Đưa điện lưới về nơi xa nhất huyện
Ấp 7, xã Đak Lua là nơi xa nhất của huyện Tân Phú, đồng thời cũng là ấp xa nhất tỉnh. Đầu năm 2025, ấp 7 chính thức có hệ thống lưới điện quốc gia.
Người dân hy vọng đây là điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Từ điện “câu” nối, đường dây tạm bợ
Ấp 7 trước đây có tên gọi là Đa Boong Kua, thuộc xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Cuối năm 2017, ấp 7 sáp nhập về xã Đak Lua (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) và trở thành nơi xa nhất huyện, đồng thời cũng là nơi xa nhất tỉnh. Tại đây, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, lại chưa có nguồn điện đảm bảo nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Tính đến hết năm 2024, cả ấp có hơn 300 hộ dân nhưng chỉ có 87 hộ ký hợp đồng và được Điện lực Bù Đăng thuộc Công ty Điện lực Bình Phước phục vụ; khoảng 240 hộ dân chưa có điện hoặc phải sử dụng điện qua điện kế phụ. Chính vì sử dụng điện bằng cách “câu” nối, đường dây tạm bợ nên chất lượng điện không ổn định, vào mùa mưa còn xảy ra tình trạng đổ cột và cháy đường dây dẫn đến mất điện.
Bà Nông Thị Hợi (ngụ ấp 7, xã Đak Lua) cho biết, từ trước đến nay, gia đình bà sử dụng công tơ điện chung với 6 hộ khác. Vì đường dây quá xa, lại có nhiều hộ dùng chung nên có ngày nấu cơm không chín, bơm nước không lên, quạt quay chậm. Chưa hết, các cột điện làm bằng cây tre, cây tràm được thời gian thì mục gãy phải làm mới khá tốn kém. Nay được Điện lực Định Quán và UBND huyện Tân Phú hỗ trợ đưa điện đến từng hộ gia đình với chi phí bỏ ra chưa đến 100 ngàn đồng, bà rất mừng.
“Chúng tôi chờ điện Nhà nước lâu nay. Có điện, chắc chắn tôi sẽ chuyển đổi cây trồng, chăn nuôi thêm để cải thiện kinh tế gia đình” - chị Lâm Thị Màu (ngụ ấp 7, xã Đak Lua) cho hay.
Cũng theo chị Màu, nhiều năm nay, chị sử dụng đường dây điện chung với 4 hộ khác. Điện yếu và không ổn định nên chị cũng không dám sắm sửa máy giặt, ti vi. Việc bơm nước sinh hoạt cũng phải canh giờ để hạn chế tình trạng nước không lên, cháy máy bơm.
Trước thực tế trên, để góp phần cải thiện đời sống người dân, đồng thời thực hiện tiêu chí hạ tầng điện trong xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh duyệt chủ trương đầu tư công trình lưới điện sinh hoạt nông thôn tại huyện Tân Phú. Công trình có tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng, gồm 2 hạng mục chính là xây dựng một lưới điện trung thế dài 8km và 15 trạm biến áp 1 ngàn kVA.
Được khởi công xây dựng vào tháng 9-2024, đến ngày 21-1-2025, hệ thống điện cho ấp 7, xã Đak Lua đã được chuyển đổi nguồn điện thành công từ Điện lực Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) sang Điện lực Định Quán (thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai) quản lý và phục vụ, các đường dây tạm bợ trước đây được thay thế bằng đường dây trung thế và hạ thế.
Công trình đưa điện về ấp 7, xã Đak Lua được UBND tỉnh phê duyệt năm 2023, khởi công vào tháng 9-2024 và hoàn thành đóng điện vào cuối tháng 1-2025.
Hy vọng có điện, đời sống sẽ được cải thiện
Phó giám đốc Điện lực Định Quán Võ Hồng Khanh chia sẻ, khu vực ấp 7 nằm cách xa trung tâm xã Đak Lua (nơi có lưới điện do Điện lực Định Quán đầu tư và quản lý khoảng 15km) và bị chia cách bởi vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên nên phương án đầu tư đường dây đưa điện từ xã vào ấp 7 tốn kém và khó khăn. Sau khi nghiên cứu kỹ thì phương án cấp điện thuận lợi nhất, chi phí thấp nhất là đấu nối vào lưới điện do Điện lực Bù Đăng đang quản lý. Về móng trụ, phần lớn nằm trên địa bàn ấp 7, xã Đak Lua, nhưng có 8 vị trí trụ nằm trên địa bàn xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) nên việc thi công gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các bên, công trình đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Cũng theo ông Khanh, đáp ứng mong mỏi có nguồn điện chất lượng và ổn định trước Tết Nguyên đán 2025 của bà con, ngay trong ngày 20-1-2025, Điện lực Định Quán đã huy động 35 công nhân, kỹ sư và bỏ ra chi phí gần 230 triệu đồng hoàn tất gắn công tơ điện cho từng hộ dân. Một số hộ chưa đăng ký mua điện nếu có nhu cầu chuyển đổi nguồn thì đăng ký, điện lực tiến hành khảo sát, lập hợp đồng và lắp công tơ điện.
Phó chủ tịch UBND xã Đak Lua Đới Xuân Thủy cho biết, những năm qua, tại ấp 7, chỉ một số hộ dân có nguồn điện chất lượng để sử dụng. Chính vì điều này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi bị hạn chế. Nay được điện lực đầu tư công trình lưới điện trung thế, trạm biến áp, bà con, chính quyền xã và huyện rất mừng, người dân chủ động hiến đất đặt trụ điện.
Ông Thủy thông tin thêm, cùng với công trình do Điện lực Định Quán đầu tư, UBND huyện Tân Phú triển khai công trình lưới điện hạ thế để nhận điện từ 15 trạm biến áp với tổng chiều dài gần 10km, tổng mức đầu tư gần 5 tỷ đồng bằng vốn ngân sách để cấp điện cho người dân.
Dự kiến sắp tới, xã Đak Lua xin chủ trương làm đập tràn, nâng cấp hệ thống điện lên 3 pha để đảm bảo tưới nước cho 200 hécta đất nông nghiệp. Sau khi có điện, có nước, xã sẽ phối hợp với cấp trên tuyên truyền, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ông Nông Văn Luân (người dân ấp 7, xã Đak Lua) bày tỏ, dịp Tết Nguyên đán năm nay, vừa có nguồn điện tốt, vừa được chính quyền quan tâm tặng quà, bà con rất vui và hạnh phúc. Mong rằng, các điều kiện này là động lực để bà con vươn lên.