Kiểm tra, đánh giá các điểm di sản trên 4 tuyến du lịch Công viên địa chất Non nước Cao Bằng

Từ ngày 4 - 8/11, Ban Quản lý Công viên địa chất (CVĐC) Non nước Cao Bằng tổ chức kiểm tra, đánh giá hạ tầng cơ sở các điểm di sản, cơ sở đối tác và khảo sát một số làng nghề truyền thống gắn với công tác bảo tồn di sản và phát triển sinh kế trên 4 tuyến du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng.

Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng kiểm tra, đánh giá hệ thống bảng biển tại điểm di sản đèo Mã Phục (Quảng Hòa).

Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng kiểm tra, đánh giá hệ thống bảng biển tại điểm di sản đèo Mã Phục (Quảng Hòa).

Nhằm phục vụ kế hoạch xây dựng và phát triển CVĐC năm 2025, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng thực hiện rà soát hệ thống cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, cảnh quan và các cơ sở đối tác trên 4 tuyến du lịch CVĐC Non nước Cao Bằng.Đoàn công tác kiểm tra, đánh giá hệ thống bảng biển, pano quảng bá, điểm đỗ xe, vệ sinh môi trường, cảnh quan tại các điểm di sản CVĐC; cung cấp ấn phẩm cho đối tác trên địa bàn Thành phố và các huyện: Hòa An, Hà Quảng, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Thạch An.

Làm việc tại tuyến phía Đông - “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên” tại huyện Quảng Hòa và Trùng Khánh, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng phối hợp với UBND các xã tư vấn, hỗ trợ các đối tác và người dân tại các làng nghề thủ công truyền thống: làng hương Phja Thắp, làng giấy bản Dìa Trên, Ban chuẩn bị cho hoạt động mô hình hợp tác xã tại Bản Danh - Lũng Táo (Quảng Hòa), Ban điều phối giám sát phát triển du lịch làng văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ky (Trùng Khánh) về các hoạt động phát triển sinh kế, phát triển làng nghề và chia sẻ lợi ích cộng đồng. Thực hiện khảo sát, đánh giá làng dệt thổ cẩm Khào, làng đan lát Hoàng Diệu, xã Phúc Sen (Quảng Hòa)phục vụ nội dung bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề gắn với CVĐC Non nước Cao Bằng.

Thời gian tới, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn, tham quan, học tập kinh nghiệm cho người dân tại các điểm di sản về phát triển hoạt động, dịch vụ du lịch theo hướng bền vững, công bằng, chia sẻ lợi ích cộng đồng. Qua đó, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương và nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản, cảnh quan, bảo vệ môi trường tại các điểm di sản làng nghề truyền thống, làng du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch bền vững trong vùng CVĐC Non nước Cao Bằng.

Lương Thảo

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/kiem-tra-danh-gia-cac-diem-di-san-tren-4-tuyen-du-lich-cong-vien-dia-chat-non-nuoc-cao-bang-3173382.html
Zalo