Israel-Hezbollah ngừng bắn: Tia hy vọng cho hòa bình Trung Đông?
Chuyên gia cho rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah góp phần ổn định tình hình Trung Đông nhưng phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm.
Vào 4 giờ sáng 27-11 (tức 9 giờ sáng cùng ngày, giờ VN), thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon)do Mỹ và Pháp làm trung gian chính thức có hiệu lực, mở đường cho việc chấm dứt cuộc xung đột xuyên biên giới giữa hai bên kéo dài gần 14 tháng khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Thỏa thuận mở đường cho ổn định ở Trung Đông
Tổng thống Mỹ Joe Biden là người thông báo về thành công thỏa thuận mang tính bước ngoặt này. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, thỏa thuận được thiết kế để chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch giữa Israel và Hezbollah và là một bước đi quan trọng hướng tới ngăn chặn sự cuộc chiến tranh khu vực ở Trung Đông.
“Các phần tàn dư còn sót lại của Hezbollah và các tổ chức khủng bố khác sẽ không được phép đe dọa an ninh của Israel thêm một lần nào nữa” - ông Biden nhấn mạnh.
Văn bản thỏa thuận chưa được công bố chính thức nhưng hãng tin Reuters dẫn một nguồn tin cấp cao ở Lebanon rằng thỏa thuận dài 5 trang và bao gồm 13 mục. Nội dung đầu tiên được đề cập trong thỏa thuận là Israel “sẽ ngừng bất kỳ hoạt động quân sự nào nhằm vào lãnh thổ Lebanon bằng đường bộ, đường biển và đường không”. Tương tự, tất cả các nhóm vũ trang ở Lebanon “sẽ ngừng các hoạt động chống lại Israel”.
Thỏa thuận cũng yêu cầu lực lượng Israel sẽ rút khỏi miền nam Lebanon trong vòng 60 ngày và các chiến binh Hezbollah sẽ rời khỏi miền nam Lebanon để di chuyển về phía bắc sông Litani, cách biên giới với Israel khoảng 30 km về phía bắc.
Nguồn tin nói thêm rằng việc rút lui của Hezbollah sẽ không được công khai, các cơ sở quân sự của Hezbollah “sẽ bị tháo dỡ”. Sau đó, 5.000 binh sĩ Lebanon sẽ triển khai đến phía nam sông Litani để đồn trú.
Thông báo về thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra sau khi nội các an ninh Israel bỏ phiếu thông qua thỏa thuận này với tỉ lệ 10-1. Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Netanyahu nói rằng Hezbollah “không còn như trước” sau cuộc tấn công của Israel và đưa ra ba lý do tại sao ông theo đuổi thỏa thuận ngừng bắn.
Đầu tiên, ngừng bắn để cho phép Israel “tập trung vào mối đe dọa từ Iran”. Thứ hai là để bổ sung lại lực lượng và trang bị quân sự của Israel đã bị hao hụt. Cuối cùng là nhằm cô lập Hamas, khiến nhóm này không thể phối hợp chiến đấu cùng Hezbollah.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel cảnh báo rằng nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận, Israel sẽ nối lại các cuộc tấn công. “Nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận và cố gắng tái vũ trang, chúng tôi sẽ tấn công. Nếu họ cố gắng xây dựng lại cơ sở hạ tầng khủng bố gần biên giới, chúng tôi sẽ tấn công. Nếu họ bắn một quả rocket, nếu họ đào một đường hầm, nếu họ mang vào một chiếc xe tải chở rocket, chúng tôi sẽ tấn công” - ông Netanyahu nói.
Hezbollah ngày 26-11 tỏ ra nghi ngờ về cam kết của ông Netanyahu. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ khẳng định Hezbollah phải tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn ngay cả khi không hoàn toàn đồng ý vì Mỹ đã làm việc với chính phủ Lebanon, và chính phủ Lebanon chịu trách nhiệm đảm bảo thực thi thỏa thuận.
Thỏa thuận ngừng bắn sẽ tạo điều kiện để khôi phục sự bình yên lâu dài và cho phép người dân ở cả hai bên của Đường giới tuyến Xanh trở về nhà của mình một cách an toàn. Mỹ và Pháp sẽ hợp tác với Israel và Lebanon để đảm bảo thỏa thuận này được thực hiện và thực thi đầy đủ, và chúng tôi vẫn quyết tâm ngăn chặn cuộc xung đột này trở thành một chu kỳ bạo lực khác, theo nội dung tuyên bố chung Mỹ và Pháp về thỏa thuận ngừng bắn.
Ý nghĩa của thỏa thuận ngừng bắn
Theo giới quan sát, điểm nổi bật nhất của thỏa thuận ngừng bắn chính là thỏa thuận đánh dấu chiến thắng về mặt ngoại giao cho chính quyền Tổng thống Biden sau nhiều tháng nỗ lực ngăn chặn, hạ nhiệt và cuối cùng là chấm dứt xung đột Israel-Hezbollah.
Đối với Israel và Lebanon, thỏa thuận giúp chấm dứt cuộc chiến đã làm gần 4.000 người thiệt mạng ở hai bên, hơn 1,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Phát biểu trước khi lệnh ngừng bắn được công bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết thỏa thuận này sẽ giúp những người dân phải di dời ở cả hai bên biên giới có thể trở về nhà.
Các chuyên gia tin rằng thỏa thuận có thể duy trì hòa bình ở biên giới Israel-Lebanon “ít nhất trong vài năm”. Ông Imad Salamey - GS khoa học chính trị tại ĐH Mỹ-Lebanon (trụ sở Lebanon) - nhận định rằng nếu không có thỏa thuận chính trị toàn diện có tính đến Iran thì thỏa thuận ngừng bắn vừa công bố có nguy cơ chỉ là biện pháp tạm thời.
Cũng có ý kiến cho rằng thỏa thuận ngừng bắn này rất mong manh, đặc biệt là khi thỏa thuận phụ thuộc vào việc mở rộng vai trò của quân đội Lebanon.
Đối với Hezbollah, khi thỏa thuận bắt đầu, đồng nghĩa với các lực lượng quốc tế từ Mỹ, Pháp, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ đến miền nam Lebanon để giám sát việc thực thi thỏa thuận, điều này khiến Hezbollah khó có thể lấy lại sức mạnh như trước đây.
“Có khả năng Hezbollah sẽ buộc phải tập trung vào các vấn đề nội bộ, tìm cách củng cố vị thế của mình trong hệ thống chính trị của Lebanon thay vì tiếp tục các hoạt động quân sự bên ngoài” - ông Salamey nói với kênh Al Jazeera.
Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận ngừng bắn Israel-Lebanon được cho là sẽ khó tác động đến cục diện xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza. “Tôi không nghĩ rằng việc ký kết bất kỳ thỏa thuận nào về Lebanon có thể thúc đẩy một thỏa thuận tương tự ở Gaza” - ông HA Hellyer, chuyên gia về nghiên cứu an ninh tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI, Anh), nhận định với đài CNN.
Thêm vào đó, việc Qatar đầu tháng này đã rút khỏi vai trò trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas khiến một lệnh ngừng bắn ở Gaza khó có thể đạt được.
Chính quyền ông Biden đang nỗ lực để tìm kiếm hòa bình cho Gaza trước khi ông rời nhiệm sở. Trong bài phát biểu công bố thỏa thuận về Lebanon, ông Biden cho biết trọng tâm tiếp theo của ông sẽ là đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và trả tự do cho những con tin Israel còn lại. Nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng Mỹ “sẽ tiếp tục hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Qatar, Israel và các nước khác để đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza”.
Tuần trước, một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng một thỏa thuận với Hezbollah sẽ “gửi tín hiệu tới Hamas” rằng Israel và các đối tác sẽ làm hết sức mình để đảm bảo một thỏa thuận đưa các con tin trở về. “Nếu chúng ta có một thỏa thuận với Lebanon, chúng ta sẽ giáng một đòn mạnh vào Hamas” - vị quan chức nói.
Phản ứng quốc tế về thỏa thuận ngừng bắn Israel-Hezbollah
Ngày 26-11, người phát ngôn Bộ ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei nói rằng Tehran hoan nghênh việc chấm dứt “cuộc xâm lược” của Israel ở Lebanon, đồng thời nhấn mạnh “sự ủng hộ vững chắc của Iran đối với chính phủ, quốc gia và lực lượng kháng chiến Lebanon”.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hoan nghênh thỏa thuận và coi đây là “tia hy vọng cho toàn bộ khu vực”. “Người dân ở cả hai bên biên giới đều muốn sống trong sự an ninh thực sự và lâu dài” - hãng tin AFP dẫn lời bà Baerbock.
Thủ tướng Anh Keir Starmer nói rằng thỏa thuận ngừng bắn “đáng lẽ phải có từ lâu” này sẽ “mang lại sự cứu trợ cho dân thường” của Israel và Lebanon. Ông Starmer cam kết sẽ “đi đầu trong những nỗ lực phá vỡ vòng xoáy bạo lực đang diễn ra để theo đuổi hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Đông”.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tin rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ tăng cường “an ninh và ổn định nội bộ” cho Lebanon.
LHQ hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn, nhưng cảnh báo rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm” để thực hiện thỏa thuận, theo Điều phối viên đặc biệt của LHQ tại Lebanon - bà Jeanine Hennis-Plasschaert.