Hình phạt nào cho thanh niên giả vờ mua vàng rồi bỏ chạy?
Chuyên gia pháp lý nhận định, hành vi cướp giật tài sản của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên sẽ bị xử lý về tội danh 'Cướp giật tài sản'.

Đối tượng Phan Trung Hiếu và tang vật thu giữ. Ảnh: Đạt Lê
Liên tiếp gây ra 3 vụ cướp tiệm vàng
Mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng bắt giữ đối tượng cướp giật tài sản tại tiệm vàng trên địa bàn phường Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Trước đó, vào chiều 7/4/2025, Công an phường Đại Kim nhận được tin báo về việc một nam thanh niên cướp giật 2 cây vàng tại tiệm vàng trên phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Đối tượng giả vờ đến hỏi mua vàng, sau đó lợi dụng sơ hở của nhân viên quán đã cầm vàng chạy ra cửa rồi lên xe máy phóng đi.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP đã phối hợp Công an phường Đại Kim và các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra, truy bắt đối tượng gây án. Đến ngày 11/4/2024, Phòng Cảnh sát Hình sự đã bắt giữ thủ phạm là Phan Trung Hiếu (SN 2007; trú tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì, Hà Nội); thu giữ tang vật là 1,3 cây vàng, còn 7 chỉ vàng đối tượng khai nhận đã mang đi tiêu thụ tại một tiệm vàng trên địa bàn huyện Ba Vì.
Tiến hành đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận đã thực hiện 2 vụ cướp giật khác tại tiệm vàng trên địa bàn huyện Hoài Đức, với thủ đoạn tương tự. Hai vụ này, đối tượng chiếm đoạt được 13 chỉ vàng. Vụ việc đang được Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng theo quy định của pháp luật.
Qua vụ việc trên, Công an TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo: vàng vẫn luôn là đích ngắm của tội phạm. Bên cạnh việc cướp giật nhiều đối tượng cũng lợi dụng các sơ hở của chủ sở hữu để trộm, thậm chí dùng hung khí, đe dọa để cướp vàng tại các tiệm vàng. Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước và Hà Nội đã xảy ra các vụ cướp tiệm vàng, tội phạm hết sức manh động và liều lĩnh, đòi hỏi các cơ sở bán vàng cần có biện pháp chủ động phòng ngừa.
Vì vậy, các cơ sở kinh doanh vàng bạc đá quý, phòng giao dịch ngân hàng cần lắp đặt hệ thống chuông báo động. Việc này không chỉ khiến các đối tượng xấu phải dè chừng, bớt đi sự manh động, liều lĩnh, mà còn có tác dụng đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
Đối với người quản lý, nhân viên, bảo vệ cần đặc biệt lưu ý các trường hợp đối tượng đeo khẩu trang kín mặt, đội mũ bảo hiểm, đeo bao tay khi vào mua bán vàng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong trường hợp các đối tượng cướp quá manh động, quá liều lĩnh, có hung khí thì nhân viên, chủ tiệm vàng cố gắng vừa làm theo yêu cầu của đối tượng vừa cố gắng ghi nhớ đặc điểm của các đối tượng như: giới tính, giọng nói, kiểu tóc, khuôn mặt, nón bảo hiểm, áo khoác, đặc điểm xe, hướng di chuyển, số lượng đối tượng và phương tiện có liên quan... nhanh chóng báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Chế tài xử lý?
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước cho biết: "Sau khi tiếp nhận tin báo về vụ cướp, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TP Hà Nội nhanh chóng bắt giữ thủ phạm. Trong khi pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi công dân, hành vi giật tài sản của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát là hành vi cướp giật tài sản. Đối tượng đã giả vờ đến hỏi mua vàng, sau đó lợi dụng sơ hở của nhân viên quán đã cầm vàng chạy ra cửa rồi lên xe máy phóng đi. Như vậy, hành vi cướp giật tài sản của đối tượng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên sẽ bị xử lý về tội danh “Cướp giật tài sản”".
Theo luật sư Vũ Văn Biên, để có căn cứ xử lý, cơ quan chức năng cần phải làm rõ động cơ, mục đích, mức độ, hậu quả hành vi của đối tượng. Hành vi của nam thanh niên trong vụ việc này không thể xử lý về tội “Chiếm giữ trái phép tài sản”, bởi hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi nhận tài sản hợp pháp (đã có việc chuyển giao tài sản hoặc nhặt được tài sản), tài sản đang nằm trong sự quản lý trực tiếp của người không phải là chủ sở hữu tài sản, nhưng người này cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu dù chủ sở hữu đã đòi, đã yêu cầu trả lại.
Tội “Cướp giật tài sản” được quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có dấu hiệu nổi bật: người phạm tội không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực cũng không làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng không thể chống cự mà lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản, bằng thủ đoạn tinh vi để nhanh chóng chiếm đoạt tài sản.
Đặc trưng của loại tội phạm cướp giật tài sản là công khai chiếm đoạt tài sản. Ví dụ như: giật điện thoại, dây chuyền, túi sách của người đi đường rồi bỏ chạy. Khung hình phạt thấp nhất đối với hành vi cướp giật tài sản là bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trong trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, dùng thủ đoạn nguy hiểm, hành hung để tẩu thoát... thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân: chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên; làm chết người.
Cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ động cơ, mục đích, mức độ, hậu quả của hành vi của đối tượng, số lượng vàng đối tượng cầm bỏ chạy để có căn cứ xử lý đối tượng về tội "Cướp giật tài sản". Trong vụ việc trên, qua đấu tranh đối tượng gây án còn khai nhận thực hiện 2 vụ cướp tiệm vàng khác. Vì vậy, trong từng trường hợp cụ thể, cơ quan chức năng sẽ dựa vào các chứng cứ có được và kết quả điều tra để định tội - luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước.