Đề xuất thí điểm Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự
Chiều 16/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội (QH) về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Phiên họp UBTVQH chiều 16/4 cho ý kiến về thí điểm Viện kiểm sát khởi kiện vụ án dân sự. (Ảnh: Phạm Thắng)
Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm yếu thế
Tại phiên họp, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, chủ trương bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và gần đây là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện hành cũng đã có các quy định về bảo vệ lợi ích công và bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương.
Mục đích ban hành Nghị quyết là thực hiện thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay. Đồng thời đánh giá tính hiệu quả của cơ chế VKSND khởi kiện để bảo vệ quyền dân sự của chủ thể nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công trong trường hợp không có người khởi kiện. Trên cơ sở đó, sau khi kết thúc thí điểm sẽ tiến hành tổng kết, đưa ra đề xuất, kiến nghị phù hợp.
VKSNDTC đề nghị QH cho phép việc xây dựng Nghị quyết thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để VKSND khởi kiện vụ án dân sự công ích để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực UBPLTP tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết với các lý do được nêu trong Tờ trình của VKSND tối cao; thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo về xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Thường trực UBPLTP cơ bản tán thành với việc xác định các chủ thể thuộc nhóm dễ bị tổn thương và các lợi ích công được bảo vệ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ khái niệm “lợi ích công” với các khái niệm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng để bao quát đầy đủ và thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai và các luật khác có liên quan...
Đối với một số nội dung cụ thể tại dự thảo Nghị quyết, trong đó có quy định về các trường hợp VKSND khởi kiện và việc tiếp nhận thông tin, thụ lý, kiểm tra, xác minh, Thường trực UBPLTP cho rằng, việc kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ cần làm rõ hành vi vi phạm có thuộc trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính hoặc vi phạm pháp luật hình sự hay không để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Việc thông báo cho các chủ thể có liên quan và kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm khởi kiện chỉ thực hiện khi không thuộc trường hợp xử lý nói trên.
Về thẩm quyền khởi kiện, Thường trực UBPLTP cơ bản tán thành với quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết về thẩm quyền khởi kiện của VKSND. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu quy định tách bạch thẩm quyền của VKSND cấp tỉnh và thẩm quyền của VKSNDTC trong việc khởi kiện vụ án dân sự công ích...
Cần xác định rõ thời gian thí điểm
Tại phiên họp, các ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời góp ý vào nhiều nội dung tại dự thảo Nghị quyết liên quan tới quy định về các trường hợp VKSND khởi kiện và việc tiếp nhận thông tin, thụ lý, kiểm tra, xác minh; về thẩm quyền xét xử của Tòa án; về thẩm quyền khởi kiện; về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND và các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ; về quyết định khởi kiện vụ án dân sự công ích; về nguyên tắc tiến hành hòa giải; về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, thời hạn và phạm vi áp dụng thí điểm...
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm, trong đó quy định cụ thể phạm vi, đối tượng, lĩnh vực áp dụng (như môi trường, an toàn thực phẩm, quyền của người chưa thành niên, trình tự khởi kiện và cơ chế phối hợp với tòa án) bảo đảm phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan.
Chủ tịch QH cũng lưu ý về giới hạn thí điểm, theo đó chỉ áp dụng tại một số địa phương có điều kiện thực hiện thí điểm; xác định thời gian thí điểm 2 năm hoặc 3 năm, sau đó tổng kết, nhân rộng. Đặc biệt, cần quan tâm đến nguồn nhân lực hiện có, tăng cường đào tạo về kỹ năng khởi kiện, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng dân sự. Bên cạnh đó, quan tâm phân bổ ngân sách để hỗ trợ thí điểm được bảo đảm; thiết lập cơ chế giám sát, phối hợp với cơ quan liên quan thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác giám sát, đánh giá việc thí điểm thường xuyên, để bảo đảm tính minh bạch, khách quan…