Khi điều dưỡng biết lắng nghe, hỗ trợ tinh thần người bệnh

Tại Hội thảo Điều dưỡng ung thư toàn quốc lần thứ II với chủ đề: 'Nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh ung thư: Từ lý thuyết đến thực hành' diễn ra tại Bệnh viện K, ngày 23/5, với sự tham dự của gần 1.000 chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành điều dưỡng ung thư trong nước và chuyên gia quốc tế, Tiến sĩ, bác sĩ Dương Huy Lương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đánh giá cao vai trò của đội ngũ điều dưỡng trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh.

Đồng thời khẳng định, đội ngũ điều dưỡng chuyên ngành ung thư đã có những đóng góp quan trọng, hiệu quả trong các lĩnh vực xây dựng chính sách, tổ chức quản lý chăm sóc, đào tạo, thực hành chăm sóc và nghiên cứu khoa học.

Điều dưỡng viên tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh) tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Điều dưỡng viên tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh) tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh tư liệu: Đinh Hằng/TTXVN

Ung thư là bệnh có đặc điểm khác biệt, đó là tái phát, di căn, cùng với gánh nặng tâm lý cho cả người bệnh và người nhà người bệnh nên việc quản lý, chăm sóc bệnh nhân cũng có nhiều điểm khác biệt so với các bệnh lý khác và vai trò của điều dưỡng là vô cùng quan trọng. Công tác phòng, chống ung thư hiện nay vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học trên thế giới.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho rằng, điều dưỡng không chỉ là thực hiện các quy trình kỹ thuật, mà cần xây dựng mối quan hệ gần gũi với người bệnh, lắng nghe, hỗ trợ tinh thần, giảm đau, quản lý tác dụng phụ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục của người bệnh. Cán bộ làm công tác điều dưỡng ung thư đòi hỏi sự nhạy bén, tình cảm và kiến thức chuyên môn sâu rộng. Điều dưỡng ung thư không chỉ cần thực hiện y lệnh chính xác mà còn phải nhạy bén, giàu tình cảm và có kiến thức chuyên môn sâu rộng để trở thành điểm tựa tinh thần cho bệnh nhân và gia đình. Họ là những người hùng thầm lặng, làm việc trong môi trường nguy hiểm, độc hại nhưng chưa được đánh giá đúng mức.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quảng đề nghị, cần tôn trọng và đãi ngộ xứng đáng điều dưỡng bằng việc công nhận đóng góp của họ đối với bệnh nhân và xã hội thông qua chế độ đãi ngộ phù hợp; cần bảo vệ điều dưỡng vì họ phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, độc hại; cần đầu tư cho công tác điều dưỡng từ cải thiện chính sách nghề nghiệp, đào tạo, đầu tư trang thiết bị phục vụ các hoạt động điều dưỡng và hãy nhìn nhận, đánh giá đúng giá trị, vị thế của nghề điều dưỡng.

Chia sẻ về những khó khăn, vất vả của nghề điều dưỡng, Tiến sĩ Dương Huy Lương cho biết, nhiều nơi vẫn còn quan niệm rằng "Nghề điều dưỡng là nghề phục vụ, điều dưỡng chỉ là người làm theo y lệnh của bác sĩ". Trong khi đó, nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực; công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh. Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo; đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập; hệ thống lãnh đạo, quản lý điều dưỡng chưa phù hợp…

Tiến sĩ Dương Huy Lương đề nghị cần tiếp tục quan tâm, đầu tư, ghi nhận và tôn vinh vai trò của người điều dưỡng, tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác điều dưỡng. Cùng với đó phát triển nguồn nhân lực điều dưỡng, thúc đẩy phát triển công nghệ và trang thiết bị phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh toàn diện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu chăm sóc thực tiễn và hội nhập nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, bảo hiểm y tế toàn dân và sức khỏe cho mọi người.

Tổ chức Y tế Thế giới đã khẳng định dịch vụ chăm sóc người bệnh của điều dưỡng là một trong những trụ cột của hệ thống y tế. Đặc biệt, với thông điệp hành động nhân Ngày Quốc tế Điều dưỡng 12/5: "Điều dưỡng của chúng ta. Tương lai của chúng ta. Chăm sóc sức khỏe cho người điều dưỡng cũng là tăng cường hiệu quả về kinh tế", Hội đồng Điều dưỡng quốc tế đã nhấn mạnh các hoạt động chính thiết yếu để mang lại lợi ích cho nghề điều dưỡng, cũng chính là lợi ích của cả hệ thống y tế nhằm giải quyết những thách thức về sức khỏe toàn cầu và cải thiện sức khỏe cho tất cả mọi người trên thế giới.

Bích Thủy

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/khi-dieu-duong-biet-lang-nghe-ho-tro-tinh-than-nguoi-benh-20250523174113082.htm
Zalo