Khi chối bỏ trách nhiệm bằng một cú 'click' trở thành 'xu hướng'

Từ những quảng cáo 'thần thánh' trên mạng đến sản phẩm kém chất lượng ngoài đời, người tiêu dùng đang bị cuốn vào vòng xoáy lừa dối tinh vi. Khi sự thật lộ diện, nhiều người nổi tiếng chỉ đơn giản 'xóa bài' – nhưng trách nhiệm với cộng đồng liệu có thể xóa bỏ dễ dàng đến thế?

Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

Khi sự giả dối bị bóc trần, trách nhiệm cũng… bị xóa?

Gần đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát đi một số cảnh báo tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng bị thổi phồng công dụng như “chữa bách bệnh”, “giảm cân thần tốc”, “làm đẹp tức thì”. Nhiều nội dung không có cơ sở khoa học, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng – đặc biệt khi được truyền tải bởi các cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

Chúng ta nhận thấy một công thức chung để đánh bóng những sản phẩm kém chất lượng đó là, vài hình ảnh bắt mắt, vài lời quảng bá “có cánh” như “hiệu quả 100%”, “cam kết hoàn tiền”, “được chuyên gia khuyên dùng”... hàng loạt mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng được tung ra thị trường với mục tiêu duy nhất: bán được càng nhiều càng tốt. Không ít người nổi tiếng, KOLs sẵn sàng nhận quảng cáo, định hướng dư luận để đổi lấy thù lao mà bỏ qua yếu tố chất lượng, nguồn gốc sản phẩm.

Chỉ đến khi người tiêu dùng gặp hậu quả – dị ứng, ngộ độc, sản phẩm không đúng như quảng cáo – sự thật mới dần được phơi bày. Cộng đồng mạng nhanh chóng “đào” lại bài đăng, bóc phốt sản phẩm và người quảng bá. Một vài người lên tiếng xin lỗi, còn lại chủ yếu chọn cách đối phó quen thuộc là “âm thầm xóa bài”.

Từng lập luận hùng hồn bảo vệ sản phẩm giữa tâm bão nghi vấn, nhưng khi cơ quan chức năng vào cuộc, nhiều người nổi tiếng lại chọn im lặng, không xin lỗi, không đính chính – xem như cách đơn giản nhất để phủi bỏ trách nhiệm.

Như vụ kẹo rau củ Kera có hàm lượng sorbitol vượt ngưỡng cho phép, tiktoker “Nhật Hải biết tuốt” từng tuyên bố “kèm 1-1” với người soi mói, cuối cùng lại lặng lẽ xóa bài và bật chế độ lọc bình luận. Hay tiktoker “Phan Bảo Long”, dù biết sản phẩm đang gây tranh cãi, vẫn tiếp tục sử dụng trong livestream như một hình thức quảng bá trá hình. Chỉ sau khi sản phẩm bị xác nhận sai phạm và hàng loạt người liên quan bị bắt, anh mới gỡ bài và lên tiếng xin lỗi sau áp lực từ dư luận.

Tiktoker Nhật Hải biết tuốt (trái) và Phan Bảo Long (phải)

Tiktoker Nhật Hải biết tuốt (trái) và Phan Bảo Long (phải)

Khoảng trống pháp lý với người có sức ảnh hưởng

Một trong những điểm yếu rõ ràng trong cuộc chiến chống lại quảng cáo sai lệch trên mạng chính là chế tài xử lý trách nhiệm của các cá nhân có sức ảnh hưởng - những người đang ngày càng trở thành "cầu nối" giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hiện nay, theo khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội chỉ bị phạt hành chính 60–80 triệu đồng, buộc gỡ bài và cải chính; tái phạm mới bị truy cứu hình sự, cải tạo không giam giữ tối đa 3 năm. Tuy nhiên, mức phạt này khó răn đe khi mà thù lao một bài quảng cáo của người nổi tiếng thường cao hơn nhiều. Khoảng trống ấy tạo cơ hội cho influencer tiếp tục quảng bá sản phẩm kém chất lượng mà không lo ngại hậu quả.

Việc thiếu chế tài xử lý trách nhiệm pháp lý cho người có tầm ảnh hưởng khiến cho mô hình "quảng cáo trá hình" ngày càng phổ biến. Không thiếu các trường hợp influencer từng quảng cáo cho một loại "kem trắng da cấp tốc" bị phản ánh gây kích ứng, hoặc loại thực phẩm chức năng "giảm cân thần tốc" khiến người dùng tụt huyết áp, chóng mặt. Nhưng tất cả chỉ khép lại bằng một vài dòng xin lỗi vô thưởng vô phạt - nếu có.

Mới đây, Thứ trưởng thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Lê Hải Bình cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đề xuất sửa đổi Luật Quảng cáo theo hướng tăng chế tài xử phạt, thậm chí cấm quảng cáo và hạn chế hoạt động nghệ thuật đối với các trường hợp vi phạm.

Theo ông Lê Hải Bình thì thực tiễn hoạt động quảng cáo ngày càng có nhiều cái mới, các cơ quan đang sửa Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất bổ sung nhiều quy định nêu rõ trách nhiệm của người nổi tiếng khi quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội.

Thứ trưởng Lê Hải Bình cho biết, cơ quan quản lý dự kiến trong Nghị định liên quan đến triển khai Luật Quảng cáo có điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng; dự định tăng chế tài liên quan đến mức xử phạt hoặc cấm quảng cáo, thậm chí có biện pháp hạn chế hoạt động nghệ thuật và hạn chế xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội.

Như vậy, có thể thấy trước thực tiễn và những sự việc nổi cộm gần đây, việc tăng cường chế tài xử lý vi phạm đối với người nổi tiếng đang được cả cơ quan quản lý lẫn người tiêu dùng vô cùng quan tâm. Chúng ta có thể kỳ vọng một quy định chặt chẽ hơn, lành mạnh hóa thị trường và nâng cao trách nhiệm đối với người nổi tiếng.

Nhưng trước khi có chế tài chặt chẽ hơn thì vai trò và trách nhiệm của người nổi tiếng trong việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm cũng cần phải được chính các chủ thể tự tăng cường trách nhiệm, thẩm định sản phẩm, quy trình quảng bá, nội dung quảng cáo cần sát thực tế, để người tiêu dùng tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng.

Thêm nữa, người tiêu dùng cần tỉnh táo, chọn lọc thông tin và không quá tin vào lời quảng cáo. Đồng thời, các nền tảng mạng xã hội cần siết chặt việc kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Và hơn hết, những người làm quảng cáo - dù là doanh nghiệp hay cá nhân – cần phải hiểu rằng, trách nhiệm với người theo dõi, người tiêu dùng không thể xóa bỏ bằng một cú click "delete". Mà phải đi kèm với lời xin lỗi, chịu trách nhiệm về bản thân một cách thật lòng và cần có những biện pháp khắc phục.

Song Đức

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/khi-choi-bo-trach-nhiem-bang-mot-cu-click-tro-thanh-xu-huong-post14751.html
Zalo