Quy định mới nhất về dạy thêm ngoài nhà trường

Hoạt động dạy thêm diễn ra ngày càng phổ biến, từ đó có nhiều vấn đề được đặt ra và cần phải giải quyết.

So với mức lương đứng lớp chính khóa, thu nhập từ dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên cao gấp nhiều lần. Có những giáo viên thu về hàng chục triệu trong một tháng khi dạy 3 - 4 ca/ngày. Đi cùng với đó, nhiều văn bản và quy định cũng được ban hành nhằm quản lý có hiệu quả hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.

Với hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, điều 6 Thông tư 29/2024 quy định từng trường hợp cụ thể và yêu cầu thực hiện đầy đủ.

Theo đó, tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công khai các môn học tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Nhiều quy định về dạy thêm và học thêm đã được ban hành. (Ảnh minh họa)

Nhiều quy định về dạy thêm và học thêm đã được ban hành. (Ảnh minh họa)

Người dạy thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Như vậy, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập muốn tham gia dạy thêm ngoài trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường. Trong khi đó, thông tư cũ không nêu rõ giáo viên dạy thêm ngoài trường cần xin phép người đứng đầu hay không.

Mức xử phạt với giáo viên dạy thêm sai quy định

Điều 7 Nghị định số 138/2013 của Chính phủ quy định mức xử phạt hành chính đối với giáo viên tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường sai quy định như sau:

Với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định sẽ bị xử phạt từ 1 - 2 triệu đồng;
Với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng đối tượng xử phạt từ 2 - 4 triệu đồng;
Với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng;
Với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép phải chịu mức phạt 6 - 12 triệu đồng.

Điều 15, 16, Nghị định 112/2020 của Chính phủ cũng quy định rõ hình thức xử lý kỷ luật với giáo viên dạy thêm trái quy định. Cụ thể, với giáo viên dạy thêm không giữ chức vụ quản lý trong nhà trường sẽ chịu các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc.

Trong khi đó, giáo viên dạy thêm khi đang đảm nhận chức vụ quản lý phải chịu hình thức kỷ luật cao hơn, tùy vào mức độ sai phạm. Bao gồm, khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc.

Người đứng đầu đơn vị sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý kỷ luật phù hợp với giáo viên có hành vi dạy thêm không đúng với quy định. Ngoài ra, một số trường hợp giáo viên còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

Anh Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/quy-dinh-moi-nhat-ve-day-them-ngoai-nha-truong-ar917848.html
Zalo