Khát vọng phát triển, khát vọng hòa bình

7 ngày làm việc tại Hoa Kỳ từ 11 đến 17/5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng phát triển, khát vọng hòa bình của một Việt Nam đang gắng sức tăng tốc trên hành trình trở thành quốc gia hùng cường, thịnh vượng, có vị thế trên trường quốc tế và khu vực.

Vang tiếng “Độc lập”

“Độc lập” có lẽ là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất trong chuyến đi này. Ngay trong hoạt động đầu tiên tại Hoa Kỳ, ngày 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài thuyết trình tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS) ở Washington D.C, nhấn mạnh: “Việt Nam đánh giá cao trong những năm qua Hoa Kỳ luôn ủng hộ một Việt Nam hùng mạnh, độc lập”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022.

Ông nêu rõ quan điểm của Việt Nam: “Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó”, đồng thời khẳng định: “giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Cho rằng hội nhập quốc tế là xu thế khách quan, Thủ tướng thấy trong hội nhập, mỗi quốc gia phải lấy nội lực là cơ bản, là chiến lược lâu dài, là nhân tố quyết định, gắn với tranh thủ ngoại lực - nhân tố quan trọng, cần thiết, thường xuyên, đột phá. Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn bè. Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, tăng cường trách nhiệm của cả hai bên, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN, Tổng cục Hải quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

“Không phải bây giờ Việt Nam mới thể hiện mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ” - Thủ tướng nói - “Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới, từ những ngày đầu thành lập nước, đã thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, toàn diện với Hoa Kỳ trong những bức thư gửi tới chính quyền Hoa Kỳ năm 1946. Đặc biệt, trong bức thư ngày 16/2/1946 gửi Tổng thống Harry Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi được một quãng đường dài trong việc thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau”.

Vừa hội nhập, vừa nỗ lực

Phát biểu tại Đại học Harvard, ngày 14/5, Thủ tướng nêu xu hướng chung và mong muốn của hầu hết các nước, nhất là những nước đang phát triển là hướng tới xây dựng nền tảng kinh tế độc lập, tự chủ vững mạnh, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với hội nhập quốc tế nhằm vươn lên thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", trở thành nước phát triển. Độc lập, tự chủ về kinh tế gắn liền với độc lập, tự chủ về chính trị, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Vượt qua khác biệt

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trải qua những thăng trầm và đột phá, từ khi bắt đầu bình thường hóa quan hệ năm 1995, đã không ngừng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Trong 27 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ, đã có 4 vị Tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đến thăm Việt Nam và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Việt Nam và Hoa Kỳ đã vượt qua được những khác biệt và đạt được những nguyên tắc nền tảng cho quan hệ hai nước, như đã được khẳng định trong Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ vào năm 2015, trong đó nhấn mạnh “tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau".

Gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nhà Trắng ngày 12/5/2022 trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, Tổng thống Joe Biden cho hay ông luôn dành nhiều tình cảm cho đất nước, người dân Việt Nam. Khi còn là thượng nghị sỹ, ông đã cùng người bạn, người đồng nghiệp John McCain vận động chính giới Hoa Kỳ ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Tổng thống Joe Biden nhất trí với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị giữa các quốc gia, không sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Thủ tướng cũng chia sẻ việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng là chủ trương nhất quán, kiên định, xuyên suốt của Việt Nam từ khi giành được độc lập dân tộc vào năm 1945, đặc biệt trong 35 năm đổi mới, nhất là từ đầu những năm 1990 khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Việt Nam vừa hội nhập sâu rộng, vừa nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực nội tại, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với các cú sốc từ bên ngoài như: khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998; khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008; đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng để góp phần giải quyết những vấn đề lớn đặt ra đối với Việt Nam; để bảo đảm độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia; giúp nâng cao thực lực, tiềm lực cho hội nhập sâu rộng, hiệu quả trong hệ thống kinh tế toàn cầu và thực hiện tốt các cam kết quốc tế.

Có độc lập, tự chủ, Việt Nam từ một nền kinh tế kém phát triển, sau hơn 35 năm đổi mới đã vươn lên mạnh mẽ, đạt được những thành tựu to lớn. Quy mô nền kinh tế không ngừng được mở rộng, năm 2021 đạt trên 362 tỷ USD (so với 4,2 tỷ USD năm 1986); GDP bình quân đầu người đạt gần 3.700 USD, tăng khoảng 26 lần so với năm 1990 (142 USD). Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong ASEAN; một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; là nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản đứng đầu thế giới; có mạng lưới 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực. An sinh xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 2,2% năm 2021.

Điều quan trọng của Việt Nam

Hai tiếng “độc lập” của Việt Nam vang lên trong bối cảnh cả thế giới đang đứng trước thời kỳ khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh. Xung đột ngay giữa lòng châu Âu gây ra những hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế và đứt gãy chuỗi cung ứng gia tăng… Cạnh tranh, đối đầu đang dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Trong khi đó, những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, an ninh con người, an ninh mạng… tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia và những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hiệp quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ với bạn bè quốc tế niềm tự hào về một Việt Nam từ một thuộc địa vươn lên giành độc lập, từ một quốc gia bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh phi lý đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu đã nỗ lực vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và đang thực hiện mục tiêu phát triển đầy khát vọng.

Đó là, đến năm 2025: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều quan trọng là khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới.

Đoàn Trần

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khat-vong-phat-trien-khat-vong-hoa-binh-105314.html
Zalo