Khép kín 2 mô hình chăn nuôi tuần hoàn
Ở khu vực Đồi Cao thuộc xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, trong thời gian gần đây đã xuất hiện 2 mô hình nuôi bò, nuôi trùn quế liên kết khép kín quy trình tuần hoàn, được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng chọn làm điểm tham quan. Theo đó, bước đầu tiếp cận quy trình đối với các đơn vị khuyến nông và nông dân đến từ các vùng nông nghiệp miền Nam trong thời điểm cuối năm 2024 vừa qua.
![Trại nuôi trùn quế chế biến phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng các loại, trong đó có diện tích trồng cỏ của trang trại nuôi bò](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_439_51471652/0b33ec69dd2734796d36.jpg)
Trại nuôi trùn quế chế biến phân bón hữu cơ vi sinh, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng các loại, trong đó có diện tích trồng cỏ của trang trại nuôi bò
Tính đến giữa tháng 2/2025, trại chăn nuôi trùn quế diện tích 500 m2 tại khu vực Đồi Cao, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã gần 2 năm triển khai, mỗi năm 3 đợt sản xuất và thu hoạch thành phẩm phân bón hữu cơ vi sinh cung cấp dinh dưỡng cho đa dạng cây trồng chủ lực trong các vùng nông nghiệp TP Đà Lạt, vùng huyện phụ cận. Chủ trại nuôi trùn quế, ông Võ Văn Dũng đến từ Phường 9, TP Đà Lạt hướng dẫn phóng viên tiếp cận 5 luống nuôi trùn quế, mỗi luống chiều dài 25 m, chiều sâu 0,5 m. Lúc này, trùn quế đã chui sâu đến đáy luống sau thời gian cày xới, đảo trộn, chế biến hoai mục từ nguyên liệu phân bò tươi của trang trại liền kề. Không gian trại nuôi trùn quế khá thông thoáng, trong lành với thành phẩm phân hữu cơ vi sinh dạng bột đen, trải thành một lớp độ cao trong từng luống khoảng 25 - 30 cm. Ông Dũng khái quát, mỗi luống lấp đầy phân bò tươi phối trộn với sinh khối trùn quế và mật mía, tưới nước giữ độ ẩm phù hợp, phủ lưới đen trong vòng khoảng 4 tháng sẽ bước vào thu hoạch phân hữu cơ vi sinh xuất bán.
“Cụ thể, khối lượng phân bò tươi khai thác từ trang trại chăn nuôi liền kề khoảng 15 m3 lấp đầy mỗi luống có chiều sâu 0,5 m, chiều dài 25 m, tưới đẫm nước, che lưới đen, đảo trộn liên tục đến 21 ngày sau đưa sinh khối trùn quế lấp đều lên trên khoảng 200 kg. Tiếp theo, tưới lên mặt luống với 30 lít mật mía, tạo môi trường cho ấu trùng trùn quế sinh sôi, nhân đàn. Sinh khối trùn quế được nuôi tại một khu vực riêng biệt trong trại. Khoảng 3 tháng sau, trùn quế chế biến từ luống phân bò tươi cao 0,5 m thành luống phân hoai mục thấp xuống 0,25 m. Và từ 4 tháng trở đi, từng luống trùn quế thu gom, đóng thành từng bao phân hữu cơ vi sinh cung cấp theo nhu cầu trồng trọt của nhà vườn…”, ông Dũng chia sẻ.
Theo đó, công suất chế biến phân hữu cơ vi sinh của trùn quế trên mỗi luống nêu trên khoảng 7 m3, tương ứng 3,5 tấn. Giá bán trong thời điểm tháng 2/2025 trên dưới 15.000 đồng/kg, nhà vườn trong TP Đà Lạt và huyện phụ cận mua về bón cho các loại rau, dâu tây, phúc bồn tử và các loại cây kiểng khác, đảm bảo hiệu quả sử dụng và bảo vệ môi trường.
Qua khảo sát của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, nguồn nguyên liệu sản xuất phân trùn quế hữu cơ vi sinh nói trên khai thác từ trang trại nuôi bò thịt kề bên của ông Mai Văn Nghĩa đến từ Phường 12, TP Đà Lạt. Tính đến nay, trang trại ông Nghĩa duy trì chăn nuôi hơn 200 con bò sinh sản và bò thịt với 3 loại giống bò lai Sind, Brahman và bò lai F1 giữa bò vàng Việt Nam và bò Brahman. Mô hình chăn nuôi bò ở đây kết hợp chăn thả với nuôi nhốt. Hàng ngày, vào mùa khô, trang trại chăn thả từ 8 giờ đến 15 giờ ăn cỏ sạch trên tổng diện tích canh tác khoảng 3 ha, có sử dụng phân hữu cơ vi sinh của trại nuôi trùn quế của ông Dũng. Ngoài ra, ông Nghĩa còn hợp đồng thu mua ổn định khối lượng đáng kể bã đậu bổ sung dinh dưỡng cho đàn bò tăng trọng đạt chất lượng cao hơn. Mùa mưa, trang trại sử dụng cơ giới cắt cỏ cuốn chiếu trên diện tích canh tác 3 ha vừa nêu, vận chuyển về khu vực chuồng trại băm nhỏ cho bò ăn hàng ngày trong môi trường nuôi nhốt.
“Với các giống bò thích nghi điều kiện tự nhiên vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng, trang trại nuôi bò chăn thả kết hợp với nuôi nhốt quy mô lớn của ông Mai Văn Nghĩa đạt lợi nhuận hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng. Và trại nuôi trùn quế của ông Võ Văn Dũng đạt lợi nhuận ước khoảng 250 triệu đồng hàng năm. Kết quả liên kết 2 mô hình nuôi bò và nuôi trùn quế tuần hoàn khép kín ở đây mở ra một hướng đi bền vững, đáp ứng quy trình phát triển nông nghiệp xanh trên địa bàn...”, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng đánh giá.