hồ tiêu. Mùa khô năm nay, ông Phác sử dụng máy nổ bơm nước tưới cho khu vườn. Mỗi tháng, chi phí mua dầu từ 5-6 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với gia đình ông. Ông Phác cho biết: “Hơn 10 năm nay, các hộ dân tự kéo điện thắp sáng. Người dân trồng cây ăn trái, hồ tiêu, vào mùa khô phải dùng máy nổ bơm nước tưới. Nếu có điện lưới thì mỗi tháng gia đình tôi chỉ trả hơn 1 triệu đồng tiền điện, tiết kiệm rất nhiều chi phí”.
Xung quanh nhà ông Phác dân cư ở thưa thớt, cứ 5 hộ dân cùng mắc chung một đồng hồ điện. Do mắc điện xa hao tải nhiều, giá điện cao, khoảng 5.000 đồng/kWh. Không có điện lưới người dân khu vực này không thể “thắp sáng” ước mơ làm giàu. Vào mùa khô, các hộ dân đều dùng máy nổ để bơm nước tưới, chi phí mua dầu rất cao. Người dân cho biết, họ sẵn sàng hiến đất nếu Nhà nước đầu tư công trình điện.
Ấp Tam Nguyên có địa bàn rộng, hầu hết các tuyến giao thông là đường đất. Người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, vườn rẫy. Những năm qua, từ nguồn vốn NTM, xã Lộc Quang đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Trong đó, đi đầu là công tác vận động nhân dân hiến đất làm đường.
Trước đây, con đường mòn đi qua tổ 5, ấp Tam Nguyên rất nhỏ hẹp. Vào mùa mưa, con đường lầy lội, khiến việc lưu thông, vận chuyển nông sản rất khó khăn. Mùa khô, khu dân cư thường xuyên ô nhiễm bụi khi xe tải lưu thông trên đường. Cuối năm 2024, huyện Lộc Ninh đầu tư làm đường nhựa tại tổ 5, ấp Tam Nguyên kết nối ĐT756, chiều dài 3,3km. Khi đoàn công tác đến vận động, ông Nguyễn Ngọc Thức không ngần ngại phá bỏ 50 trụ tiêu, hiến đất làm đường. Ông Thức phấn khởi: “Gia đình tôi lập nghiệp ở đây mấy chục năm rồi, nhưng khu vực này vẫn chưa có đường nhựa. Vì vậy, khi Nhà nước làm đường người dân rất vui, họ đồng lòng hiến đất làm đường. Cây tiêu đang ra trái tôi cũng phá bỏ, di dời hàng rào để mở rộng đường. Ngày trước, trời mưa sình lầy không dám ra đường, còn nay có đường nhựa, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế”. Không chỉ gia đình ông Thức, nhiều hộ dân sinh sống dọc tuyến đường đều đồng thuận giải phóng mặt bằng, hiến đất làm đường. Theo thiết kế, chiều rộng mặt đường 6m, mỗi bên lề đường 2m, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 2 năm nay.
Ông Vũ Văn Cầu ở ấp Tam Nguyên chia sẻ: “Phong trào hiến đất làm đường lan tỏa trong nhân dân. Có thể nói, nhờ sự đồng thuận cao của người dân, năm 2024, ấp Tam Nguyên được đầu tư 2 tuyến đường, chiều dài gần 5km. Các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông vận chuyển hàng hóa, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn”.
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Tháng 11-2024, xã Lộc Quang triển khai thi công tuyến đường kết nối ĐT756 đến tổ 3, ấp Tam Nguyên. Đây là con đường huyết mạch nối liền 2 xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh và xã Thanh An, huyện Hớn Quản với chiều dài 1km, tổng kinh phí đầu tư 3 tỷ đồng. Dọc tuyến đường có hơn 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khi xã vận động nhân dân hiến đất làm đường, hộ anh Điểu Đa đã cưa 30 cây cao su, điều, xà cừ, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước thời hạn. Anh Điểu Đa cho hay: “Gia đình tôi rất phấn khởi khi hiến một phần đất để xây dựng công trình. Không chỉ tôi mà nhiều người dân đều đồng thuận. Mong sao khu dân cư ngày càng khang trang, đổi mới, đời sống nhân dân khởi sắc, phát triển kinh tế thuận lợi”.
Không chỉ hiến đất, anh Điểu Đa còn vận động những hộ khác giải phóng mặt bằng. Nhờ làm tốt công tác vận động, 100% hộ dân sinh sống dọc tuyến đường đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước thời hạn. Dự kiến sau khi tuyến đường hoàn thành, Ban điều hành ấp sẽ vận động nhân dân lắp đặt đèn đường, trồng cây xanh, tạo cảnh quan sáng, xanh, sạch, đảm bảo an ninh trật tự.
Năm 2021, xã Lộc Quang được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy vậy, xã vẫn còn nợ một số tiêu chí, đó là đường và điện. Thời gian tới, xã sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông. Xã kiến nghị ngành điện quan tâm đầu tư thêm công trình điện trên địa bàn, nhằm phục vụ thắp sáng, sản xuất nông nghiệp của người dân. Khi triển khai xây dựng các công trình, địa phương nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Có thể nói, người dân luôn hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường, xây dựng quê hương ngày càng khang trang, đổi mới.
Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Quang VŨ VĂN KHANH
Đến cuối năm 2024, xã Lộc Quang được phân bổ 23 tỷ đồng để đầu tư 3 tuyến đường nhựa, dài gần 6km. Nhờ sự đồng thuận cao của người dân trong giải phóng mặt bằng, các công trình nhanh chóng được triển khai thi công. Thực tế đã chứng minh, khi lòng dân đồng thuận thì việc gì khó làm cũng xong. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, các công trình đường giao thông hoàn thành, góp phần kết nối lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.