Khí cười: Cái cười của sự chết chóc
Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh, phát hiện, xử lý đối với các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến nhập khẩu, mua bán, kinh doanh, sử dụng khí N2O (khí cười). Thế nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn bất chấp buôn bán, kinh doanh công khai cả trên mạng xã hội.
Triệt phá công xưởng khí cười quy mô lớn
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá một đường dây chuyên sản xuất, mua bán hàng cấm là khí cười (N2O) với quy mô lớn, bắt giữ 11 đối tượng tại nhiều địa phương trên cả nước. Đây là một đường dây khá tinh vi, hoạt động có tổ chức của nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có những đối tượng có trình độ học vấn cao và có chuyên môn về hóa học, cơ khí, kỹ thuật, máy móc.

Công xưởng sản xuất khí cười.
Qua công tác nắm tình hình và phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm về ma túy, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện đường dây chuyên sản xuất, mua bán hàng cấm - khí cười (N2O) với số lượng lớn. Đường dây này có quy mô rộng khắp trên toàn quốc liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ, Bắc Ninh… với phương thức thủ đoạn rất tinh vi, tính chất phức tạp và đặc biệt nghiêm trọng.
Sau một thời gian dài theo dõi, vào khoảng 1h ngày 2/5/2025, tại quán H2 Lounge (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), Phòng CSĐT tội phạm về ma túy đã phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa tiến hành kiểm tra hành chính đối với: Lương Thái Linh, Nguyễn Văn Chí (cùng sinh năm 1985, trú tại phường Mễ Trì, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội); Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1993 trú tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Bình (sinh năm 1992 trú tại huyện Thanh Oai, TP Hà Nội).
Tiến hành test nhanh nước tiểu của 4 đối tượng nói trên phát hiện đều dương tính với ma túy. Điều tra mở rộng, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cục nghiệp vụ Bộ Công an, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt giữ Nguyễn Phương Tây (sinh năm 1985, trú tại xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) thu giữ 12 túi ma túy đá, 10 túi Ketamin, khoảng 500 viên ma túy hồng phiến, 120 viên ma túy thuốc lắc, 1 túi heroin, 5 túi nước vui (tổng trọng lượng khoảng 240gam ma túy).
Theo kết quả điều tra, Nguyễn Phương Tây còn thường xuyên lui đến một chung cư ở phường Quang Trung, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Tại đây, lực lượng Công an còn phát hiện 5 đối tượng có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 20 viên ma túy thuốc lắc, 10 túi Ketamin (có tổng trọng lượng khoảng 18gam ma túy) và 1 bộ dụng cụ dùng vào việc sử dụng ma túy.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy công an tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 5 tổ công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Công an các xã, phường có liên quan tổ chức bao vây, khám xét khẩn cấp đồng loạt tại 3 nhà xưởng các đối tượng thuê và đặt máy móc để sản xuất khí N2O.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất khí cười vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá.
Cụ thể, tại nhà xưởng ở thôn Mùi, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, lực lượng công an đã phát hiện, thu giữ toàn bộ hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất, sang chiết khí N2O... Hoạt động tại cơ sở này do Lương Thái Linh cùng Nguyễn Ngọc Bình và Tô Thế Minh Trí (sinh năm 1993) ở xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc cùng góp vốn mua máy móc, trang thiết bị, nguyên liệu để vận hành, tự sản xuất khí N2O bán ra thị trường. Chỉ tính từ tháng 3/2025 đến nay, các đối tượng đã sản xuất khoảng 15 tấn khí N2O bán ra thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và thu lợi ước tính trên 2 tỷ đồng.
Tại nhà xưởng ở thôn 7, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội do Nguyễn Bảo Lộc (sinh năm 1984) trú tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội làm chủ nhưng không trực tiếp xuất hiện mà đứng sau điều hành chỉ đạo Đinh Tuấn Anh (sinh năm 1992) trú tại Khu B, tập thể Đại học Mỏ địa chất, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội đứng ra ký hợp đồng thuê nhà xưởng và trực tiếp vận hành dây chuyền sản xuất, quản lý, ghi và chấm công cho công nhân. Chỉ tính từ tháng 3/2025 đến khi bị bắt, các đối tượng đã sản xuất được khoảng 50 tấn khí N2O, bán ra thị trường tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và thu lợi ước tính trên 4,5 tỷ đồng.
Tại cơ sở sản xuất ở thôn Xuân Sen, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội do Nguyễn Bảo Lộc làm chủ (chưa đi vào hoạt động), lực lượng Công an đã thu giữ toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất khí N2O đang trong quá trình lắp ráp, hoàn thiện.
Từ những tài liệu, chứng cứ thu giữ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”. Đồng thời, khởi tố bị can, tạm giam đối với các đối tượng: Lương Thái Linh về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” và tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”; Nguyễn Văn Tùng về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Nguyễn Phương Tây về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; Nguyễn Ngọc Bình, Đinh Tuấn Anh, Phạm Văn Hiếu, Nguyễn Văn Chí, Tô Thế Minh Trí, Trần Văn Thịnh, Chu Văn Thức về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”. Tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Bảo Lộc để điều tra làm rõ về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, đây là đường dây sản xuất, mua bán hàng cấm (khí N2O) với số lượng rất lớn, hoạt động có tổ chức, có sự phân công nhiệm vụ, vai trò và chia lợi nhuận cụ thể. Hoạt động sản xuất, mua bán diễn ra trong thời gian dài với sự tham gia của nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có những đối tượng có trình độ học vấn cao và có chuyên môn về hóa học, cơ khí, kỹ thuật, máy móc.
Địa điểm nhà xưởng được các đối tượng thuê mặc dù ở gần khu dân cư nhưng được ngụy trang và hoạt động khép kín. Quá trình sản xuất thường diễn ra vào ban đêm và sẽ thay đổi địa điểm sản xuất khi có dấu hiệu bị lộ. Phương thức giao dịch của các đối tượng được thực hiện trực tiếp bằng tiền mặt, có sự liên lạc trao đổi với nhau qua các ứng dụng mạng xã hội như Telegram, Singal và thường thay đổi điện thoại và di chuyển nơi ở để tránh sự truy xét của cơ quan Công an.
Tổng số vật chứng mà cơ quan điều tra đã thu giữ đến thời điểm này gồm: 850 bình kim loại, trong đó có 373 bình khí N2O, 477 vỏ bình dùng để chứa khí N2O; tạm giữ 27 tấn và quy trữ 110 tấn nguyên liệu sản xuất khí N2O để xác minh làm rõ nguồn gốc và 3 hệ thống dây chuyền, máy móc để sản xuất khí N2O. Đối với các chất ma túy, lực lượng công an đã thu giữ: 85,179g Ketamine; 10,088g heroine; 5 túi ma túy nước vui; 52,83g MDMA và 500 viên hồng phiến.
Tràn lan hội nhóm mua bán khí cười
Dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các loại khí, chất gây nghiện có hại cho sức khỏe từ năm 2025 nhưng những mặt hàng này vẫn đang được mua bán tự do trên thị trường. Chỉ cần tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội sẽ thấy khí cười, bóng cười vẫn được rao bán tại các hội nhóm, sẵn sàng giao dịch tại những địa điểm vắng người.
Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng kinh doanh dưới vỏ bọc quán cà-phê, bar, lounge, vẫn lén lút cung cấp các sản phẩm này cho giới trẻ tạo thành một “thị trường ngầm” đầy rủi ro. Một phép tính nhanh cho thấy, với 750.000 đồng, 5 kg khí N2O có thể tạo ra tới 17 quả bóng cười, đem lại lợi nhuận không hề nhỏ cho những kẻ buôn bán.


Lực lượng chức năng thu giữ tang vật.
Những lời mời chào “bao phê”, “cảm xúc thăng hoa” được các chủ tài khoản đưa ra, đánh trúng tâm lý ham muốn cảm giác mạnh của giới trẻ. Mặc cho những cảnh báo về tác hại, bóng cười vẫn được coi là một thứ “thời thượng”, một cách để thể hiện “đẳng cấp” và “sành điệu”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các đối tượng thường rao bán bình khí cười mini vì tiện dụng, nhỏ gọn, dễ vận chuyển. Nickname M.N rao một bình “khí cười” mini có giá 1,3 triệu đồng, mỗi bình bơm được khoảng 26 - 30 quả bóng. Chỉ cần khách có nhu cầu, khí cười sẽ được giao tận nơi kèm theo xác bóng được đóng gói cẩn thận vì theo N. đây là hàng “nhạy cảm” không thể lộ liễu. N. khẳng định ngoài ship tận nơi vào ban ngày, còn có thể “ship xuyên màn đêm”.
Nickname H.G.P rao bán bình 5 kg có giá 750 nghìn đồng, tương đương với 28 quả; 10 kg giá 950 nghìn đồng, tương đương 38 quả; bình 15 kg có giá 1,2 triệu đồng, tương đương 45 quả bóng; bình 20 kg có giá 1,4 triệu đồng, tương đương 50 quả; đặc biệt có loại VIP giá 2,3 triệu đồng, tương đương 100 quả bóng. Nick này còn nhấn mạnh “Cấp cứu các dân chơi buổi sáng, bảo mật thông tin khách hàng tuyệt đối. Thu mua vỏ bình cũ tận nơi. Vui lòng call trực tiếp vì shop rất bận”.
Không chỉ khí cười, xác bóng kèm các dụng cụ phục vụ các thượng khách cũng được rao bán công khai. Để thu hút khách hàng, có thành viên còn tặng quà khuyến mãi kèm theo là xác bóng, cho mượn thêm loa đèn để các thượng đế “phê pha”.
Tuy nhiên, đằng sau những tiếng cười sảng khoái là những nguy cơ tiềm ẩn. Trong tháng đầu tiên của năm 2025, khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận liên tiếp ba bệnh nhân trẻ trong tình trạng nguy kịch, liên quan lạm dụng bóng cười.
Năm 2024, số ca nhập viện do bóng cười tại bệnh viện cũng gia tăng đáng lo ngại, đặc biệt là nhóm dưới 30 tuổi. Điển hình như bệnh nhân P.H.K. (21 tuổi) nhập viện với triệu chứng tê bì, yếu tứ chi, không thể tự đi lại.
Khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân làm việc tại cơ sở kinh doanh bóng cười và từng sử dụng... 1.000 quả bóng cười/tháng. Dù trước đó K. đã từng nhập viện điều trị do bóng cười nhưng sau xuất viện vẫn tiếp tục sử dụng do đã lệ thuộc và để giải tỏa áp lực công việc.
Khí cười - thứ “thuốc lạ” mang vỏ bọc giải trí - đang trở thành hiểm họa âm thầm trong xã hội. Việc cảnh giác, ngăn chặn và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố then chốt để ngăn chặn thảm họa từ loại chất gây ảo giác này.